itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Châu Phi trở thành tâm điểm của phiên khai mạc hội nghị G8

Châu Phi trở thành tâm điểm của phiên khai mạc hội nghị G8

Ảnh Rueters

Các nhà lãnh đạo Nhóm G8 và châu Phi đã dùng cơm trưa tại một khách sạn sang trọng hôm thứ Hai, 7-7 khi các nhà hoạt động cáo buộc các quốc gia giàu có rút lại những cam kết tăng viện trợ gấp đôi cho lục địa nghèo nhất thế giới này.

Sự nghèo đói ở châu Phi, vốn trở thành tâm điểm của nghị trình khai mạc hội nghị thượng đỉnh ba ngày, có mối liên hệ chặt chẽ với sự gia tăng giá thực phẩm và xăng dầu cùng với sự ấm lên toàn cầu mà nhóm G8 sẽ thảo luận sau ngày khai mạc.

Nhóm G8 đã mời 7 nhà lãnh đạo châu Phi đến tham dự nghị hội này, diễn ra ở đảo Hokkaido, miền bắc Nhật Bản.

“Điều quan trọng là hãy xem xét nghị hội này vốn được nhiều người cho là quan trọng nhất trong một thập kỷ qua. Rõ ràng thế giới đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng, kể cả nước giàu cũng như nước nghèo.

Nhưng chính những người nghèo phải chịu nhiều thiệt thòi nhất do giá thực phẩm gia tăng mạnh”, Max Lawson, cố vấn chính sách của tổ chức nông lương Oxfam, nói với các phóng viên.

Tại hội nghị thượng đỉnh 2005 ở Gleneagles, Scotland, nhóm G8 đã đồng ý tăng viện trợ gấp đôi cho châu Phi đến năm 2010 như một phần giảm bớt sự nghèo đói toàn cầu.

Nhưng một phúc trình của Ủy ban Phát triển Phi châu, được thành lập để giám sát việc thực thi các cam kết ở Gleneagles, cho biết theo các kế hoạch chi tiêu hiện nay thì nhóm G8 sẽ cắt giảm 40 tỷ Mỹ kim.

“Có những chương trình đang tiến triển tốt. Chúng tôi cũng biết rằng khi các nỗ lực được thực hiên thì sẽ đạt được nhiều kết quả lớn lao. Nhưng vấn đề là việc hỗ trợ tài chính cho những kế hoạch này đang bị rút lại”, Oliver Buston, phát ngôn viên của nhóm ONE, tuyên bố.

“Xem ra G8 đã chế tạo một chiếc xe hơi nhưng họ lại không chịu đổ xăng cho nó chạy. Đã đến lúc cần phải thay đổi điều đó.”

Các nước thuộc nhóm G8 gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức, Canada, Ý, Nga. Tham dự hôm nay còn có các nhà lãnh đạo đến từ các nước châu Phi gồm Algeria, Ethiopia, Ghana, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tanzania.

Năm nay đánh dấu nửa chặng đường tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015, do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thiết lập vào tháng 9-2000 nhằm giảm bớt sự nghèo đói trên thế giới.

Phát ngôn viên báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản thừa nhận hôm Chủ nhật rằng châu Phi đã bị thụt lùi xa về mục tiêu sức khỏe, nhưng cho biết thêm: “G8 chắc chắn sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ và cụ thể để giúp các nước châu Phi đạt được các mục tiêu MDGs”.

Do giá gạo tăng lên gấp đôi kể từ tháng 1-2006, châu Phi cần nhiều sự giúp đỡ hơn, chứ không phải ít hơn, các nhà hoạt động nhận xét.

Một nghiên cứu ban đầu của Ngân hàng Thế giới công bố hồi tuần trước đánh giá rằng trên 105 triệu người có thể sống dưới mức nghèo đói do giá thực phẩm tăng cao, trong số này có 30 triệu người ở châu Phi.

Tại Liberia, giá thực phẩm cơ bản dùng trong gia đình đã tăng lên 25% chỉ trong tháng Giêng, nâng tỷ lệ nghèo đói lên hơn 70% so với 64% trước đây, nghiên cứu này phát hiện.

