itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Xung quanh kế hoạch kích thích kinh tế mới của Mỹ

Xung quanh kế hoạch kích thích kinh tế mới của Mỹ

Ngày 20/10, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke tuyên bố ủng hộ một kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói mới cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Nếu được thông qua, đây sẽ là gói kích thích kinh tế thứ hai của Mỹ trong năm nay.

“Với khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ yếu đi trong nhiều quý tới đây và sự xuất hiện của những rủi ro nền kinh tế giảm tốc, việc Quốc hội cân nhắc một kế hoạch kích thích kinh tế ở thời điểm này là thích hợp”, ông Bernanke phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân sách của Hạ viện.

Điểm khác biệt của kế hoạch kích thích mới

Những lời phát biểu trên của ông Bernanke thể hiện sự ủng hộ của ông đối với việc đưa ra thêm một kế hoạch kích thích kinh tế mới cho nước Mỹ. Kế hoạch tài chính với chi phí dự kiến 150 - 300 tỷ USD này được phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đề xuất hồi tháng trước và liên tục thúc đẩy, nhưng lại vấp phải sự phản đối của phía đảng Cộng hòa và Tổng thống George W. Bush.

Nửa đầu năm nay, Chính phủ Mỹ cũng đã thực thi một kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói, theo đó cắt giảm khoảng 168 tỷ USD tiền thuế cho người dân và doanh nghiệp nước này nhằm kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, tác dụng của kế hoạch này nhanh chóng biến mất vào cuối mùa hè vừa qua, và tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ mỗi lúc giảm một nhanh.

Điểm khác biệt giữa kế hoạch kích thích kinh tế thứ nhất này và kế hoạch đang được đề xuất là kế hoạch trước dựa vào việc cắt giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp, còn kế hoạch lần này là tăng chi tiêu của Chính phủ.

Cũng trong tháng 9, Hạ viện cũng đã thông qua một đạo luật tăng chi tiêu của Chính phủ trị giá 61 tỷ USD nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Theo đạo luật này, Chính phủ sẽ chi thêm tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng, tăng phúc lợi cho người thất nghiệp lần thứ hai trong năm và hỗ trợ cho các chương trình trợ giá thực phẩm, nhiên liệu sưởi cho các hộ gia đình và hỗ trợ y tế. Tuy nhiên, Tổng thống George W. Bush đã dọa phủ quyết kế hoạch này và hiện đạo luật này vẫn đang mắc kẹt ở Thượng viện.

Sau khi ông Bernanke lên tiếng ủng hộ kế hoạch kích thích kinh tế mới, Tổng thống Bush đã có chuyển biến thái độ tích cực. Trợ lý của ông Bush cho biết, ông đã có thái độ cởi mở với kế hoạch này. “Chúng tôi cởi mở với các ý tưởng và sẽ xem xét các ý tưởng mới được đưa ra. Cho tới thời điểm này, những đề xuất của Quốc hội và của đảng Dân chủ vẫn là một kế hoạch mà chúng tôi không cho là sẽ kích thích được tăng trưởng kinh tế”, thư ký báo chí của ông Bush, bà Dana Perino, cho biết.

Phiên điều trần của ông Bernanke hôm 20/10 đã tăng sức mạnh cho phe Dân chủ trong việc thúc đẩy kế hoạch này. Phiên điều trần này có thể gây áp lực đối với Tổng thống Bush, buộc ông phải tham gia vào các cuộc thảo luận về kế hoạch trên, nếu không, kế hoạch này sẽ tiêu tan và ông Bush có thể bị giới quan sát đánh giá là sai lầm.

Những rào cản

Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ có khả năng sẽ thông qua kế hoạch này trong một phiên họp Quốc hội tổ chức ngay sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 4/11.

Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào việc liệu ông Bush có sẵn sàng chấp nhận một kế hoạch như vậy hay không. Nếu đảng Dân chủ không thể ngăn ông Bush trong việc phủ quyết kế hoạch này, họ sẽ phải đợi cho tới khi vị tổng thống tiếp theo của nước Mỹ bước vào Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau.

