itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Sáng nay, chất vấn tại hội trường Quốc hội : Vì sao thuế giảm mà giá không giảm?

Sáng nay, chất vấn tại hội trường Quốc hội : Vì sao thuế giảm mà giá không giảm?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

Sáng nay, 17-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Có 13 câu hỏi được nêu tại hội trường Quốc hội đều đã được Bộ trưởng trả lời, chủ yếu xoay quanh những sai phạm trong chi tiêu tại Đề án 112; về “cơn bão” giá cả đang tác động đến kinh tế và đời sống...

Đề án 112: Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm!

Xung quanh Đề án 112, chưa bằng lòng với giải trình của Bộ trưởng Tài chính, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (tỉnh Lạng Sơn) 3 lần nêu ý kiến tại hội trường: “Có tình trạng giải ngân khống ở Đề án 112 không? Có chuyện treo thưởng giải ngân nhanh thì cấp vốn nhiều không? Trách nhiệm của Kho bạc trong vấn đề như thế nào? Bộ Tài chính có một Thứ trưởng tham gia vào Ban điều hành, không thể nói là không biết?”.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Bộ Tài chính có đại diện là thành viên Ban Điều hành (BĐH), nhưng BĐH không quyết định chi tiết việc chi tiêu của Đề án 112, còn khi giải ngân thì Kho bạc chỉ kiểm soát hồ sơ chứng từ giữa 2 bên. Nếu hai bên A – B thông đồng với nhau cố tình khai khống hoặc “gửi giá” thì Kho bạc không thể biết. ĐB Thuyết hài hước: “Nếu việc của Kho bạc đơn giản thế thì tôi cũng làm Giám đốc Kho bạc được!”.

Liệu có hiện tượng đầu cơ, móc ngoặc, độc quyền...?

Giảm thuế nhưng giá không giảm nhiều, theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Tài chính, là bởi vì thuế chỉ là một giải pháp trong điều hành giá. Trong số 18 nhóm mặt hàng liên quan đến sản xuất đầu vào trong nước đã được giảm thuế, có rất nhiều mặt hàng mà mức giá trên thị trường thế giới tăng cao hơn nhiều lần mức giảm thuế.

Bộ trưởng Ninh dẫn chứng, giá phôi thép tăng mạnh trong những tháng cuối năm, tới 70% so với cùng kỳ năm trước, biện pháp hạ thuế chỉ giúp giảm giá 25%-30%. Với nguyên liệu sản xuất sữa, giảm thuế chỉ giảm được giá 3%-4%, trong khi giá nguyên liệu tăng đến gấp đôi. ĐB Võ Tiến Trung (Phú Yên) chất vấn lại: “Thực tế đã phát hiện rất nhiều doanh nghiệp được giảm thuế nhưng vẫn không hề giảm giá?”.

Bộ trưởng Ninh cho biết, đúng là có hiện tượng này và qua kiểm tra, đã có 3 doanh nghiệp bị xử phạt, thu lại số tiền hưởng lợi. Tuy nhiên, ông Ninh cũng công nhận rằng, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên và đồng đều ở các địa phương.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tiếp tục: “Giảm thuế nhập khẩu đã là giải pháp căn cơ để mọi người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đều được hưởng lợi hay chưa? Thay vì giảm thuế nhập khẩu ô tô, nguyên liệu sữa (chỉ có một bộ phận không lớn dân cư sử dụng), tại sao không giảm giá điện, vì đây là “mặt hàng” thiết yếu nhất?”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát

Theo Bộ trưởng Ninh, trong 18 nhóm mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu đã có nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, lương thực thực phẩm… là những mặt hàng quan trọng có tác động lớn đến khu vực nông nghiệp nông thôn. Còn giá điện là chủ trương lớn, lộ trình điều chỉnh giá điện đã tính đến việc bảo đảm đời sống cho những người có thu nhập thấp. “Việc hỗ trợ qua giá có nhược điểm ở chỗ nhiều khi hỗ trợ chưa “trúng”.

Về lâu về dài Chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng cần hỗ trợ, chẳng hạn như không kiềm chế giá xăng dầu chung mà sẽ cấp không dầu thắp sáng cho người dân ở vùng khó khăn; đối với ngư dân (sử dụng nhiều nhiên liệu để đánh bắt) thì xây dựng các chương trình của Nhà nước để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cho vay hoán cải tàu đánh bắt xa bờ với lãi suất ưu đãi…”, Bộ trưởng Ninh khẳng định.

Tiếp theo Bộ trưởng Tài chính, vào cuối buổi sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn về chương trình, dự án thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quản lý mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản; chính sách hỗ trợ nông dân khi bãi bỏ trợ giá đối với hàng hóa, vật tư sản xuất nông nghiệp…

Anh Phương (Theo SGGP)