Biểu tình phản đối

Nhiều nhà hoạt động và thậm chí các nước thành viên chất vấn liệu khối G8, được thành lập vào năm 1975 với sáu thành viên theo sau các cuộc khủng hoảng dầu hỏa, có đủ quyền và đủ số lượng thành viên để giải quyết các vấn đề phức tạp toàn cầu.

Những cuộc phản đối hội nghị G8 đã trở thành một sự kiện thường niên, và hôm thứ Hai hàng trăm người biểu tình của nước chủ nhà và các quốc gia khác đã diễu hành trong trời mưa lớn hướng về trụ sở hội nghị, mang theo các biểu ngữ phản đối.

Nhật Bản đã chi một ngân sách đáng kể và huy động 20.000 cảnh sát để canh gác an ninh tại thị trấn Toyako trước ba ngày hội nghị.

“Giá dầu vẫn không ngừng gia tăng và G8 chưa hành động đủ. Họ không có được một giải pháp”, Renato Reyes, một người Philippines tham gia biểu tình, phát biểu.

Các nghị trình tiếp theo

Sau ngày khai mạc, hôm nay ngày 8-7, các phiên thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và chính trị. Vào ngày thứ Tư 9-7, chủ đề ấm lên toàn cầu, vốn đang còn gây tranh cãi, sẽ được tập trung bàn luận trong một phiên họp mở rộng có sự tham dự của Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế phát triển nhanh chóng đang càng ngày càng thải ra nhiều khí thải nhà kính.

Triển vọng tương lai đã bị phủ bóng đen kể từ sau hội nghị thượng đỉnh G8 ở Đức năm ngoái, thời điểm các đại biểu tuyên bố nền kinh tế toàn cầu đang "trong điều kiện tốt" và giá dầu ở mức được cho là cao: 70 USD/thùng.

Từ khi ấy đến nay, thế giới đã phải chứng kiến cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp ở Mỹ bùng nổ, các thị trường biến động và các công ty tài chính chao đảo. Giá dầu tăng gấp đôi, vượt ngưỡng 140 USD/thùng trong khi giá lương thực, thực phẩm tăng vọt, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống dân chúng, đặc biệt là người nghèo, và làm tăng nguy cơ bất ổn chính trị.

Robert Hormats, Phó Chủ tịch Tập đoàn Goldman Sachs (International) Corp. ở New York, cho rằng tình hình đã thay đổi theo chiều hướng xấu. Theo ông, các vấn đề kinh tế hiện nay nghiêm trọng hơn và lan rộng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - khi ấy "sự đau đớn" chỉ giới hạn ở các nền kinh tế mới nổi.

"Giờ chúng ta đang chứng kiến sự hỗn loạn tài chính mà tâm điểm là Mỹ", ông nói. Lạm phát lương thực và dầu mỏ "là các vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng tới đại bộ phận dân chúng".

Vấn đề ấm nóng toàn cầu được Nhật Bản - nước chủ trì hội nghị G8 năm nay - đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, việc phản ứng thế nào trước tình trạng lạm phát leo thang và sự phát triển kinh tế toàn cầu chậm lại có thể cũng là một tâm điểm.

Về dầu lửa, giới phân tích không mấy tin tưởng các lãnh đạo G8 - gồm đại diện của Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Nga, Italy và Canada - sẽ làm được điều gì đó nhiều hơn việc kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ tăng cường sản lượng, lặp lại thông điệp mà bộ trưởng tài chính các nước này đưa ra trong cuộc họp ở Osaka tháng trước.

Trong khi đó, giá ngô, lúa mì, gạo, đỗ tương và các sản phẩm nông nghiệp khác cũng tăng cao, xuất phát từ chế độ ăn uống thay đổi, sự đô thị hóa, phát triển dân số, thời tiết khắc nghiệt, gia tăng sản xuất nhiên liệu sinh học và tình trạng đầu cơ.

Cuộc khủng hoảng tín dụng và những hỗn loạn trên thị trường toàn cầu chắc chắn sẽ được thảo luận, nhưng với sự vắng mặt của các giám đốc ngân hàng trung ương, nhiều khả năng G8 sẽ tránh đề cập cụ thể về lãi suất và tiền tệ.

Ngoài các vấn đề kinh tế, chương trình nghị sự G8 cũng sẽ bao gồm chủ đề chống khủng bố.

Thao Nguyễn (Theo Reuters, Vietnamnet và BBC Việt ngữ)