itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Làng nghề thời hội nhập

Làng nghề thời hội nhập

Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20km về phía Tây là làng Sơn Đồng, thuộc huyện Hoài Đức, Hà Tây. Đây là làng nghề điêu khắc gỗ truyền thống, chuyên chế tác tượng Phật và đồ thờ tự nổi tiếng ở các tỉnh phía Bắc. Những nghệ nhân của làng Sơn Đồng đã luôn tận tâm, tận lực thổi hồn vào từng sản phẩm; hàng của họ đã được gửi đi xa để giới thiệu với bạn bè quốc tế về những nét văn hóa truyền thống Việt Nam…

Đi lên từ truyền thống…
Làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây là một làng cổ khoảng 2.000 năm, có dân định cư từ thời Bắc thuộc. Con cháu trong làng bây giờ ít người hiểu rõ xuất xứ của nghề điêu khắc gỗ, chỉ biết rằng sản phẩm làng mình được xác định có hàng trăm năm tuổi, nơi nổi tiếng với nghề chuyên sơn, tạc, tạo ra những bức tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay, tượng Ông Thiện, Ông Ác, tượng La Hán… cùng với những đồ thờ tự như kiệu bát công, hoành phi, câu đối, bàn thờ, ô xa sơn son thiếp vàng, thiếp bạc. Dấu ấn của bàn tay những nghệ nhân tài hoa, khéo léo của làng được ghi khắc khắp nơi trên cả nước như thành cổ Sơn Tây (Hà Tây), chùa Đò (Hải Phòng), Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), cố đô Huế…

Về thăm làng hôm nay, tiếng đục đẽo trên gỗ chí chát nghe rất vui tai. Người dân ở làng kể: Những năm tháng chiến tranh, nghề điêu khắc gỗ ở đây bị mai một cũng giống những làng nghề khác ở Bắc bộ, những nghệ nhân và thợ lành nghề ở giai đoạn này trưởng thành được chỉ nhờ vào nghề “cha truyền con nối”, hay thầy trò truyền cho nhau.
Tuy nhiên, để trở thành thợ lành nghề thì phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, năm 1984, các bậc nghệ nhân cao niên trong làng như cụ Nguyễn Viết Thạc, cụ Nguyễn Chí Dậu (năm nay đều gần 90 tuổi) đã quyết định mở lớp đào tạo đại trà, trực tiếp cho gần 30 học viên trong làng.
Sau 23 năm nhìn lại, đa số học viên này đã trở thành những nghệ nhân chủ chốt, những “đại gia” trong sản xuất, kinh doanh của làng ở độ tuổi 40, đó là các anh Nguyễn Viết Thạch, Nguyễn Chí Quảng, Nguyễn Viết Thắng, Trần Đình Cường, Nguyễn Viết Hồng...
Xin kể về vài người trong số họ. Anh Nguyễn Viết Thạch vừa tài hoa trong nghề lại năng động trong kinh doanh, năm 2005 đã được cấp bằng “Tinh hoa Việt Nam” với những sản phẩm điêu khắc tạc tượng sơn son, thiếp vàng, thiếp bạc trưng bày tại Hội chợ Di sản Văn hóa Việt Nam. Hàng của anh còn được đưa đi giới thiệu ở Hoa Kỳ, Thái Lan, châu Âu, tham gia hội chợ khối ASEAN. Hiện anh Thạch có 3 xưởng sản xuất, với trên 40 thợ lành nghề, doanh thu lên hàng tỷ đồng/năm.
Còn anh Nguyễn Chí Quảng không chỉ có 3 cơ sở sản xuất mà còn tổ chức pha chế, tạo ra sản phẩm sơn ta có chất lượng cao, giá thành hạ, cung cấp cho nhiều xưởng khác. Anh Nguyễn Viết Thắng là cháu của nghệ nhân Nguyễn Viết Thạc, hiện nay cũng mở 3 xưởng sản xuất tại làng với gần 30 thợ có tay nghề cao. Anh cho biết, ngoài việc sản xuất các mặt hàng truyền thống, từ năm 1996 đến nay, thợ của anh đang tham gia phục chế tại cố đô Huế.
Cũng ở lứa tuổi trên 40, làng còn có nghệ nhân Nguyễn Văn Hồng, được phong là người đục tượng giỏi nhất. Tượng của anh có hồn riêng, có chuẩn mực cao, giá cả thường đắt gấp 2-3 lần so với mặt bằng chung và phải đặt hàng trước. Nhiều khách hàng đặt mang đi các nước châu Âu và châu Mỹ.
Trăn trở với tương lai…
Ông Nguyễn Chí Mậu, Chủ tịch UBND xã cho biết, làng Sơn Đồng hiện có gần 7.800 nhân khẩu, hơn 1.700 hộ, trong đó có hơn 300 hộ chuyên làm nghề mộc với hơn 4.000 nghệ nhân, thợ lành nghề. Năm 2006, giá trị tổng sản phẩm toàn xã đạt 50 tỷ đồng, 80% từ sản xuất, kinh doanh nghề mộc sơn tượng, đồ thờ tự, còn lại chỉ 20% từ nông nghiệp. Tượng của làng hiện cung cấp cho các chùa chiền, đình, đền ở các tỉnh. Thu nhập thợ lành nghề khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng, thợ mới học việc 800 ngàn- 1 triệu đồng/tháng, chưa hẳn cao nhưng so với nghề nông thì đời sống khá hơn nhiều.

