itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Quốc hội chất vấn thành viên chính phủ: "Mổ xẻ” chuyện học hành, giá cả

Quốc hội chất vấn thành viên chính phủ: "Mổ xẻ” chuyện học hành, giá cả

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân

Chiều 16-11, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân mở đầu phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH). Hầu hết các vấn đề có liên quan đến các bậc học, chương trình học đều được các đại biểu nêu ra: sách giáo khoa, chất lượng dạy và học, chế độ chính sách cho học sinh người dân tộc, kiên cố hóa trường lớp học, xã hội hóa giáo dục, đạo đức người thầy...

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã mất nhiều thời gian để trả lời, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã phải nhắc nhở nhiều lần khi gần hết giờ. Tuy nhiên, những vấn đề nóng bỏng mà dư luận đang quan tâm như nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH làm một thành kỳ thi quốc gia, tăng học phí bao nhiêu... vẫn chưa được nhiều đại biểu đề cập trong chất vấn.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân:

Đạo đức vi phạm ít, đau lòng nhiều

Trong hơn 100 phút, 12 câu hỏi đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

Chuyện đạo đức người thầy, chất lượng dạy và học liệu có đảm bảo theo kịp yêu cầu của xã hội hay không là những vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Lỗi do quản lý

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) về tiêu cực trong giáo dục và đạo đức nghề nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề chúng tôi hết sức bức xúc. Năm ngoái báo chí đăng khoảng một chục trường hợp thầy cô giáo có hành động trái đạo đức với học sinh. Có mười trường hợp trong khoảng 1 triệu thầy cô giáo không phải là nhiều nhưng đã làm chúng tôi hết sức đau lòng. Báo cáo với Quốc hội, cuộc vận động “hai không” trong năm học này có thêm hai cái mới là “nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo” và “nói không với ngồi sai lớp”. Chúng tôi cùng các thầy cô thảo luận về hai cái mới này, người nào thấy không thể giữ được cái đó thì xin ra khỏi ngành”.

Bộ trưởng Nhân nói tiếp: “Sáng nay chúng tôi đọc được một tin rất đau xót, đó là ở một trường phổ thông tại quận 10 (TP.HCM) có việc thầy hiệu phó giao học sinh cho một số dân quân đánh đập. Đây là điều không được và chúng tôi cũng biết thành phố đang chỉ đạo cương quyết làm”.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nói: “Là một phụ huynh, tôi cũng hết sức đau lòng trước việc một hiệu phó đưa bốn học sinh đi để rồi bị đánh đập. Tuy nhiên, bộ trưởng đã có qui chế hướng dẫn đối với các trường hợp này không? Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện như thế, trước đó là chuyện bé Trâm ở Đồng Tháp”. Bộ trưởng Nhân cho rằng “không phải do qui chế không rõ ràng mà do chúng ta quản lý. Nhà trường nào cũng có qui chế hoạt động nói lên trách nhiệm của giáo viên”.

Không có cái mới đừng làm luận án tiến sĩ

Nói về chất lượng đào tạo tiến sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự không bằng lòng: “Tôi là một nhà giáo từng hướng dẫn nghiên cứu sinh, nhiều lúc buồn vì chất lượng luận văn tiến sĩ. Chúng ta không chú ý đúng mức cái này. Tôi có gặp hiệu trưởng một trường có lượng tiến sĩ tăng lên, tôi hỏi các luận án tiến sĩ có yêu cầu mới về khoa học không, thầy hiệu trưởng nói là không có cái mới vì các nước khác người ta làm rồi. Luận án dày cả trăm trang nhưng đề nghị ghi một trang những cái mới trong luận án mà vẫn không ghi hết được. Nếu không có cái mới về khoa học thì xin đừng làm tiến sĩ”.

Về ý kiến cho rằng hiện nay có nhiều giáo viên về miền núi dạy đã lâu, thậm chí có người hàng chục năm nhưng sau đó vẫn không được chuyển về miền xuôi, Bộ trưởng Nhân nhìn nhận: “Đó là lỗi của ngành chúng tôi”. Ông Nhân còn cho rằng đây cũng là lỗi của chính quyền địa phương và hứa “sẽ chỉ đạo để cùng gỡ”.

“Tấm chăn” ngân sách không đủ đắp từ đầu đến chân

Nói về học phí, Bộ trưởng Nhân khẳng định ngành giáo dục không làm khác với nghị quyết: học phí phải điều chỉnh ở các vùng địa bàn có thu nhập cao trên mức bình quân, miễn cho vùng sâu vùng xa và tăng học phí ở trường TCCN, CĐ, ĐH. Ông Nhân phân tích: “Tấm chăn ngân sách không đắp được từ chân đến đầu, nếu miễn phí thì cái chăn nó bé đi dẫn đến số lượng người đi học giảm. Hiện một người đi học chỉ đóng 550.000 đồng, Nhà nước chi 2,5 triệu đồng/năm. Nếu miễn học phí cho bốn em thì sẽ có một em không được đi học”.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Tôi không hài lòng 

Tôi chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Bộ trưởng nói hầu hết các sinh viên ra trường đều có việc làm và đưa ra số liệu so sánh. Cá nhân tôi cho rằng cần phải cân nhắc lại số liệu này. Bởi việc làm phải theo đúng chuyên môn đào tạo, chứ học đại học xong mà lại lao động giản đơn thì đó không phải là mục tiêu của đào tạo.

Tôi nghĩ mình là ủy viên thường trực của Ủy ban Văn hóa - giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nên tôi có cơ hội để hỏi sau đó nên tôi tạm thời để câu hỏi lại chứ không phải “chịu” phần trả lời của bộ trưởng.

H.L

Nguyên Phan