itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Những câu chuyện tình người của Ô.Henry

Những câu chuyện tình người của Ô.Henry

Không chỉ Chiếc lá cuối cùng đã trở thành kinh điển, đã thành sách giáo khoa, với những ai đã từng đọc Ô.Henry thì Tên cớm và bản thánh ca hay Món quà của các đạo sĩ… và những truyện ngắn đã có cả trăm năm tuổi ấy của ông đến hôm nay vẫn cảm nhận được dư hương nhẹ nhàng nhưng thâm thuý ẩn sâu tính nhân bản.

Những tình tiết ngẫu nhiên, có lúc khắc nghiệt hoặc oái oăm hoặc mỉa mai, nhiều lúc khôi hài hoặc dở khóc dở cười, để rồi kết thúc trong bất ngờ đã tạo thành nét rất riêng của truyện ngắn Ô.Henry.

Chiếc lá cuối cùng: Câu chuyện kể về hai cô bạn sống chung trong một phòng trọ. Cô Giôn-Xi một họa sĩ tin chắc mình sẽ chết, cô đếm từng chiếc lá rụng của tàn cây thượng xuân ngoài cửa sổ. Với cô, chiếc lá là biểu tượng thời gian, là chiếc đồng hồ số phận. Biết bị bệnh nan y, cô đã xây dựng cho mình một niềm tin bất hạnh và cho rằng khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống, thì cũng là lúc cô sẽ chết. Niềm hy vọng duy nhất cô đặt cả vào chiếc lá vàng úa, mỏng manh. Nhưng chiếc lá đã không rụng. Cô đâu hiểu rằng chiếc lá đó là chiếc lá giả; chiếc lá, là tác phẩm kiệt xuất của cụ già hàng xóm Bơ-men. Cụ vẽ nó vào cái đêm chiếc lá cuối cùng đã rụng. Giôn-xi chợt hiểu ra: “Có một cái gì đó làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn không rụng”, cùng với niềm hi vọng ấy, nhựa sống lại lên men, nghị lực và mầm sống hồi sinh. Giôn-xi khỏe trở lại, có thể một phần do thuốc men, một phần do bàn tay chăm sóc chu đáo của cô bạn.

Nhưng bao trùm lên tất cả, cái đã lôi Giôn-xi ra khỏi con đường chết là màu xanh của chiếc lá cuối cùng trên bức tường đối diện. Cuộc đấu tranh để bảo tồn cái nhỏ nhoi ấy, cái yếu đuối ấy là phẩm chất tuyệt vời của tình người. Nhưng cô đâu biết để tạo được tác phẩm kiệt xuất ấy, cụ già Bơ-men trong tác phẩm đã không ngần ngại đổi nó bằng cuộc sống của chính mình.

Chiếc lá không có thật. Nó là giả nhưng nó chứa đựng cái chân, nếu như không có chiếc lá giả thì cô gái đã chết vì tuyệt vọng. Sự thật đâu có phải chỉ được nhận thấy bằng mắt mà nó còn được cảm nhận bằng trái tim. Sự thật trong cuộc sống còn đồng nghĩa với tình thương yêu.

Tên cớm và bản thánh ca: Vẫn là chiếc lá - chiếc lá vàng rơi báo hiệu mùa đông. Một mùa không dành cho người dân nghèo. Xopy - một thanh niên nghèo quyết định trốn mùa đông khắc nghiệt bằng cách làm một việc gì đó phạm luật để được vào tù. Với anh, nhà tù cũng là một căn nhà, trong đó không lo mưa, lo tuyết. Hàng ngày vẫn được hai bữa ăn. Dù đã làm mọi cách nào ăn trộm, nào gây náo loạn đường phố … nhưng cảnh sát và người ta vẫn coi đó là chuyện bình thường. Mỉa mai thay, khi giữa màn được đêm nghe bản Thánh ca và quyết định làm một người lương thiện thì Xopy lại bị bắt - được đi tù theo như mong ước ban đầu.

Món quà của các đạo sỹ: Dela - một người vợ quyết định cắt bán mái tóc rất đẹp của mình để mua chiếc dây đồng hồ làm quà cho chồng trong đêm Noel. Còn Giêm - người chồng lại bán chiếc đồng hồ lấy tiền mua tặng vợ một bộ lược cài tóc… Hai vợ chồng trong đêm Noel với hai món quà. Những tiếng đồng vọng mà ngược chiều của tình yêu.

Người ta có thể tìm thấy những chủ cửa hiệu, nhân viên bán hàng, ký giả, họa sĩ, bác sĩ, diễn viên sân khấu, thợ cắt tóc, cảnh sát, thanh tra, dân đi tìm vàng, cũng có những người vô nghề nghiệp vô gia cư, và kể cả kẻ tội phạm và tù nhân. Hầu như những câu chuyện của O.Henry đều đượm một chút buồn vương vấn như thế. Những cung bậc trầm, những nốt lặng mang đậm tình người trong sắc thái đã dạng, đa chiều của xã hội Mỹ đương thời.

Việt Dũng