Những người trong làng tâm niệm: Trong quá trình hội nhập hiện nay, để sản phẩm vươn ra xa, xuất khẩu ra nước ngoài thì chỉ sản phẩm tinh xảo và trau chuốt thì chưa đủ, mà phải làm tiếp thị tốt và quảng bá sản phẩm; khi cần thiết lại phải huy động được nhiều nghệ nhân để dồn làm những hợp đồng, dự án lớn.
Những bậc cao niên trong nghề nay tuổi đã cao, sức đã yếu; lớp nghệ nhân trên 40 tuổi đang “gồng” mình cho nhiều dự án phục chế đình, chùa lớn ở các tỉnh xa. Vì vậy, công tác đào tạo nghề đang có nhu cầu lớn. Những năm 1998-2002, làng Sơn Đồng đã mở hai lớp, mỗi lớp 50 học viên, học liền 18 tháng; nhờ vậy, nhiều người đã trưởng thành trong nghề.
Khó khăn ở chỗ, việc đào tạo khá tốn kém, mỗi học viên tốn khoảng 10 triệu đồng, nên chỉ hai lớp trên thì chi phí đào tạo tốn hơn 1 tỷ đồng. Anh Nguyễn Bỉnh Hiệp, 28 tuổi, chủ doanh nghiệp Lộc Phát, người đã được ĐSQ Việt Nam tại Hoa Kỳ đặt làm toàn bộ đồ thờ tự như ô xa, hoành phi, câu đối để giới thiệu với các bạn Hoa Kỳ nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ tháng 6-2007, chia sẻ: “Việc đào tạo thợ lành nghề phải thường xuyên, liên tục mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường, quan trọng là tận dụng được những kinh nghiệm quý báu của các bậc cao niên trong làng”. Được biết, anh Hiệp với lợi thế là kỹ sư tin học, giỏi tiếng Anh, anh đang “âm thầm” chuẩn bị đề án xin hỗ trợ kinh phí từ nguồn nước ngoài để đào tạo nghề cho thanh niên.
Theo nghệ nhân Nguyễn Viết Thắng, một khó khăn khác của làng là nguyên liệu. Tượng thuần bắt buộc phải được chế tác từ gỗ mít; gỗ mít có đặc điểm dai, mềm, dẻo, đẹp, độ bền hàng trăm năm. Nguồn nguyên liệu này phải khai thác từ những khu rừng có độ tuổi ít nhất trên 150 năm, ở tận dãy Trường Sơn, nhưng sau khi mở xong đường Hồ Chí Minh qua dãy núi này, nguồn gỗ mít đang khan hiếm dần.
Ông Nguyễn Chí Mậu, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Phương hướng đến năm 2010, Sơn Đồng sẽ mở thêm mạng lưới dịch vụ để vừa gọi nguyên liệu về làng, vừa tiêu thụ sản phẩm. Sơn Đồng sẽ trở thành làng vừa sản xuất, vừa kinh doanh; cơ cấu tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ sẽ chiếm 90%, nông nghiệp chỉ 10%; tổng doanh thu phấn đấu tăng lên hàng trăm tỷ đồng/năm”.
Hiệp hội làng nghề đã được thành lập năm 2.000. Sắp tới, hiệp hội sẽ phối hợp với UBND xã để nâng cao năng lực trong đào tạo nghề cũng như bao tiêu sản phẩm cho làng. Người dân trong làng cảm nhận, giờ đã vào “sân chơi” chung WTO, rất cần sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, hiệp hội làng nghề, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh… mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường thời hội nhập.

MINH NGỌC