itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Bộ mặt thật của Walt Disney: Bà mẹ kế độc ác

Bộ mặt thật của Walt Disney: Bà mẹ kế độc ác

Chuột Mickey - nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Walt Disney, được rất nhiều thế hệ yêu thích. Ảnh: disney.co.jp

Đằng sau vẻ thiện chí bề ngoài, Disney thực ra là bà mẹ kế độc ác đối với các doanh nghiệp Lọ Lem tại các nước đang phát triển.

Mọi người đều yêu quý Disney. Năm ngoái đế chế Walt Disney là công ty giải trí số 1 trong bảng xếp hạng thường niên các công ty được yêu thích nhất trên thế giới của Tạp chí Fortune và thường xuyên giữ vị trí cao trong bảng đánh giá trách nhiệm doanh nghiệp.

Tại sao lại không chứ? Hình ảnh của Disney luôn gắn với sự thân thiện, kể từ khi Công viên giải trí EPCOT - với hệ thống khu giới thiệu truyền thống văn hóa của nhiều quốc gia - mở cửa đón khách. Trong chuyến đi "Thế giới nhỏ bé" tại Disneyland, hành khách trên thuyền sẽ đi qua một làng toàn cầu đặc trưng của thập niên 1960 trong khi loa phát thanh du dương: "Chúng ta chia sẻ cùng nhau nhiều điều/ đã đến lúc chúng ta nhận ra/ thế giới thật nhỏ bé."

Tuy nhiên, sự thực là dường như công ty Walt Disney cho rằng chúng ta đang chia sẻ quá nhiều. Trong nhiều năm qua, những người bạn của chuột Mickey luôn đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình giao thương toàn cầu theo cách thức hạn chế dòng chảy tự do của ý tưởng, dẫn đến những hệ quả kinh tế lớn. Đằng sau vẻ thiện chí bề ngoài, Disney đang đóng vai bà mẹ kế độc ác đối với các doanh nghiệp Lọ Lem tại các nước đang phát triển.

Công cụ chính giúp Disney tạo ảnh hưởng lớn trên thế giới là luật bản quyền Mỹ. Nhờ bộ luật này, những người khổng lồ trong ngành giải trí sẽ thâu tóm phần lớn quyền lực. Theo một nghiên cứu, trong năm 2009, công ty đã chi hơn 5 triệu đôla Mỹ để gây ảnh hưởng tới chính quyền liên bang - chủ yếu nhằm tác động lên các vấn đề về bản quyền và nhãn hiệu thương mại.

Disney cũng là một trong sáu thành viên của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ, một "ông lớn" chuyên dùng quyền lực để mở rộng việc bảo vệ tài sản trí tuệ đến phạm vi xa chưa từng có. Đó là lý do tại sao Đạo luật mở rộng thời hạn bản quyền Hoa Kỳ năm 1988 lên thành 20 năm lại trở nên nổi tiếng với cái tên Luật bảo vệ Chuột Mickey.

Nhờ nỗ lực vận động hành lang của Disney và các đồng minh, luật bảo vệ bản quyền của Mỹ ngày càng kéo dài thời hạn hiệu lực, từ luật bản quyền đầu tiên năm 1790 là 14 năm cho đến bây giờ là 120 năm - quá nhiều so với cuộc đời của một nghệ sĩ.

Không chỉ thế, hiện giờ vấn đề này còn được nâng lên tầm an ninh quốc gia: Tại một sân khấu Disney ở Hollywood, trợ lý bộ trưởng Bộ an ninh nội địa gần đây thông báo rằng bộ phải bảo vệ Shrek, chàng Chằn tinh tốt bụng trong series phim hoạt hình bom tấn, bởi "nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ quê hương. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người Mỹ."

Kéo dài thời hạn bảo vệ bản quyền có vẻ là một chính sách khôn ngoan, một cách để đền bù cho các nghệ sĩ, kỹ sư phát triển phần mềm và các tập đoàn cũng như khuyến khích mọi người sáng tạo. Tuy nhiên, hậu quả của việc này đối với thế giới lại rất nghiêm trọng.

Nếu những yêu sách về bản quyền và bằng sáng chế này có hiệu lực thì Ngân hàng thế giới ước tính các quốc gia đang phát triển sẽ nợ các công ty phương Tây số tiền tác quyền là 20 tỷ đôla một năm - một số tiền khổng lồ quá mức đến nỗi ngay cả tòa Vatican gần đây cũng phải bày tỏ lo ngại về "sự sốt sắng quá đáng" của những kẻ ức hiếp quyền trí tuệ ngày nay.

Tuy nhiên Disney không cần đến tận châu Phi để nhìn thấy hậu quả của những đạo luật bảo vệ vô lý này, mà có thể soi vào chính danh mục các tác phẩm đã phát hành của mình. Bộ phim bom tấn Alice ở xứ sở thần tiên năm 1951 của hãng này dựa trên cuốn tiểu thuyết của tác giả Lewis Carroll được xuất bản trước đó 86 năm và từ lâu đã trở thành tài sản công.

Nếu Đạo luật bảo vệ chuột Mickey có hiệu lực ngay từ hồi ây thì tác giả quá cố sẽ vẫn giữ bản quyền của cuốn sách và rất nhiều thế hệ trẻ em sẽ không có cơ hội nhìn thấy chú mèo Cheshire (một nhân vật trong bộ phim - ND). Như vậy Disney sẽ nghèo hơn bây giờ rất nhiều và không ít người khác cũng vậy.

Linh Giang dịch theo Foreign Policy