itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Phạm Tiến Duật - người thơ áo lính

Phạm Tiến Duật - người thơ áo lính

Nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà thơ

Lê Thị Kim. Ảnh: CTV

Không dễ gì mà “đàn anh” Chế Lan Viên lẫm liệt công nhận một “đàn em” trong thi đàn như Phạm Tiến Duật là “có bút pháp riêng”, “có sức khai mở một thi pháp”

Chiều 17-11 vừa qua là một chiều vinh danh thực sự cho sự nghiệp thơ Phạm Tiến Duật, dù anh đang nằm mê man trên tầng 6 Khu Quốc tế thuộc Quân y viện 108, đầy mình dây nhợ như một con “chíp” nối vào các mạch điện, để duy trì sự sống một cách thật khó khăn. Rất nhiều đồng đội, bạn bè và người mến mộ đã có mặt trong cuộc ra mắt Tuyển tập Phạm Tiến Duật tại Hội Nhà văn Việt Nam. Một sự hiện diện tự nguyện và thiện nguyện. Sau cuộc ra mắt, nhiều đồng đội và bạn bè anh lại tiếp tục ngồi nói về anh tại một quán nhỏ bên hồ Thiền Quang. Đấy là những người lính sinh viên đã từng như anh ra trận. Có nhà thơ Bằng Việt - bạn anh - và anh Nguyễn Văn Thục - anh trai của liệt sĩ lính sinh viên Nguyễn Văn Thạc với cuốn nhật ký làm rung động bao con tim tuổi trẻ. Câu chuyện không đầu không cuối về Phạm Tiến Duật khiến tôi bỗng nhớ lại bao năm tháng vơi đầy thuở ấy.

Đấy là năm 1969 nhiều trăn trở của đất nước sau tổng tấn công Mậu Thân năm 1968. Có một sự kiện văn học mà cả nước đều quan tâm - sự kiện giải thưởng thơ Báo Văn Nghệ mà người đăng quang vị trí “trạng nguyên” là nhà thơ trẻ Phạm Tiến Duật - một nhà thơ lính với chùm thơ làm ở đường Trường Sơn huyền thoại. Bằng một bút pháp rất lạ, rất lính, chùm thơ Phạm Tiến Duật đã loang nhanh vào độc giả yêu thơ vô cùng nhiều của thời bấy giờ.

Thực ra cho đến thời điểm đó, Phạm Tiến Duật đã làm thơ được 5 năm rồi. Nhưng cái giọng điệu lạ lẫm của thơ anh chưa thể nào chinh phục được người đọc ngay từ đầu bởi âm hưởng hào sảng của dòng thơ chính luận đang còn cuồn cuộn trên thi đàn thơ chống Mỹ từ ngót chục năm qua. Ngoài những giọng thơ lĩnh xướng đàn anh như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên,... là những giọng thơ sung sức của Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Dương Hương Ly (tức Bùi Minh Quốc)... Một trường thơ bi tráng của Hải Phòng với những Thanh Tùng, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Đào Cảng... hòa điệu với những giọng thơ kiểu học sinh, trí thức Hà Nội như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Xuân Quỳnh... và giữa dàn hợp xướng thơ thời kỳ đầu chống Mỹ, vọt lên một giọng đơn ca đặc sắc của “thần đồng” Trần Đăng Khoa. Nhưng vẫn chưa tìm ra được ngoài những dòng thơ ca ngợi người lính, một thứ thơ thực của chính người lính đang dấn thân, đang dâng hiến, đang hy sinh trên hành trình “xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”. Chính thời điểm ấy, giọng thơ Phạm Tiến Duật cứ đùa đùa, “tưng tửng như không” đã lóe sáng. Thơ thực của lính ta đây rồi. Không dễ gì mà “đàn anh” Chế Lan Viên lẫm liệt công nhận một “đàn em” trong thi đàn như Phạm Tiến Duật là “có bút pháp riêng”, “có sức khai mở một thi pháp”.

