itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Nhạc Việt: những dòng chảy nhỏ

Nhạc Việt: những dòng chảy nhỏ

Tồn tại độc lập trong cuộc đi tìm cơ hội ở thị trường VN và quốc tế, một thế hệ ca sĩ trẻ người Việt sống ở khắp nơi trên thế giới đang tạo nên tiếng nói riêng biệt, đầy nhiệt huyết.

Trần Thu Hà, người rời danh vị “diva âm nhạc VN” để âm thầm trở thành một nghệ sĩ indie (độc lập) tại Mỹ, đã nói về vị trí của mình hiện nay: “Tôi không còn phải khoác chiếc áo quá rộng so với cơ thể của mình”. Thế giới âm nhạc của chị vừa gom lại vừa mở ra, ở chỗ tuy khán giả nghe và chấp nhận không “đại chúng”, sự xưng tụng không còn ầm ĩ, nhưng ngược lại qua sự thể hiện của mình bằng những sản phẩm âm nhạc, chị đã góp phần mở ra thêm một lối tư duy, gu thưởng thức khác cho khán giả yêu nhạc Việt.

Một sức sống mới

Cùng với Trần Thu Hà, một thế hệ ca sĩ 8X người Việt sống khắp nơi đang hòa mình vào xu thế ấy, mạnh dạn thể hiện mình bằng tất cả niềm đam mê, sự hiểu biết, khả năng cảm thụ âm nhạc để tìm đến với những người đồng điệu. Dù đường đi của lớp ca sĩ này có phần âm thầm, chưa tạo được những đỉnh cao về chuyên môn như Hà Trần, nhưng có thể thấy rõ một sức sống mạnh mẽ. Cách mà họ đến với mọi người đơn giản và phóng khoáng.

Những bản thu được truyền khắp thế giới qua mạng, họ tìm được đối tượng khán giả của mình, trước là những người bạn, sau là fan. Về chuyên môn, có thể hình dung đây là những người trẻ, tư duy âm nhạc ảnh hưởng nước ngoài nhiều nên những gì họ thể hiện cũng dễ nhận ra sự khác biệt với những ca sĩ gắn bó với thị trường cho người Việt.

Lối hát của họ gần với kiểu hát của những ca sĩ nước ngoài và đặc biệt cách chọn bài cho CD, thể hiện được tính “thuần chủng” và chuyên nghiệp cao chứ không kiểu “lẩu thập cẩm” có bài vui - bài buồn, bài nhanh - bài chậm, bài xưa - bài nay... như nhiều ca sĩ trong nước hiện nay.

Có thể kể đầu tiên là trường hợp của Vân Quỳnh - ca sĩ đang định cư ở Mỹ, từng giành giải Tài năng trẻ tại Giọng hát châu Á năm 2000. Cô đam mê nghe và hát nhạc Mỹ từ nhỏ, hiện nay với đầy đủ điều kiện về môi trường thể hiện, học tập và tố chất có sẵn về giọng hát, Quỳnh rèn luyện thêm thanh nhạc và dần chứng tỏ mình ra ngoài biên giới của cộng đồng người Việt.

Cấp tiến và không "bề nổi" 

Có thể có hoặc không khát vọng chinh phục thị trường ngoài biên giới cộng đồng người Việt, nhưng rõ ràng sức vươn lên và niềm đam mê thật sự với âm nhạc thể hiện qua tư duy, cách làm của những ca sĩ này là rõ nét. Trên thực tế, lối hát của họ khó có thể cạnh tranh với những người bản xứ được vì lối phát âm, nhả chữ cuối cùng cũng chỉ là "người nước ngoài hát". Hơn nữa, với sự hỗ trợ quá ít ỏi từ chính cộng đồng của mình như hiện nay thì hầu như khát vọng để trở thành một ngôi sao trên bầu trời âm nhạc thế giới gần như không tưởng, nhưng họ vẫn miệt mài với những sản phẩm âm nhạc của mình. Ngoài sự thể hiện mới mẻ - văn minh mang đến cho thị trường nhạc Việt, những ca sĩ VN này còn đang góp một điều "rất có nghĩa" cho hình ảnh ca sĩ trẻ thế hệ 8X VN: cấp tiến và không "bề nổi".

