itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Ca sĩ Ánh Tuyết: “Người kinh doanh nghệ thuật phải là người có văn hoá”

Ca sĩ Ánh Tuyết: “Người kinh doanh nghệ thuật phải là người có văn hoá”

Nếu chỉ làm kinh doanh đơn thuần tôi chắc mình sẽ đỡ đau đầu hơn. Kinh doanh nghệ thuật, theo tôi, quan trọng nhất là mình phải có văn hóa. Những cái mình làm, ngoài hiệu quả kinh tế, thì phải đạt được những hiệu quả xã hội tốt"

Phòng trà TB của tôi ra đời cách đây 8 năm. Vào thời điểm đó, nhạc trẻ đang thống soái thị trường âm nhạc. Khi biết TB là phòng trà chuyên hát nhạc trữ tình, tiền chiến, nhiều người tỏ ra rất ái ngại cho tôi, vì họ thấy rằng tôi không... hợp thời cho lắm. Nhưng tôi là kẻ vừa “liều” vừa lì.

Tôi có một niềm tin vững chắc rằng những bài hát mà lớp trẻ hôm nay nhiều người xem là xưa cũ vẫn có những khán giả của riêng mình và vẫn trường tồn mãi với thời gian. Thuở ban đầu hết sức khó khăn, tôi chấp nhận thua lỗ. Tôi thi gan, thậm chí thách đố bản thân mình, và quyết tâm làm cho kỳ được.

Bởi vì tôi hướng tới một mục đích lớn hơn cả tiền bạc, là được thỏa mãn niềm đam mê của chính mình và giúp các ca sĩ trẻ sau này tiếp nối, gìn giữ những ca khúc âm nhạc truyền thống, là vốn văn hóa quý giá mà nhiều nhạc sĩ lớp trước đã để lại.

Ca sỹ Ánh Tuyết.

Nếu chỉ làm kinh doanh đơn thuần tôi chắc mình sẽ đỡ đau đầu hơn. Kinh doanh nghệ thuật, theo tôi, quan trọng nhất là mình phải có văn hóa. Những cái mình làm, ngoài hiệu quả kinh tế, thì phải đạt được những hiệu quả xã hội tốt.

Cụ thể, mình phải góp được chút gì vào đời sống âm nhạc của dân tộc mình, đất nước mình. Lúc đó có rất nhiều phòng trà mọc khắp thành phố này nhưng không ai đủ kiên nhẫn và tâm huyết để chăm chút cho mảng âm nhạc tiền chiến, vì họ cần phải nhanh chóng đạt được mục đích kinh doanh là thu hút khán giả trẻ.

Tôi nghĩ, tôi là một ca sĩ hát thể loại nhạc này đã lâu, tôi hiểu hơn ai hết vẻ đẹp và sức sống của nó. Tôi bỏ công đào tạo các nhóm nhạc nếu họ kiên tâm đi cùng với tôi. Tôi tổ chức các show diễn từ Bắc tới Nam. Đi đến đâu tôi cũng nhận được sự thương yêu, sự chào đón của khán giả.

Đó là niềm khích lệ lớn lao để tôi tin tưởng vào công việc mình đang làm. Tôi không nghĩ tôi làm doanh nhân hay doanh nghiệp gì hết, cho dù rất tổn hao tâm trí hàng ngày để tính toán xem làm thế nào để phòng trà tồn tại được để mà phục vụ khán giả một cách lâu dài.

Bởi sự tồn tại của phòng trà chính là cơ hội để tôi được giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ, cũng là cơ hội để tôi được phục vụ những khán giả chung thủy với mình bấy lâu. Nhìn vào đời sống âm nhạc thời điểm này tôi rất vui mừng nhận thấy, đang có rất nhiều ca sĩ trẻ quay lại với những ca khúc mà một thời họ cho là xưa, cũ.

Tôi cũng muốn góp phần làm thay đổi khái niệm của khán giả và cả những người làm nghề, rằng trong âm nhạc chỉ có khái niệm hay và không hay mà thôi. Những gì còn lại qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian chính là những giá trị bền vững nhất.

Và không ai khác, chính là những người trẻ tuổi phải tiếp nối, gìn giữ những giá trị này, mang nó đến cho những thế hệ tương lai. Lợi nhuận của phòng trà TB của tôi trong những năm qua đáng kể nhất là đã để lại được những dấu ấn nhất định trong đời sống âm nhạc sôi động của thành phố Hồ Chí Minh và của cả nước.

Tôi tình nguyện làm người cầm sợi dây để kết nối các thế hệ âm nhạc, tôn vinh những ca khúc nhạc tiền chiến, nhạc truyền thống, cách mạng bằng sự nỗ lực của mình.

Tôi cũng tự hào là đã góp phần nhỏ bé cho cái gọi là “văn hóa nghe” của khán giả, dành cho họ một không gian âm nhạc tương đối lý tưởng, nơi mà khi bước vào họ sẽ được thưởng thức âm nhạc một cách đúng nghĩa nhất. Đối với tôi, làm kinh doanh nghệ thuật như thế cũng là đạt mục tiêu rồi...