itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Đại gia chân đất sét

Đại gia chân đất sét

Lúa gạo là niềm hãnh diện của quốc gia trên diễn đàn thế giới. Năng suất cứ tăng, mùa vụ cứ tăng, hai vụ, ba vụ, rồi hai năm bảy vụ. Sản lượng cứ tăng, rồi xuất khẩu tăng, giá trị tăng. Thành tích như “trên trời rơi xuống”, bởi không được đầu tư đúng mức

Niềm hãnh diện quốc gia...

Năm 2007, ĐBSCL có khả năng dư ra 8,2 triệu tấn gạo cho xuất ra khỏi vùng (kể cả xuất khẩu). Năm 2007 mặc dù cả nước chỉ được lệnh xuất khẩu (?) hơn 4,5 triệu tấn gạo, nhưng do giá gạo trên thế giới tăng, cũng như do chất lượng gạo Việt Nam được nâng lên, mặt hàng gạo đã đường hoàng đứng vào hàng ngũ 10 “đại gia” 1 tỉ đô la. Lúa gạo không chỉ là mặt hàng chiến lược của Việt Nam trong an toàn lương thực quốc gia, có thừa để xuất khẩu tạo ngoại tệ, mà hiện nay lúa gạo Việt Nam đang và sẽ là mặt hàng chiến lược của thế giới chống nạn đói do nhân mãn và thiên tai. Việt Nam đã và sẽ là “điểm đến” của các cuộc gọi thầu cung cấp gạo của các nước trên thế giới.

Năm 2007, nếu xuất khẩu 5 triệu tấn thì cũng chỉ chiếm 60,7% gạo xuất vùng của ĐBSCL, số còn lại hơn 3,2 triệu tấn cũng đủ sức nuôi dân miền Trung bị nạn lụt, Hà Giang bị thiếu ăn.

Lúa gạo là niềm hãnh diện của quốc gia trên diễn đàn thế giới. Năng suất cứ tăng, mùa vụ cứ tăng, hai vụ, ba vụ, rồi hai năm bảy vụ. Sản lượng cứ tăng, rồi xuất khẩu tăng, giá trị tăng. Tất cả trở nên quen thuộc đến mức tưởng chừng như là đương nhiên.

... chưa được chăm chút

Về canh tác, bản quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 của bất cứ tỉnh thành nào, huyện nào của ĐBSCL đều lộ rõ khuynh hướng giảm nhanh diện tích lúa, thậm chí có huyện còn xoá bỏ cây lúa trên đồng ruộng trước năm 2010.

Trong khoảng năm năm gần đây, các sáng kiến hay cải tiến kỹ thuật liên quan đến canh tác lúa ngày càng hiếm. Công tác lai tạo giống lúa mới (sinh học hoá) gần như chựng lại mà chủ yếu nhập giống của Thái Lan, Nhật Bản về thích nghi với điều kiện địa phương là chính. Máy móc nông nghiệp (cơ giới hoá) tuy có hiện tượng bùng phát, nhiều sáng kiến cơ giới hoá trong khâu gặt, đập, tuốt, sấy, mang nhãn hiệu của các trường nông nghiệp và nông dân, chẳng qua là do công nghiệp phát triển thu hút gần hết lao động trẻ, đồng ruộng khó tìm công gặt đập, mà giá công thì “trên trời”. Do vậy cơ giới hoá là bức thiết, nhưng cũng chưa được nghiên cứu chế tạo rốt ráo, hạ giá thành, mở rộng phạm vi ứng dụng.

Về hoá học hoá, có nhiều nhà khoa học và doanh nhân nước ngoài, kể cả Việt kiều, nói nông dân ĐBSCL đang sử dụng các loại thuốc trừ sâu mà các nước tiên tiến đã cấm dùng chừng 15 – 20 năm rồi (có lẽ do thiếu gạo nên quốc tế còn nhẹ tay với dư lượng hoá chất trong gạo). Trong vụ dịch rầy nâu và vàng lùn xoắn lá năm 2006, nông dân vội vã quây quần nhau mày mò tìm thuốc cho cây lúa, các nhà khoa học địa phương thủng thẳng nhào vô nghiên cứu, các nhà khoa học và quản lý cấp cao theo sau tổng kết, đúng sách: “anh hãy đưa đồng hồ của anh cho tôi xem, tôi sẽ nói cho anh biết bây giờ là mấy giờ”.

Về thuỷ lợi, trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2 010 của bộ Kế hoạch và đầu tư cũng không có hạng mục đầu tư nào cho các công trình thuỷ lợi lớn của ĐBSCL. Kênh lớn, kênh nhỏ lần hồi bị bồi lắng, dân tự lo nạo vét thì cũng chỉ nạo được kênh cấp ba. Việc bửa đập nuôi tôm gây thiệt hại cho người trồng lúa xảy ra liên tục ở vùng có nguồn nước mặn, riết rồi cũng trở nên bình thường, chẳng ai ngó ngàng gì đến, nhưng thuỷ lợi phí thì ngân sách cứ thu. Nếu cây lúa của thập niên 1980 được các nhà quản lý và các nhà khoa học chăm sóc chu đáo với bốn cái “hoá” nêu trên thì ngày nay được khoán trắng cho nhà nông tự bươn chải. Có được chăng là ông “nhà băng” tiếp tục hỗ trợ tín dụng làm mùa, mua máy móc. Xin cho ngân hàng một điểm son.

Về chế biến, hằng năm ĐBSCL có 12 – 13 triệu tấn gạo nhưng công nghiệp xay xát thì chưa thấy có gì đổi mới, công suất nhà máy từ nhỏ đến trung bình là chủ yếu, bình quân chưa đến 50 tấn lúa/ca. Trọng tâm nghiên cứu đổi mới công nghệ và máy móc cho công nghiệp ít quan tâm đến lĩnh vực chế biến lúa gạo. Một nhà máy chà muốn ra đời phải qua 7 – 8 giấy phép con, từ ông thuế đến ông môi trường, ông công an, ông phòng cháy chữa cháy... nhiều nơi còn phải có ý kiến ông giao thông vận tải. Khu nhà máy đánh bóng gạo tập trung lớn nhất tại Bà Đắc - Cái Bè thường xuyên bị hăm he di dời hay phạt vạ do vi phạm lộ giới đường bộ và đường sông; nhưng giá thử không có nó thì lấy gạo đâu mà xuất cho đủ.

Điện khí hoá của vùng cho công nghiệp thuộc vào hàng thấp nhất nước nên các nhà máy phải sử dụng dầu chạy máy kéo, giá thành cao. Cả vùng chưa có một khu công nghiệp chuyên ngành từ xay xát đến đánh bóng gạo, lựa tấm, ép dầu cám, sản xuất điện từ trấu, ép phân tro… Tài nguyên lúa chưa được khai thác toàn diện và đồng bộ khiến giá trị gia tăng thấp. Giá trị thấp khiến người ta muốn xoá bớt hoặc xoá hẳn lúa là phải(!?)

Về tồn trữ, hiện cả ĐBSCL trên gần 20 triệu tấn lúa chỉ có 60.000 tấn silo (!) tại Sóc Trăng và Đồng Tháp. Hầu hết lúa gạo nằm trong nhà dân (bồ lúa, bao lúa) và trong nhà máy xay xát. Tổng công ty lương thực tiếp tục sử dụng các nhà kho thời kỳ thu mua bao cấp để tồn trữ. Đa số nhà kho đều trang bị kém, hư bể và chuột bọ làm hao tổn lúa, dẫn đến giảm chất lượng gạo.

Theo Sơn Văn (SGTT)