itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Tại sao một số nước bắt đầu rút đi biện pháp cứu kinh tế?

Tại sao một số nước bắt đầu rút đi biện pháp cứu kinh tế?

Đây là bước đi nguy hiểm. Cho đến nay không ai có thể biết chắc chắn liệu việc rút đi kế hoạch kích thích kinh tế sẽ ảnh hưởng thế nào đến đà phục hồi kinh tế.

Ngày 06/10, Ngân hàng Trung ương Úc lần đầu tiên nâng lãi suất cơ bản. Ngày 03/11, đợt nâng lãi suất lần hai đã được tiến hành. Nhiều khả năng lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục được nâng trong tháng 12/2009.

Trong tuần này, Ngân hàng Dự trữ Úc đã đưa ra tuyên bố việc thu hẹp bớt chính sách kích thích tiền tệ là cần thiết nếu kinh tế cải thiện đúng theo kế hoạch. Ngân hàng Dự trữ Úc dự đoán tăng trưởng GDP năm 2009 có thể đạt 1,75%, cao hơn gấp 3 lần so với dự đoán đưa ra vào tháng 8/2009.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của chính phủ nước này được coi như hành động khởi đầu cho việc rút đi các kế hoạch bơm thanh khoản mà chính phủ các nước đã dành cho hệ thống tài chính để ngăn kinh tế rơi vào đại khủng hoảng.

Đây là bước đi nguy hiểm. Cho đến nay không ai có thể biết chắc chắn liệu việc rút đi kế hoạch kích thích kinh tế sẽ ảnh hưởng thế nào đến đà phục hồi kinh tế và người ta cũng chưa rõ ràng về việc liệu các đợt cắt giảm lãi suất, kế hoạch chi tiêu lớn cứu kinh tế của nhiều chính phủ trên thế giới đang mang lại tăng trưởng kinh tế như thế nào.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế cứ thế hành động, không có nhiều tiền lệ hướng dẫn cho họ phải nên làm thế nào.

Nhà đầu tư, những người hiện vẫn đang tiết kiệm cho thời kỳ về hưu hiện cũng không hề chắc chắn. Khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ đã thay đổi tất cả những sự thật về đầu tư dài hạn. Cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, dầu, vàng, tiền tệ và nhiều loại hình đầu tư khác sẽ ra sao trong thời kỳ hậu khủng hoảng và hậu kích cầu?

Đối với Ngân hàng Trung ương Úc, lạm phát và bong bóng tài sản trong điều kiện môi trường nguồn tiền dễ dàng đang khiến người ta lo lắng về suy thoái kinh tế lần hai. Quyết định về lãi suất được đưa ra vào tháng 10 và tháng 11/2009 nhằm mục tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát trong khoảng từ 2% đến 3% trong năm 2010.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2009 của Úc tăng trưởng 1,3%, hiện nay người ta đang lo ngại việc kinh tế tăng trưởng nhanh và kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 38 tỷ USD của chính phủ với mục tiêu chi tiêu chính vào cơ sở hạ tầng sẽ có thể đẩy lạm phát lên trên 3%.

Một số Ngân hàng Trung ương khác cũng đưa ra tính toán tương tự dù họ không đưa ra biện pháp quyết liệt như vậy. Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ ngưng chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp vào tháng 12/2009 này.

Ngân hàng Trung ương Anh đang hạn chế bớt chương trình mua trái phiếu chính phủ và thương phiếu bằng tiền mới được in ra. Ngân hàng Trung ương châu Âu chuẩn bị hạn chế không cho các ngân hàng vay khoản vay thời hạn 12 tháng bắt đầu vào năm sau.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng: “Không phải tất cả các biện pháp hỗ trợ thanh khoản của chúng tôi cần phải có quy mô giống trong quá khứ.”

G20, nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn, cho đến nay đã vượt qua G8 để giành vị thế quyết định trong những vấn đề kinh tế quốc tế, nhóm nước này cho đến nay đã đồng thuận để áp dụng khung hợp tác điều phối kế hoạch rút đi chính sách kích thích kinh tế.