Đối với những sinh viên nhạy cảm chúng tôi, chúng tôi đã đón nhận Phạm Tiến Duật vừa để cân bằng với “Cửa mở” của Việt Phương, vừa để chuẩn bị vô tư cho mình một hành trang dấn thân. Số lượng xuất bản tập thơ Vầng trăng, quầng lửa của Phạm Tiến Duật năm 1970 có lẽ phải lên tới vài vạn cuốn. Một số lượng mà giờ đây các nhà thơ trẻ chỉ nằm mơ mới thấy. Có lẽ sau Tố Hữu, tuổi trẻ ngày ấy đã thuộc khá nhiều thơ Phạm Tiến Duật. Bây giờ, giở lại những trang trong tuyển tập của anh, tôi như gặp lại người bạn đường tri kỷ thời đó. Chúng tôi đã thuộc thơ Phạm Tiến Duật từ những giảng đường đại học và mang theo trong đáy ba lô ngày nhập ngũ. Lại thêm một chất men cho ta uống thơ Phạm Tiến Duật suy lịm hơn, khi Hoàng Hiệp phổ bài thơ Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây mà nghệ sĩ Quốc Hương cứ hát vang sau chiến dịch Đường Chín - Nam Lào cuối mùa xuân 1971. Chúng tôi gọi đó là “bản tình ca bôn - xê - vích” thượng hạng như để dành riêng cho cánh lính chiến trường.

Có thể nói điều này như là chuyện cổ tích với lớp trẻ hôm nay, nhưng thực sự những người lính vào chiến trường đầu thập kỷ 1970 hầu như đều đi theo một “cẩm nang dẫn đường”, đấy là những bài thơ Phạm Tiến Duật. Đi tới Vinh thì nhẩm đọc Qua một mảnh trời thành Vinh, qua Tùng Cốc thì đọc Qua cầu Tùng Cốc (bài thơ này Nguyễn Trọng Tạo đã phổ nhạc cho tốp ca nam hát thời đó khá hay), qua Đèo Ngang thì reo vang lên: “Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang - Mà không biết con đèo chạy dọc”. Vào đến Trường Sơn, sau những chặng leo dốc đường mòn một ngày thắt ngặt, đến khi ngả lưng trên võng mà ngâm nga giọng xẩm: “Ngủ rừng thì chắc sẽ ngủ ngon lúc nào không hay”.

Riêng tôi, sau chiến dịch Quảng Trị, tôi được đơn vị giao nhiệm vụ cùng một số anh em đi khảo sát để xây dựng đường dây trần thông tin chiến lược xuyên Trường Sơn - một tuyến đường Hồ Chí Minh của âm thanh song hành cùng tuyến đường mòn đi bộ, tuyến đường ô tô và tuyến đường xăng dầu. Bởi thế cái “cẩm nang dẫn đường” thơ Phạm Tiến Duật càng rất cần thiết cho tôi và “tai hại” hơn là “dụ dỗ” tôi từ một kỹ sư thông tin cũng “tập tọe” theo nghiệp thơ “dở hơi dở hồn” của cái bác Duật kia, bị “thơ làm” để phải bỏ nghề mà “sống dở, chết dở” với cái nghiệp này. Lang thang dọc Trường Sơn sau Hiệp định Paris, tôi nghĩ cái câu hát Duật viết “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” là dành trọn cho thế hệ lính từ năm 1973 trở đi. Thiên nhiên Trường Sơn thời bấy giờ quả là rất đẹp trong mùa khô. Cứ đi mà nghe đài đọc bài thơ Những vùng rừng không dân của bác Duật mà lòng người lính không xôn xao, xốn xang thì là nói dối. Dọc đường Trường Sơn những ngày đó có rất nhiều đơn vị nữ thanh niên xung phong mở đường xe và mở đường xăng, bởi thế cũng có những đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” của các đơn vị. Bài thơ Nghe em hát trong rừng của bác Duật được chúng tôi phát huy “công lực” đến tối đa để “tán tỉnh” chị em cho vui một đoạn đường. Tôi đã đọc cho bao nhiêu em gái hát “nhịp phách xem chừng sai cả” bài thơ này và thấy hẫng khi trong tuyển tập không biết bác Duật hay ban biên tập chữa khiến câu thơ “Tiếng hát chành đung đưa” lại hóa thành “Tiếng hát chòng chành như võng đung đưa”. Cái hồi cuối năm 1974 đi xuống vùng giáp ranh Thượng Đức, nghe em ca sĩ của đoàn xung kích “Mặt trận 4” hát hay quá nhưng tôi vẫn cứ đọc cho em nghe bài thơ này. Em rất thích cái đoạn: Tiếng hát sẽ bay vòng qua đêm/ Mai chiến sĩ lại lên cao điểm/ Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn/ Em còn đi rừng nở những gian hầm. Bao chiến sĩ Thượng Đức đã nghe hát như thế và đã lên cao điểm không bao giờ trở về nữa. Vậy mà trong tuyển tập, đoạn thơ này lại bị cắt đi, chỉ lấy câu “Tiếng hát sẽ bay vòng qua đêm” thế cho câu “Tiếng hát sẽ bay vòng tháng năm” ở khổ sau. Sợ nếu bác có mệnh hệ gì mà chuyển cõi, anh em liệt sĩ Thượng Đức sẽ “cự nự” bác cho coi. Tôi đọc bài Người ơi người ở đừng về mãi tới năm 1996 mới biết “Em là cây ngải đắng” chính là nghệ sĩ Lệ Ngải hát quan họ “trên cả tuyệt vời”. Ngày ấy, Lệ Ngải vào phục vụ văn nghệ cho Đoàn 559.