Để lôi kéo sự ủng hộ của Nhà Trắng và các nhà làm luật bên phía đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ đang đề xuất những ý tưởng mà Tổng thống Bush ủng hộ. Một trong số này có thể là việc thông qua thỏa thuận tự do thương mại đã bị đình trệ từ lâu với Columbia. Thêm vào đó, phía Cộng hòa cũng đang thúc giục việc cắt giảm thêm thuế và đây cũng có thể là một điểm nữa mà đảng Dân chủ phải chấp nhận.

“Chủ tịch Bernanke đã chỉ rõ rằng một gói kích thích phục hồi kinh tế mới là yếu tố vô cùng quan trọng để tăng lực cho nền kinh tế đang yếu đi của chúng ta”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định. Bà nói thêm: “Tôi kêu gọi Tổng thống Bush và các thành viên Cộng hòa trong Quốc hội một lần nữa đi theo lời khuyên của ông Bernanke”.

Về phần mình, phe Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ cảnh báo họ có thể sẽ phải đối kế hoạch kích thích kinh tế mới nếu kế hoạch này chỉ dựa vào hoạt động chi tiêu của Chính phủ. “Chúng tôi sẽ không bị mắc lừa rằng kế hoạch này sẽ giải quyết các vấn đề cốt lõi của kinh tế Mỹ. Nếu Quốc hội thông qua kế hoạch này, kế hoạch cần phải là một chính sách cắt giảm thuế nhằm kích thích đầu tư và tạo việc làm”, ông Paul Ryan, một thành viên Cộng hòa trong Ủy ban Ngân sách Hạ viện cho biết.

Đảng Dân chủ đã lên lịch cho một loạt phiên điều trần trong tuần này về các đề xuất để hỗ trợ nền kinh tế, mặc dù Quốc hội Mỹ không họp.

FED có thể lại cắt giảm lãi suất

Chủ tịch FED từ chối bàn về quy mô hay chi tiết của kế hoạch này. “Với viễn cảnh kinh tế bấp bên hiện nay, thời điểm áp dụng, quy mô và chi tiết của bất kỳ gói kích thích tài khóa nào cũng là những vấn đề chưa thể làm rõ”, ông nói. Khi các nhà làm luật yêu cầu ông đưa ra một số đề xuất cụ thể, ông nói: “Đó là việc của Quốc hội”.

Ông Bernanke cảnh báo, cuộc khủng hoảng tín dụng đang tấn công vào các hộ gia đình ở Mỹ, với việc người dân Mỹ và các công ty nước này không thể vay được tiền từ các ngân hàng. Do đó, ông cũng kêu gọi Quốc hội, nếu có thông qua kế hoạch kích thích trọn gói, cần áp dụng các biện pháp giúp người dân và các doanh nghiệp nước này có thể tiếp cận nguồn tín dụng dễ dàng hơn.

Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 6 năm, đồng thời doanh số bán lẻ ở Mỹ đang ở thời kỳ kéo dài nhất từ năm 1992 tới nay. Cùng với đó, giá nhà đất ở Mỹ vẫn trên đường dò đáy và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tiếp tục sụt giảm. Nhiều khả năng, trong cuộc họp ngày 28-29/10 tới, FED sẽ tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất USD.

Trong năm nay, Chính phủ Mỹ đã đề xuất những kế hoạch khổng lồ để giải cứu nền kinh tế nước này khỏi gọng kìm khủng hoảng, bao gồm kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 168 tỷ USD, kế hoạch 700 tỷ USD giải cứu ngành tài chính, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách mua vào thương phiếu, việc tiếp quản các tập đoàn lớn như Fannie Mae, Freddie Mac và AIG.

Bởi vậy, ông Bernanke cảnh báo kế hoạch kích thích kinh tế mới này nên được xem xét kỹ lưỡng để hạn chế những tác động dài hạn đối với ngân sách liên bang. Ông cũng nhấn mạnh rằng, sẽ rất mất rất nhiều thời gian để các dự án cơ sở hạ tầng phát huy tác dụng kích thích kinh tế.

Trương Định (Theo - IHT, Bloomberg, VNE)