itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / ‘Chiến tranh tiền tệ’ làm nóng hội nghị thượng đỉnh G20

‘Chiến tranh tiền tệ’ làm nóng hội nghị thượng đỉnh G20

Tổng thống Mỹ Barrack Obama và Tổng thống Hà Quốc .Ảnh: SMH

Lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế G20 bước vào cuộc đối thoại kéo dài 2 ngày tại Hàn Quốc nội dung chủ yếu vẫn xoay quanh vấn đề căng thẳng tiền tệ Mỹ - Trung cũng như việc tái cân bằng thương mại toàn cầu.

Có mặt tại Seoul từ ngày 11/11, lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã lập tức ngồi vào bàn đàm phán ngay trong buổi tối cùng ngày nhằm tìm hướng giải quyết cho các vấn đề tiền tệ và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại đều được tiến hành theo hình thức họp kín với rất ít thông tin được tiết lộ ra ngoài.

Tuyên bố chính thức duy nhất được Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, với tư cách là nước chủ nhà, đưa ra sáng nay cho biết các bên đã đạt được những tiến triển lớn trên bàn đàm phán. Ông Lee không cung cấp cấp thêm bất kỳ một thông tin nào về những tiến triển này.

Trong khi đó, người phát ngôn chính thức của G20 cho biết lãnh đạo các nền kinh tế đã tiền gần tới một thỏa thuận nhằm giải quyết những căng thẳng trong quan hệ tiền tệ và thương mại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế được hãng tin BBC tham vấn, bản dự thảo cho thỏa thuận này vẫn chứa đựng không ít bất đồng mà các bên không dễ gì thông qua, đặc biệt là vấn đề tỷ giá và cán cân thương mại.

Điều này càng dễ thấy khi nhìn vào động thái của các bên trước khi lên đường sang Hàn Quốc. Trong khi Tổng thống Mỹ Barrack Obama lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các nền kinh tế tăng cường hợp tác để ổn định và phát triển kinh tế thì phía bên kia bờ Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn tỏ thái độ cứng rắn. “Nếu bạn mắc bệnh thì đừng yêu cầu người khác uống thuốc”, Yu Jianhua, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định.

Trước những bất đồng này, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng các bên liên qua sẽ còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn đạt được bất kỳ một tiến triển mang tính thực tế nào tại hội nghị lần này, đặc biệt trong vấn đề tái cân bằng thương mại quốc tế.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại lo ngại rằng, nếu nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” không được loại trừ tại hội nghị lần này, rào cản đổi với thương mại quốc tế sẽ càng cao và nguy cơ tái suy thoái không phải là không thể xảy ra.

Một chủ đề khác cũng được quan tâm trong phiên đối thoại tại Seoul là việc Tổng thống Mỹ Barrack Obama sẽ lý giải như thế nào về kế hoạch bơm ra 600 tỷ USD để kích thích kinh tế nội địa. Kế hoạch này đang vấp phải không ít phản đối từ cộng đồng quốc tế do cho rằng mục đích thực sự của kế hoạch này là nhằm hạ giá đồng đôla.

“Điều có ích nhất mà nước Mỹ có thể làm cho thế giới chính là tăng trưởng. Bởi Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là động lực tăng trưởng cho rất nhiều quốc gia khác”, Tổng thống Obama khẳng định trước khi lên đường sang Hàn Quốc.

Được hình thành từ năm 1999, G20 là diễn đàn thường niên của 19 nền kinh tế quốc gia hàng đầu thế giới và Liên minh châu Âu. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, G20 đã thay thế G8 (diễn đàn của các 8 quốc gia công phát triển và Nga) trở thành diễn đàn kinh tế quan trọng nhất trong năm với tiếng nói ngày một lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Tại hội nghị năm nay, Việt Nam cũng được tham dự diễn đàn theo diện khách mời với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Theo VnExpress