Khi đường dây trần xuyên Trường Sơn đã xuyên qua Tây Nguyên, tôi đi theo đường dây dẫn đến đâu đều thấy anh em các lán thông tin dọc đường thì thầm: “Đêm qua đoàn nhà văn do nhà thơ Phạm Tiến Duật dẫn đường vừa nghỉ lại ở đây”. Mãi sau này tôi mới biết đó là chuyến đi vào căn cứ Trung ương Cục của nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Tế Hanh và nhà thơ Phạm Tiến Duật. Chuyến đi mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết Lá đỏ rồi Hoàng Hiệp phổ nhạc, cũng lại là giọng hát Quốc Hương thể hiện. Vậy là tôi vẫn chỉ “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” với “thần tượng” của mình.

Mãi tới năm 1978, tôi mới gặp Phạm Tiến Duật ở Báo Văn Nghệ. Tôi có thành thật rụt rè khai báo rằng làm thơ được mấy năm rồi sao viết ra bài nào cũng cứ thấy nó hao hao thơ của bác. Bác Duật cười rất lính: “Cứ sống đúng mình, viết đúng mình là nó sẽ ra thơ mình thôi”. Lời khuyên thật hiệu nghiệm. Năm 1982, khi tôi được giải thơ Báo Văn Nghệ bài Những giọt mưa đồng hành, không chỉ bác Xuân Diệu, bác Chế Lan Viên thích thú mà bác Duật cũng viết lên báo mấy dòng động viên. Từ đó, anh em hay lang thang quán xá với nhau. Bác Duật có cái đức uống rất lỳ và yêu quên chết. Cái đức ấy đáng nể hơn mọi hư danh.

Chất lính không bị bào mòn  

Cái đáng nể hơn ở bác là cái chất lính không bị bào mòn trong bác. Nhiều người nói thơ Phạm Tiến Duật thời bình không còn hay như thơ thời chiến. Dù đó là sự thật thì đối với Phạm Tiến Duật, một tầm vóc thơ như thế đã là quá đóng góp rồi. Nhưng thực ra đó cũng chỉ là một nhận định phiến diện. Phạm Tiến Duật vẫn tiếp tục dòng thơ về lính của mình một cách chung thủy và đắm đuối. Hãy đọc: Tiếp máu, Cuộc chạy tiếp sức của bệnh sốt rét rừng - chặng cuối, Đón bạn về từ nước ngoài, Chợ lao động ở Giảng Võ, Tôi muốn trở về thuở thôi thúc ban đầu, Tiễn người đi Yaly, Cảm ơn cơn sốt, Gửi các em ở sân bay Tà Cơn... và ám ảnh nhất là trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa viết về những nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ lỡ thì đi tu. Anh vẫn là “người thơ áo lính” đáng tự hào của thế hệ chín muộn chúng tôi. Chín muộn nhưng không “lưu ban thế kỷ”, dù còn sống hay ra đi..

Nguyễn Thụy Kha (Theo NLĐ)