itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Một TP.HCM lãng mạn, nên thơ

Một TP.HCM lãng mạn, nên thơ

Xác điệp vàng hè phố

Nhiều người, dù đang sống ở TP HCM hay chưa một lần đặt chân đến, đều mặc định hình ảnh về thành phố mang tên Bác là những tòa nhà cao tầng, những con đường bụi bặm nắng gắt đông đúc người xe để rồi chợt giật mình, hóa ra thành phố không khô khan, xô bồ như vẻ bề ngoài của nó.

Hãy dạo qua những con đường, những khu phố…, để thấy một TP HCM không chỉ xô bồ, ồn ã mà còn đầy mộng mơ, lãng mạn, nên thơ và đáng yêu.

Thềm phố có hoa

Nếu phải bình chọn con đường đẹp nhất TP HCM, nhiều người không ngại ngần bỏ phiếu cho đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ bến Bạch Đằng tới ngã tư Lê Duẩn. Bốn hàng cây xanh hiếm khi để ánh nắng mặt trời lọt xuống hè phố. Đi giữa mùa hè mà vẫn có cảm tưởng đang lượn vòng trên những “phố núi không xa trời thấp thật gần”.

Có một anh bạn Hà Nội lại đi tranh cãi với người dân bản địa, đòi nhường “vương miện nữ hoàng” ấy cho đường “hoa điệp” khi cứ xuýt xoa không thôi trước màu vàng rực của cả con phố Trần Quốc Toản (đoạn kẹp giữa Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Trần Quốc Thảo). Hóa ra, nhiều người sống ở TP HCM bao lâu nay, đi qua con đường này hàng trăm nghìn lần, lại phải nhờ một người ở xa mới đến chỉ ra nét đẹp của nó. Mới biết, con người vẫn chạy đi tìm những điều mới mẻ nơi xa xôi mà bỏ quên những giá trị gần gũi bên mình.

Những con đường quanh khu vực nhà thờ Đức Bà như Nguyễn Du, Đồng Khởi… đã trở nên quá quen thuộc, nên xin được miễn nhắc trong bài viết này. Nhưng ít ai để ý ngay bên hông nhà thờ Đức Bà, từ góc Hai Bà Trưng quẹo vào, có một đoạn phố ngắn chỉ tầm hơn 100m nằm thu mình khiêm tốn. Vẻ đẹp e ấp của nó dễ làm người ta đi vuột qua nhưng lại hút hồn không biết bao nhiêu người có duyên bước đến. Bạn bè hẹn hò nhau thường bảo: “Ra cái đường đẹp đẹp”, thế là hiểu! Có những tính từ đặc trưng cho điều muốn đề cập, đến nỗi người ta quên mất tên thật của nó. Ngay khi viết bài này, tôi mới sực nhớ phải chạy ra “cái đường đẹp đẹp” ấy, hóa ra đó là đường Nguyễn Văn Bình.

Đi qua công trình đang xây dựng Kumho Asiana Plaza (đường Hai Bà Trưng), nhìn hoa trồng xung quanh bờ tường, thấy lòng mát lại. Thành phố có phát triển hiện đại cách mấy vẫn cần lắm những khoảng xanh! Chẳng phải từ ngày hàng rào ngăn cách các công viên với phố xá bị bỏ đi, đang chạy xe ngoài đường có thể dừng lại ngay bên ghế đá dưới tán cây, uống ngụm nước và thấy lòng mình nhẹ hẳn đi!

“Cây Sài Gòn ngộ quá, cây nào cây nấy cao mút chỉ!”. Đó là ấn tượng của đa số người xa đến đây. Thấy rõ nhất điều này là trên đoạn đường Trương Định (khúc công viên Tao Đàn) hay đường Huyền Trân Công Chúa, những thân cây cao cỡ 40-50 m, ngửa hẳn cổ lên nhìn trời vẫn thấy lá xa tít trên cao. Rồi đường hoa giấy, đường lá me, đường cây dầu…Và vẫn còn nhiều nhiều nữa những thềm phố có hoa đang đợi bạn đặt tên.

Ngắm nhà, ngồi sông, nhìn máy bay và mơ

Sông Sài Gòn.

Giới trẻ Sài Gòn có thú vui lượn phố, ngắm nhà những khi rảnh rỗi. Đi ăn uống, lên xuống siêu thị, karaoke, xem phim hoài cũng chán, lại hao tiền. Thôi thì đi nhìn ngắm, tấm tắc khen ngợi, bình phẩm những căn nhà đẹp và… mơ: “Mai này, biết đâu đấy, mình cũng có một căn như thế!”.

Những khu biệt thự trở thành điểm thưởng ngoạn miễn phí. Có thể kể ra khu biệt thự Sài Gòn, Bình An, Miếu Nổi,.. Đứng hàng đầu trong những lựa chọn của giới trẻ Sài thành là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Quận 7), không khí trong lành cùng những căn nhà kiến trúc đẹp quyến rũ muôn màu muôn dạng. Đi dạo ở đây không biết chán vì có nhiều khu vực, nhiều đường, mỗi lần đi qua lại khám phá ra vài điều mới mẻ.

Từ Phú Mỹ Hưng đi qua cầu Ông Lớn là đến khu Trung Sơn. Nơi này đang cạnh tranh với Phú Mỹ Hưng về điểm đến “buồn buồn dạo chơi” của giới trẻ. Điểm cộng của Trung Sơn là bờ sông với hàng phi lao xanh rì khiến người ta có cảm giác thật bình yên. Thêm hàng cây bò cạp vàng bên hiên những ngôi biệt thự cũng đủ để muốn lượn qua lượn lại. Phát hiện ra nơi này, mấy đôi yêu nhau mừng hết biết vì lại có thêm một chỗ để tới. Những người có đầu óc kinh doanh sớm đánh hơi thấy lợi nhuận, đã mở hàng loạt quán cà phê bên bờ sông ấy, giăng thêm vài ba cái đèn xanh đỏ tím vàng. Đành rằng không thể phủ nhận sự xuất hiện của dịch vụ như một lẽ tất yếu của thời kinh tế thị trường, nhưng sao vẫn thích một không gian tự nhiên, hoang sơ.

Ngoài bến Bạch Đằng ai cũng biết, sông Sài Gòn còn có ba đoạn khá thi vị mà những kẻ lãng mạn không nên bỏ qua. Một là ở ngay chân cầu Sài Gòn, nơi bạn có thể ngắm đèn cầu Sài Gòn hắt sáng dòng lục bình trôi lững lờ trên dòng sông. Hai là từ ngã ba Cát Lái đi thẳng đến bến đò, nơi bạn có thể thuê một chiếc ghe và đi dạo trên sông thưởng thức ánh trăng tròn những đêm rằm. Chỗ thứ ba là Thanh Đa, nơi bạn có thể chọn một vị trí lý tưởng trên bờ tường sát sông và đếm máy bay bay thật thấp trên đầu…

Cao hứng lên, bạn có thể đi ngắm đèn lồng ở khu phố người Hoa, hay dọc ngang đường Hải Thượng Lãn Ông chỉ để nghe hương thuốc bắc thoang thoảng. Những ngày mưa, ngắm mây trời và nước sông giao hòa hay những buổi chiều nhạt nắng, chạy xe trên những con đường giữa xung quanh lá vàng rơi, chợt thấy oan cho TP HCM: sao lại bị coi là thành phố xô bồ và vội vã?!

Theo Đất Việt