Tại Mỹ, lượng khán giả thích nghe cô hát là người bản xứ hiện nay tuy chưa phải lớn, nhưng cũng đủ để cô có thể duy trì niềm đam mê của mình một cách “có cơ sở”. Vân Quỳnh đang âm thầm chuẩn bị một album gồm cả những bài tiếng Mỹ lẫn Việt để chờ ngày ra mắt khán giả quê nhà và tìm kiếm một cơ hội với thị trường quốc tế.

Một tư duy mở

Một trường hợp khác là Trần Thái Hòa, sinh viên năm cuối ngành y - định cư ở Canada, vừa phát hành album Để dành trong nước. Anh là một giọng ca hoàn toàn không trường lớp, nhưng lại thể hiện khả năng hấp thụ và chuyển tải rất tốt xu hướng của các nghệ sĩ trẻ đương đại - bản năng và đam mê. Thần tượng những huyền thoại âm nhạc da màu: Aretha Franklin, Stevie Wonder, Ella Fitzgerald, Bobby McFerri..., Hòa có cảm tính âm nhạc nhạy bén và lấy đó làm tấm gương để tự vươn lên.

Hình ảnh ca sĩ Vân Quỳnh trên website riêng của cô. Ảnh: vanquynhmusic

Sản phẩm đầu tay của anh được chọn gồm những sáng tác của Dương Thụ, Quốc Bảo, Nguyễn Xinh Xô, Xuân Phương... hòa âm khá lạ theo nhiều phong cách khác nhau: pop, soul, funk, new age, world music, jazz, nghe khá thú vị. Vị bác sĩ tương lai nói: “Tôi không quan tâm đến một dòng nhạc nào cả, nhưng rất quan tâm đến những bước đột phá, những thể nghiệm mới trong từng dòng nhạc. Tôi thích một lối tư duy mở”.

Đang thực hiện dự án âm nhạc tại VN với nhạc sĩ Quốc Trung là chàng người mẫu Pháp gốc Việt Nathan Lee. Là một trong những người mẫu gốc Việt hiếm hoi tồn tại trên thị trường thời trang thế giới, anh “có hứng” trở về nước để bắt đầu khởi động việc hát qua CD đầu tay. Khả năng đặc biệt của anh không chỉ dừng lại ở mức “người đẹp hát”, mà còn khá xuất sắc trong sáng tác và thể hiện âm nhạc ở cả ba ngôn ngữ: Anh, Pháp, Việt.

Kho sáng tác của Lee hiện đã có hơn 100 bài bằng cả ba thứ tiếng (CD sắp ra mắt của ca sĩ Thu Minh có một sáng tác tiếng Anh do Lee viết tặng). Giọng nam trữ tình và đẹp của người mẫu này sẽ được thể hiện trong một CD nhạc pop, được Quốc Trung hòa âm theo phong cách world music. Anh nói sản phẩm này chỉ dừng lại ở mục đích “tặng bạn bè”, nhưng biết đâu đấy với ngoại hình sẵn có và giọng hát đẹp, Lee sẽ còn đi xa hơn.

Có người khát vọng chinh phục thị trường nơi họ đang sống, có người làm vì vui - làm cho mình là chính, cũng có người muốn nhắm đến đối tượng khán giả VN như một cách thể hiện mình gần gũi nhất...; nhưng nói chung họ đều ý thức rất rõ vị trí và biết mình biết người. Những album họ phát hành tại VN, tham gia thị trường một cách sòng phẳng, không cần những vinh quang có sẵn từ các sân khấu hải ngoại.

Họ cũng không phải là những người chọn giải pháp an toàn bằng những ca khúc tiền chiến, những bài hát quen thuộc mà luôn chú trọng sự thể nghiệm để mang đến những điều mới mẻ cho âm nhạc.

Đỗ Duy