itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Người giàu xuống đường

Người giàu xuống đường

Dân trung lưu thường né tránh

các chủ đề chính trị.

Tại Trung Quốc, gần như chưa có cuộc biểu tình nào được tổ chức kỹ càng, và người biểu tình ăn vận bảnh bao, như lần này.

Người dân quận Bình Dương ở phía Nam thành phố Thượng Hải nói sức khỏe của họ bị ảnh hưởng và nhà của họ bị mất giá nếu như kế hoạch xây dựng đường xe điện từ cao tốc được thực hiện.

Những người biểu tình là dân trung lưu, nhiều người mua nhà trong thành phố sau khi được hưởng lợi từ quyền tự do kinh tế mới ở Trung Quốc.

Chính phủ đang cân nhắc nối dài đường xe điện cao tốc nội thị thêm 30 km. Tàu điện này chạy trên đệm từ, có tốc độ cao nhất thế giới là 430km/h.

Thế nhưng người dân sống dọc đường tàu chạy, kể cả những người ở Bình Dương, nói từ trường có hại cho sức khỏe và nay họ không thể bán được nhà.

Một phụ nữ không muốn nêu tên nói: "Các công ty địa ốc bây giờ chẳng thèm tới xem nữa, nếu kế hoạch này mà được thực hiện thì chúng tôi mất cả chì lẫn chài".

"Chúng tôi phải phản đối thôi, vì sức khỏe và môi trường sống là quan trọng hơn cả."

Dự án gây tranh cãi

Dự án tàu điện từ vốn gây tranh cãi.

Tuyến đường chính trị giá 1.4 tỷ đôla chạy từ sân bay quốc tế Thượng Hải tới ngoại ô thành phố.

Dự án tàu chạy đệm từ trường gây nhiều tranh cãi.

Cho dù tốc độ tàu chạy vô cùng lớn, nó không đồng bộ lắm so với các loại phương tiện khác và do vậy, dùng taxi đi lại nhanh hơn dùng tàu từ trường.

Những người chỉ trích nói dự án này thật tốn tiền toi và chính phủ tốt hơn nên chuyển ngân quỹ sang để nâng cấp hệ thống xe buýt cũ kỹ trong thành phố.

Trung Quốc là quốc gia không nương tay với bất đồng chính kiến. Thế nhưng suốt một tuần, dân quận Bình Dương và các nơi lân cận đi biểu tình, hô hào và vẫy biểu ngữ.

Dịp cuối tuần, hàng trăm người đổ tới phản đối trước thềm tòa Thị chính Thượng Hải.

Đoàn biểu tình nói hoạt động của họ không mang tính chính trị và chỉ gọi các cuộc biểu tình của mình là 'tuần hành'.

Thường thì chỉ có người nghèo ở Trung Quốc là đi biểu tình. Tầng lớp trung lưu mới giàu hầu như không bao giờ xuống đường. Dường như có một thỏa thuận ngầm: muốn làm giàu thì đừng làm chính trị.

Gây chú ý

Báo chí trong nước không nói gì tới các cuộc biểu tình, thế nhưng những người tuần hành đã tổ chức một cách đầy hiệu quả nhằm thu hút tối đa sự chú ý.

Chúng tôi mới chỉ tới khu vực thì đã thấy hàng trăm người tụ tập tại đó sau khi nhận email và nhắn tin thông báo có hoạt động này.

Và cho dù mục đích biểu tình rất đơn giản, hành động này rõ ràng là chống đối.

Hôm thứ Bảy, hàng chục người biểu tình đã bị cảnh sát bắt. Ngày kế sau đó, một số người bị kéo đẩy khỏi đường khi họ vào một khu mua sắm đông đúc.

Email và SMS được dùng để tổ chức biểu tình

Người biểu tình nói các quan chức địa phương và cảnh sát đã cố hăm dọa họ bằng cách lắp đặt máy thu hình để theo dõi hoạt động trong khu phố.

Các cuộc biểu tình lần này là thuộc loại lớn nhất tại Thượng Hải kể từ đợt phản đối Nhật Bản hồi năm 2005.

Lúc đó hàng ngàn người, trong có nhiều sinh viên, đã biểu tình chống việc Nhật không chịu xin lỗi về những gì xảy ra trong Thế chiến II.

Tuy nhiên biểu tình chống Nhật dường như được chính phủ ủng hộ một cách ngấm ngầm.

Giới hạn của luật pháp

Trung Quốc là một đất nước nơi luật pháp không cho phép chống lại quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản.

Người dân có được hưởng lợi đôi chút về mặt kinh tế khi nhà nước bắt đầu mở cửa, thế nhưng họ không có quyền tự do biểu tình chính trị.

Chính phủ nói sẽ gặp đại diện của những người dân sống trong khu phố và rồi sau đó mới đưa ra quyết định về dự án tàu điện.

Trước cuộc biểu tình Thượng Hải đã có một vài cuộc biểu tình khác. Tháng Sáu năm ngoái các cuộc biểu tình tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, đã khiến cho chính quyền địa phương phải từ bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy hóa chất vì nguy hại cho sức khỏe.

Vụ Hạ Môn được coi như chiến thắng cho quyền dân ở Trung Quốc và đã được báo chí trong nước ca tụng.

Nay người dân Bình Dương tỏ ra tin tưởng rằng giới lãnh đạo cộng sản biết lắng nghe, từng hứa hẹn giải quyết các khiếu nạn của người dân một cách nhanh chóng và giảm thiểu tham nhũng.

Một người địa phương nói: "Chúng tôi yêu quý chính quyền, chúng tôi muốn họ nghe chúng tôi và sẽ tiếp tục tuần hành tới khi họ làm việc đó".

Theo BBC