itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Giám đốc mê bún nước lèo

Giám đốc mê bún nước lèo

Giám đốc Đoàn Minh Phương chăm chú với nồi bún nước lèo.

Cái vẻ ngoài như nông dân của ông Đoàn Minh Phương, cộng với chiếc tạp dề đeo trước ngực khi cặm cụi vào bếp nấu nồi bún nước lèo, khiến nhiều người ở Sóc Trăng tò mò...

Ai cũng ngạc nhiên về câu chuyện ông Việt kiều Mỹ xa quê hơn 30 năm trở về mở tiệm ăn bình dân chuyên bán bún nước lèo. Cách nấu và hương vị bún ở quán của ông rất riêng. Mỗi khi khách ghé thăm đều tấm tắc khen ngon.

Vào bếp không dễ!

Năm 1980, ông Phương đến Mỹ học ngành kinh tế. Để có thể sống và học tập, ông làm nhiều việc như bưng bê, bồi bàn, rửa chén… Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại trường đại học Laney, California, ông vào làm giám đốc cho một công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Năm 1995, ông tách ra thành lập công ty riêng chuyên buôn bán hàng mỹ nghệ Việt Nam như mây tre, đồ gốm… Để có nguồn hàng có chất lượng và giá rẻ, ông quay về Việt Nam tìm cơ hội cho việc làm ăn của mình.

Trong một chuyến về thăm lại Sóc Trăng, ông dạo quanh những con đường, tìm lại ký ức thời thơ bé. Ông để ý đến hàng loạt các cửa hàng ăn uống giới thiệu món bún nước lèo. Mặc dù món bún này phổ biến tại Sóc Trăng, nhưng nó không phải là món ăn phổ biến, không là thương hiệu nổi tiếng trong nước. Thưởng thức vị riêng của món ăn, ông gác lại dự án thủ công mỹ nghệ và ngẫm nghĩ kế hoạch biến món bún nước lèo thành thương hiệu riêng, giới thiệu nó đến bạn bè trong và ngoài nước.

Khi còn bé, cả nhà ông thường quây quần bên nồi bún nước lèo vào dịp lễ, cuối tuần. Vị ngon của tô bún qua bàn tay nấu nướng của mẹ và câu chuyện món ăn mang tinh hoa của ba dân tộc Hoa, Chăm, Kinh mà cha kể thấm dần qua ngày tháng và giúp ông Phương đưa ra quyết định táo bạo: học nấu món bún nước lèo. Chặng đường vào bếp của ông chẳng dễ dàng. Bàn tay ông vốn chỉ quen với công việc thủ công mỹ nghệ nay phải quay sang làm bếp. Nấu ăn chơi thì được, đây lại là nấu để mở quán bán cho khách thích ăn bún nước lèo, ai cũng bảo ông Phương mạo hiểm.

Mất chín tháng, ông mới tìm được người truyền nghề cho mình là một bà lão bán bún nước lèo lề đường, mấy chục năm nay quán của bà lúc nào cũng đông khách dù vị trí ngồi không thuận tiện. Ông học bà cách cho thính, cho sả, cho ngải..., rồi tìm đến các quán ăn khác để dò vị ngon ngọt của nồi bún để tìm ra những điểm chung. Cũng từng đó thực phẩm, gia vị nhưng mỗi cửa hàng cho ra một hương vị ngọt, mặn, bùi khác nhau đã làm ông băn khoăn. Sau nhiều lần ghi chú tất cả quy trình nấu nướng, ông đã cho ra công thức chung cho nồi bún nước lèo, như: 10 lít mắm thì bao nhiêu ký sả, bao nhiêu ký bún, ký tôm… Để biến lý thuyết trên giấy thành món ăn ngon, ông vào bếp. Ông nhiều lần lặp đi lặp lại quy trình, nấu rồi nhờ bạn bè nếm thử cho đến khi mọi người gật đầu khen ổn và ngon.

Thương hiệu “bún nước lèo”

Năm 2009, ông Phương quyết định mở quán bún nước lèo Phương Giang tại thành phố Sóc Trăng. Bạn bè lo ngại khi ông mở quán, vì sẽ khó cạnh tranh với người buôn bán lâu năm tại đây. Ông không nản lòng với kế hoạch đã vạch. Mở quán không vì lợi nhuận, mục đích ông muốn tạo lập thương hiệu của bún nước lèo Sóc Trăng. Ông kể: “Nhiều người cản tôi lắm. Họ bảo tôi đầu tư vào dịch vụ đang ăn khách như nhà hàng, khách sạn hay mở công ty kinh doanh sẽ kiếm được lợi nhuận nhanh hơn. Nhưng tôi bỏ qua hết, tôi đã mất gần một năm tìm người dạy nấu bún nước lèo, vào bếp, đi chợ thì tại sao lại bỏ giữa chừng. Tôi chọn bún nước lèo để đầu tư vì đó là món ăn gắn liền với ký ức và quê hương tôi. Nếu thất bại, tôi rút kinh nghiệm chứ không bỏ cuộc. Đó không phải là tính cách của tôi…”

Người dân địa phương lâu nay quen ăn bún nước lèo ngoài lề đường, mất một thời gian dài ông mới thuyết phục được mọi người về giá cả phải chăng cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của quán. 18 tháng trôi qua là những ngày khó khăn trong việc biến ý tưởng thành hiện thực. Nay, quán bún nước lèo đã đông khách ra vào. Mô hình quán nhỏ, sạch sẽ và lịch sự của ông cũng được nhiều người buôn bán áp dụng. Món bún nước lèo cũng ghi dấu ấn với nhiều người, không chỉ dân địa phương mà bà con các tỉnh phương xa ghé thăm. Sắp tới, kế hoạch của ông là nhân rộng mô hình quán ra các khu phố khác trong thành phố, rồi quảng bá món ăn qua mở rộng thị phần ở các tỉnh thành khác.

Ông cho biết: “Hiện nay, một vài khu du lịch ở Sóc Trăng và tỉnh bạn đã liên hệ với tôi để hợp tác giới thiệu món bún nước lèo đến với khách du lịch quốc tế. Kế hoạch dài hơi trong tương lai của tôi là mang thương hiệu bún nước lèo ra thế giới…”

Minh Nhị/ SGTT