itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Thảo luận tại Quốc hội: Ngân sách thất thu lớn vì đâu?

Thảo luận tại Quốc hội: Ngân sách thất thu lớn vì đâu?

ĐB Trần Văn phát biểu tại hội trường

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ngày 31.10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận tại hội trường, tập trung mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

Phiên họp hôm qua được dành để các ĐBQH thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007, phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, phân bổ ngân sách nhà nước Trung ương và bổ sung ngân sách Trung ương năm 2008. ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) lên tiếng: "Tôi thấy còn rất nhiều khoản thu còn chưa được tận thu và còn nhiều thất thoát. Giá đất hiện nay đang làm cho chúng ta thất thu một khoản rất lớn. Năm 2007, chúng ta thu về đất khoảng 16.000 tỉ đồng, tôi nghĩ là chưa tương xứng với tiềm năng". Nguyên nhân theo ông là do định giá, mô hình giá đất của Nhà nước còn rất nhiều bất cập. Ông Dung cho rằng: "Nếu như chúng ta chuyển đổi cơ chế tốt, giao quyền tự chủ về tài chính cho những đơn vị sự nghiệp mà có thể xã hội hóa được, chúng ta có thể thay thế cho ngân sách rất nhiều".

ĐB Trần Văn (Cà Mau) nói: "Cơ cấu trong GDP của khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện nay chiếm hơn 30% và hơn 60% tổng số tín dụng, vì phần lớn tài nguyên, đất đai, khoáng sản và đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật được đào tạo cơ bản nằm ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng".

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) đặt vấn đề: "Tại sao lại có hiện tượng trong nhiều năm thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không đạt?". Ông Phúc hỏi: "Phải chăng ở đây có hiện tượng chuyển giá mà Nhà nước ta không kiểm soát được?".

Bình luận về "sự kiện" Bộ Khoa học - Công nghệ tiêu không hết tiền, phải trả lại ngân sách nhà nước 125 tỉ đồng, ĐB Trần Minh Mẫn (Long An) bức xúc: "Nhiệm vụ được phân bổ chi không thực hiện hết, tức là chưa hoàn thành nhiệm vụ". ĐB Phan Xuân Dũng (Thừa Thiên - Huế) bổ sung: "Đối với một đất nước khoảng 85 triệu dân như chúng ta và tỷ lệ đầu tư cho khoa học - công nghệ như vậy, số tiền như thế là rất ít. Đối với các nước tiên tiến và phát triển thì đầu tư cho khoa học - công nghệ khoảng từ 2-3,5%, còn chúng ta hiện nay khoảng từ 300-400 triệu đô la, nghĩa là tương đương với 0,4% GDP".

Nhưng ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) lại có lý giải khác: "Nguyên nhân của nó là ở cách thức quản lý của Nhà nước, các thủ tục hành chính về đơn đặt hàng cũng như các thủ tục làm các vấn đề về tài chính trong các đề tài nghiên cứu cũng như các thứ còn rất rườm rà và phức tạp. Tôi nghĩ không nhà khoa học chân chính nào có thể đáp ứng được".

Dự báo ngân sách xê dịch 5% không phải là lớn

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh phân trần: "Yêu cầu đặt ra để dự báo, tính toán ngân sách là rất khó khăn và rất cao. Trong khi nhiệm vụ đặt ra là dự toán ngân sách lại phải vừa tích cực, nhưng lại vừa phải đảm bảo vững chắc. Chúng tôi nghĩ rằng một dự báo ngân sách mà xê dịch trong khoảng từ 5-10% số thu thì cũng không có gì là quá lớn".

Bộ trưởng Bộ LĐ - TB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân  

Tỷ lệ tăng chi cho các khoản chi về sự nghiệp kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, quản lý hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể chỉ tăng có 6% so với năm 2007. Đây là điều có thể nói chúng ta rất lo, vì tỷ lệ này có thể thấp hơn chỉ số tăng giá tiêu dùng của năm 2008".

Một số ĐB cho rằng, báo cáo đánh giá thu ngân sách năm 2007 thấp, Bộ trưởng giải thích: "Thu nội địa không kể dầu thô 9 tháng là 112.800 tỉ đồng, tăng trưởng 28,1% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm là 159.500 tỉ bằng 105,1% dự toán năm và tăng 7.700 tỉ, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Nếu không tính tiền thu sử dụng đất thì tăng 23,3%. Trong khi đó năm 2006 tăng 15,9% và 2005 tăng 16,9%. Như vậy vẫn tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế và trượt giá"á. Xung quanh ý kiến một số khoản thu không đạt dự toán và tăng trưởng thấp, Bộ trưởng Ninh đáp: "So với dự toán không đạt, nhưng so với thực hiện năm trước thì tăng trưởng vẫn rất lớn".

Việc thu từ doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng, Bộ trưởng làm rõ: "Khu vực doanh nghiệp nhà nước thu 53.956 tỉ, dự báo đạt được chỉ tiêu thu mà Quốc hội đã phê duyệt, cũng tăng 17,1% so với thực hiện năm 2006. Mức tăng trưởng bình quân của 5 năm gần đây đối với lĩnh vực này là 14,8%, năm nay đã phấn đấu 17,1%".

* Chiều cùng ngày, các ĐB đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đặc xá.

X.T