itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Thế độc quyền khí đốt của Nga bị đe dọa

Thế độc quyền khí đốt của Nga bị đe dọa

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của nỗ lực tránh lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cần được tạo điều kiện để trở thành một hành lang năng lượng quan trọng của châu Âu.

Nhiều nhà quan sát cho rằng mục tiêu lâu dài của thỏa thuận vừa được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về việc vận chuyển ký đốt từ Turkmenistan và Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ và từ Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu là tạo ra một hành lang khí đốt mới sang châu Âu nằm ngoài sự kiểm soát của Nga bằng việc khôi phục dự án đường ống khí đốt Nabucco.

Nhiều người cho rằng thỏa thuận này lần đầu tiên đã mở một "lối thoát" trên bộ cho nguồn khí đốt của Turkmenistan sang Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực xa hơn mà không phải đi qua biển Caspi. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng giúp khí đốt Iran "Tây tiến" và đa dạng hóa nguồn cung ứng cho Liên minh châu Âu (EU), từ đó giảm sự phụ thuộc của khối này vào tập đoàn Gazprom của Nga. Đây được coi là đòn bẩy cho EU từ nay đến năm 2010 - thời điểm mà khối này phải đàm phán với Gazprom về hợp đồng cung ứng mới.

Thỏa thuận trên rõ ràng mâu thuẫn với chính sách ngăn chặn các nỗ lực phát triển khí đốt của Iran mà Mỹ đã triển khai từ một thập kỷ qua. Tuy nhiên, nó lại phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Washington trong nỗ lực phá vỡ thế độc quyền về khí đốt của Nga tại một số khu vực ở châu Âu. Đây chính là cơ sở để Thổ Nhĩ Kỳ ký kết với Iran thỏa thuận mang tính nguyên tắc này.

Theo thỏa thuận trên, mỗi năm sẽ có 20 tỷ mét khối khí đốt từ mỏ South Pars của Iran và 10 tỷ mét khối từ Turkmenistan sang Iran, được vận chuyển vào Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết khối lượng khí đốt này sẽ được vận chuyển tiếp sang châu Âu. Các nhà phân tích cho rằng khí đốt Iran và Turkmenistan qua đất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp lưu với dòng khí Azecbaizan nhờ hệ thống đường ống Nabucco để sang châu Âu. Để đổi lấy việc tiếp cận các thị trường châu Âu, Iran phải chấp nhận giảm giá cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Iran cũng chấp nhận để Tập đoàn dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ (TPAO) tham gia phát triển một số dự án quan trọng với các điều kiện ưu đãi. Như vậy, nếu được triển khai, thỏa thuận trên sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một đối tác kinh doanh, chứ không đơn thuần là nơi trung chuyển khí đốt sang châu Âu.

Việc Iran đảm bảo nguồn cung ứng sẽ giúp các nhà quản lý hệ thống đường ống Nabucco không phải miễn cưỡng mua khí đốt từ Nga. Thực tế cho thấy do không thể tiếp cận với khí đốt Iran và Turkmenistan, nên các nhà quản lý Nabucco đã phải tính đến khả năng biến hệ thống này thành một dự án liên doanh nằm dưới sự điều hành của Gazprom. Tập đoàn này đảm nhận việc cung ứng 70% khối lượng khí đốt cho Nabucco. Với thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Iran-Turkmenistan, dự án Nabucco có thể thoát khỏi sự khống chế của Gazprom và không bị chết yểu.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, giới quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực bảo vệ dự án thông thương với Iran trước nguy cơ bị Mỹ bác bỏ. Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của nỗ lực tránh lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cần được tạo điều kiện để trở thành một hành lang năng lượng quan trọng của châu Âu. Trong khi đó, đối mặt với bế tắc của dự án đường ống xuyên biển Caspi, các nước châu Âu đương nhiên sẽ ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận với khí đốt Turkmenistan thông qua Iran. Còn các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ dự đoán rằng mặc dù ban đầu có thể phản đối, song cuối cùng Washington vẫn phải chấp nhận vì lợi ích chung của Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

Hồng Lan (Theo Alger, VNA)