itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2008 tiếp tục tăng

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2008 tiếp tục tăng

Mặc dù đầu tư kém hiệu quả, chưa có chiều sâu, quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp chỉ hoàn thành 28% kế hoạch, nhưng theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, VN vẫn là một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất với các tập đoàn xuyên quốc gia trong giai đoạn 2007-2009.

Theo "Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2008" do Phòng thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) công bố sáng 1/7, môi trường kinh doanh của VN năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 đã có nhiều thay đổi tích cực so với thời điểm trước đó một năm. Cụ thể qua số liệu thống kê của Tổng cục thống kê cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2008, ước các doanh nghiệp ĐTNN đã góp vốn đầu tư thực hiện ước đạt từ 4,9 đến 5 tỷ USD, tăng 37,6% so với vốn thực hiện của cùng kỳ năm trước.

Doanh thu của các doanh nghiệp ĐTNN trong 6 tháng đầu năm 2008 ước đạt 20,4 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 11,32 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước, nộp ngân sách ước đạt 951 triệu USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ.

Khối doanh nghiệp ĐTNN thu hút thêm khoảng 15.000 lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực có vốn ĐTNN tính đến thời điểm này là 1,36 triệu lao động, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

TT Chỉ tiêu Đơn vị tính Tháng 6 năm 2008 6 tháng đầu năm 2007 6 tháng đầu năm 2008 So cùng kỳ
I Tình hình thực hiện          
1 Vốn đầu tư thực hiện Triệu USD 950 3,560 4,900 37.6%
2 Doanh thu Triệu USD 4,950 14,330 20,400 42.4%
3 Xuất khẩu Triệu USD 2,380 8,842 11,320 28.0%
4 Nhập khẩu Triệu USD 2,420 9,740 13,900 42.7%
5 Nộp ngân sách Triệu USD 110 700 951 35.9%
6 Số lao động cuối kỳ báo cáo Nghìn người 15 1,185 1,368 15.4%

(Nguồn: Tổng Cục Thống Kê)

Về lĩnh vực đầu tư: Vốn đăng ký mới vấn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (17,15 tỷ USD) chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ (13,6 tỷ USD) chiếm 44% tổng vốn đầu tư. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp (0,5%).

So với kết quả thu hút của 5 tháng đầu 2008 sở dĩ dòng vốn FDI cam kết đã chuyển từ lĩnh vực dịch vụ sang lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là do sự xuất hiện của 2 dự án nhà máy gang thép Formosa gần 8 tỷ USD và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn 6,2 tỷ USD.

Cấp mới 6 tháng 2008 phân theo ngành
(Tính tới ngày 20/6/2008)
STT Chuyên ngành Số dự án TVĐT Vốn điều lệ
I Công nghiệp 298 17,152,818,349 4,499,053,047
CN dầu khô 4 6,789,500,000 789,500,000
CN nặng 113 8,620,983,700 3,057,465,700
CN nhẹ 127 1,313,779,649 440,636,464
CN thực phẩm 21 240,408,000 134,831,936
Xây dựng 33 188,147,000 76,618,947
II Nông-Lâm-Ngư ­ nghiệp 25 167,281,670 101,157,180
Nông-Lâm nghiệp 24 167,081,670 100,957,180
Thủy sản 1 200,000 200,000
III Dịch vụ 155 13,626,806,865 4,109,918,928
Dịch vụ 102 265,220,903 112,545,403
GTVT-B­ưu điện 5 36,075,500 8,863,125
Khách sạn - Du lịch 18 3,915,333,875 954,155,000
Văn hóa –Y tế - Giáo dục 7 1,975,000 1,975,000
XD hạ tầng KCX-KCN 5 163,580,000 39,667,000
XD Khu đô thị mới 2 1,268,750,000 1,268,750,000
XD Văn phòng-Căn hộ 16 7,975,871,587 1,723,963,400
Tổng s 478 30,946,906,884 8,710,129,155

(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Về đối tác đầu tư: Trong 6 tháng đầu năm 2008 Đài loan là đối tác đứng đầu trong số 31 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (64 dự án, vốn đầu tư 8.171 triệu USD), chiếm 26,4% tổng vốn đăng ký.

Tiếp theo thứ tự là Nhật Bản (47 dự án, vốn đầu tư 5 tỷ USD), chiếm 16% (trong đó bao gồm phần vốn góp của nhà đầu tư Nhật Bản trong dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 39,8% của tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ USD là 2,4 tỷ USD).

Canada chiếm 13,7% (3 dự án, vốn đầu tư 4.233 triệu USD); Singapore (33 dự án, vốn đầu tư 3.563 triệu USD), chiếm 11,5%; B.V.Islands (33 dự án, vốn đầu tư 3.563 triệu USD), chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hoa Kỳ đứng thứ 7 (26 dự án, tổng vốn đăng ký 1,353 tỷ USD) chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Kết quả thu hút vốn ĐTNN trong 6 tháng đầu năm 2008 đạt mức 31,6 tỷ USD, vượt 48,3% so với kết quả năm 2007 (21,3 tỷ USD) thể hiện sự tin tưởng của các nhà ĐTNN đối với môi trường đầu tư nước ta hiện nay, trong khi đó nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với những kho khăn, thách thức như lạm phát tăng cao, giá cả biến động, giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến như phôi thép, sắt các loại, cát, đá, gỗ tăng từ 30-40% so với mấy tháng đầu năm.v.v. ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động ĐTNN. Mặt khác, đây là kết quả tổng hoà của các Bộ, ngành và địa phương làm việc với các nhà đầu tư từ khi có ý đồ đầu tư đến khi hoàn thành dự án.

Theo “Các cơ hội mới cho các nhà bán lẻ” - Báo cáo thường niên năm 2008 của AT Kearney, một Công ty chuyên về tư vấn quản lý của Hoa Kỳ – báo cáo nghiên cứu về mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ tại 30 nền kinh tế mới nổi, Việt Nam đã thăng hạng 3 bậc so với năm 2007 và vượt qua Ấn Độ, Nga, Trung Quốc (ba nước này đều tụt 1 hạng) trở thành địa điểm hấp dẫn nhất cho đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ tổ chức tại Hà Nội ngày 2/6/2008, đại diện các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản đều phát biểu mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhưng các nhà đầu tư đều nhìn nhận Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Trương Định