itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Campuchia và Trung Quốc cùng “phản pháo”

Campuchia và Trung Quốc cùng “phản pháo”

Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn giữ luận điệu lập cái gọi là “TP Tam Sa” là công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trong hai ngày 30 và 31-7, Campuchia và Trung Quốc (TQ) cùng lên tiếng “phản pháo” lại các nước tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với TQ. Thời điểm “phản pháo” đúng vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội TQ (ngày 1-8).

Campuchia: Phản ứng từ ba người

Ngày 30-7, Thông tấn xã Campuchia đăng liên tiếp ba bài viết dưới hình thức thư gửi tổng biên tập liên quan đến nước chủ tịch Campuchia trong hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) ở Campuchia.

Bài đầu tiên của Đại sứ Campuchia tại Philippines Hos Sereythonh nhằm đáp trả bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Erlinda Basilio đăng trên báo Philippine Star hôm 19-7 chỉ trích Campuchia làm hỏng hội nghị AMM.

Bài viết chỉ trích Thứ trưởng Erlinda Basilio đã “bịa đặt”, “thổi phồng và bóp méo sự thật”. Bài viết có những lời lẽ khiêu khích khi nói suốt từ ngày 9 đến 13-7, Philippines và Việt Nam đã “cướp diễn đàn” hội nghị AMM vì khăng khăng muốn đưa luận điểm liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển Đông giữa Philippines-TQ, Việt Nam-TQ vào tuyên bố chung.

Bài thứ hai do Đại sứ Campuchia tại Thái Lan You Ay viết gửi tổng biên tập báo Bangkok Post (Thái Lan) để phản bác bài Tình hình chia rẽ trong ASEAN mở rộng khi động thái kình địch Trung-Mỹ gia tăng đăng ngày 27-7 trên báo này.

Tác giả cho rằng bài viết nói Cung Hòa bình ở Campuchia do TQ tài trợ xây dựng và trang trí theo phong cách mỹ thuật TQ là sai vì Campuchia chi ngân sách xây và cung được trang trí theo mỹ thuật cổ Khmer.

Đại sứ You Ay cho rằng nói TQ viện trợ và đầu tư cho Campuchia hơn 10 tỉ USD là có ý “lăng mạ” vì TQ còn viện trợ và đầu tư ở nhiều nước ASEAN khác nhiều hơn Campuchia. Theo bà You Ay, bài viết đã sỉ nhục Campuchia khi cho rằng Campuchia đã cho TQ xem trước dự thảo tuyên bố chung.

Bài thứ ba do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong gửi tổng biên tập báo Cambodia Daily (Campuchia) phản đối bài viết về Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG - Bỉ).

Người phát ngôn Koy Kuong khẳng định ICG đã sai lầm khi nói Campuchia đặt quyền lợi riêng lên quyền lợi chung của ASEAN.

Trung Quốc: Thái độ hai mặt

Ngày 31-7, Bộ Quốc phòng TQ đã tổ chức họp báo nhân kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội. Tại cuộc họp báo, Bộ Quốc phòng khẳng định TQ phát triển quân sự nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia chứ không nhằm uy hiếp bất kỳ nước nào và không chạy đua vũ trang.

Trang web chinanews.com ghi nhận tại cuộc họp báo, vấn đề tranh chấp biển Đông vẫn là tiêu điểm của báo giới.

PV báo Sky News (Anh) đặt câu hỏi: “Liệu có phải Trung Quốc chuẩn bị phát động chiến tranh trên biển Đông?”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Huỳnh Nhạn Sinh vẫn cho rằng TQ có chủ quyền không thể tranh cãi tại các vùng biển và các quần đảo thuộc khu vực biển Đông và theo các quy định liên quan, quân đội TQ đã thiết lập cơ chế tuần tra sẵn sàng chiến đấu thường xuyên tại khu vực thuộc quyền quản lý của TQ.

● Báo chí nước ngoài nhận định TQ phát triển nhanh các loại vũ khí mới không có lợi cho tình hình ổn định khu vực. Dù vậy, Thượng tướng Lâm Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quân trang TQ, phủ nhận điều này.

Ông cho rằng TQ phát triển vũ khí căn cứ vào mục tiêu phòng vệ an toàn của TQ và TQ có kế hoạch tăng cường xây dựng trang thiết bị vũ khí, tiếp tục nghiên cứu và đổi mới một số vũ khí mới, tuy nhiên trình độ hiện đại vẫn kém xa một số nước, hầu hết trang thiết bị đều còn lạc hậu.

Một mặt ông nói TQ sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN về an ninh và quốc phòng để bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực, mặt khác ông vẫn cho rằng vấn đề tranh chấp biển Đông nên để các bên liên quan đàm phán song phương.

Tại Philippines, báo Philippine Star ngày 30-7 đăng lại toàn văn bài viết của Đại sứ Hos Sereythonh đăng trên Thông tấn xã Campuchia. Ngày 31-7, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Hos Sereythonh đến để đề nghị giải thích về bài viết này. Theo hãng tin GMA News (Philippines), ông Hos Sereythonh viện lý do sức khỏe không đến và cử phó đại sứ đến thay. Bộ Ngoại giao Philippines đã trao cho phó đại sứ Campuchia công hàm phản đối bài viết.

Reuters ngày 31-7 dẫn lời Thứ trưởng Năng lượng Philippines Jose Layug cho biết Philippines đã mời thầu thăm dò ở ba lô dầu khí ngoài khơi tỉnh Palawan, trong đó có hai lô thuộc vùng biển Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Philippines. Bốn công ty dầu khí dự thầu gồm ba công ty dầu khí trong nước và công ty dầu khí nước ngoài Pitkin Petroleum. Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc không dự thầu.

LÊ LINH

HỒNG ANH - LÊ LINH/ PL.TP.HCM