Những bước đầu tiên sẽ được thông báo vào cuối tháng 1/2010. Bộ trưởng Tài chính Mỹ tuyên bố: “Nếu chúng ta hãm phanh quá sớm, chúng ta sẽ làm yếu nền kinh tế và hệ thống tài chính, chi phí cứu kinh tế ra khỏi khủng hoảng sẽ lớn hơn.”

FED cũng đang bối rối. Sau một năm suy giảm, GDP quý 3/2009 tăng trưởng 3,5% thế nhưng tỷ lệ thất nghiệp lên 10,2%, mức cao nhất từ năm 1983. Nếu tăng lãi suất, tình hình trên thị trường việc làm sẽ còn trầm trọng hơn.

Cùng với lý do như vậy nên Mỹ cũng không thể ngừng kế hoạch chi tiêu dù thâm hụt ngân sách Mỹ đã lên mức kỷ lục 11,7 nghìn tỷ USD. Tuần trước, tập đoàn cho vay thế chấp Mỹ, Fannie Mae công bố thua lỗ 18,9 tỷ USD và cho biết cho biết cần thêm 15 tỷ USD tiền từ chính phủ để tồn tại.

Trên thực tế, Tổng thống Obama còn muốn chi tiêu nhiều hơn. Tuần trước, ông cho biết: “Đội ngũ kinh tế của tôi đang cân nhắc đến những ý tưởng như đầu tư vào các con đường cũ kỹ hay các cây cầu, hỗ trợ cho các gia đình và doanh nghiệp, giảm thuế để tạo việc làm, tăng dòng chảy tín dụng đến doanh nghiệp nhỏ, và giúp doanh nghiệp sản xuất có thể bán hàng trên khắp thế giới.”

Khả năng Mỹ tiếp tục tăng chi tiêu được đưa ra ở thời điểm các nước khác bắt đầu rút đi kế hoạch kích thích kinh tế, thắt chặt tiền tệ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu càng bất ổn hơn.

Một ảnh hưởng ban đầu chính là đồng USD, đồng USD cho đến nay đã trượt giá sâu so với các loại tiền tệ lớn khác. Nếu đồng USD tiếp tục hạ giá, nhà đầu tư sẽ rót vốn chủ yếu sang Úc và nhiều nơi khác bởi lãi suất cơ bản nơi đây cao hơn và tăng trưởng kinh tế tốt hơn Mỹ.

Hiện nay, đồng USD yếu đang hỗ trợ xuất khẩu của Mỹ. Thế nhưng đồng USD yếu đang khiến những chủ nợ của Mỹ “phát điên”, những đối tượng này cho đến nay vẫn tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ, nhờ thế nước này có tiền để cứu kinh tế, bù đắp thâm hụt ngân sách.

Tuần trước, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã bán cho Ấn Độ 200 tấn vàng, đây là đợt mua vàng lớn nhất của một Ngân hàng Trung ương trong 30 năm qua. Giá vàng vì thế vượt qua mốc 1.000USD/ounce và cho đến phiên hôm qua đã vượt mức 1.100USD/ounce, thị trường đồn đoán nhiều hơn về khả năng các Ngân hàng Trung ương sẽ tăng mua vàng khi USD ngày một hạ giá.

Không ai biết khi nào thế giới sẽ chấm dứt vòng chính sách mới hiện nay. Rõ ràng, hiện nay sự phối hợp giữa các Ngân hàng Trung ương và nhà hoạch định chính sách là cần thiết khi họ tính đến rút đi chính sách thoái lui và thắt chặt tiền tệ. Thật may mắn rằng hiện nay thế giới đã có những diễn đàn như G20 và tổ chức hoạt động quốc tế như IMF.

Cuối cùng, chính phủ các nước sẽ đưa ra quyết định dựa trên những gì họ tin là đúng, phù hợp với nền kinh tế. “Kẻ thắng” sẽ là những người có thể học được bài học từ khủng hoảng kinh tế hiện tại và đưa ra kế sách hành động đúng, ngoài ra họ cần phải có sự linh hoạt khi hoàn cảnh thay đổi. Nên cẩn trọng với những bất ổn và biến động sắp tới.

Theo Time
Ngọc Diệp