itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Giáo dục tỉnh Lạng Sơn: Ba cấp chung nhau một mái trường

Giáo dục tỉnh Lạng Sơn: Ba cấp chung nhau một mái trường

Cô giáo Triệu Thị Giới là người được phân công dạy 2 lớp ghép, lớp 1 và lớp 2, cho biết cả hai lớp học chỉ vẻn vẹn... 11 học sinh. Gồm 5 học sinh lớp 1 và 6 học sinh lớp 2. Bàn được chia thành 2 dãy cho hai lớp. Bảng viết cũng được chia đôi nhưng cô giáo thì chỉ có một. Rồi cùng một lúc, cô dạy cả học sinh lớp 1 lẫn lớp 2.

Chiếc xe KIA của một anh bạn đưa chúng tôi từ Hà Nội nhằm thẳng hướng biên giới phía Bắc. Sau 3 giờ đồng hồ, đến thủ phủ tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi tiếp tục tiến về vùng rừng núi của huyện Văn Quan. Điểm đến của chúng tôi là Trường tiểu học Song Giang, thuộc địa phận xã Song Giang, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn chừng 40 km. Chúng tôi đại diện cho Quỹ ITA-s thuộc Tập đoàn Tân Tạo lên trao tiền tài trợ cho những giáo viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn đạt thành tích trong dạy học.

Trường cách cầu Điềm He chừng 7km. Qua cầu Điềm He, xe chúng tôi vượt qua một con ngầm và bắt đầu leo dốc. Con đường đất đỏ ghập ghềnh, ngoằn ngoèo, vắt ngang qua những lưng đồi, sườn núi. Đường vắng tanh vắng ngắt, đi mãi không gặp người. Chỉ thấy bụi đỏ cuốn mù mịt theo vết bánh xe. Đang là mùa khô nên việc đi lại có vẻ dễ dàng. Đến một đoạn đường khó, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, đất mới đổ sùi lên, lồi lõm sống trâu, chiếc xe cà khổ quay tít bánh tại chỗ. Dấn ga thì nó quay đầu ra phía miệng vực. Tôi phát hoảng đòi xuống xe. Anh bạn đồng nghiệp an ủi: Bình tĩnh đi em! Tay lái của anh ấy “lụa” lắm. Tôi đành gật đầu và ngồi yên phó mặc. Loay hoay một hồi, xe cũng vượt qua đọan đường khủng khiếp ấy. Thế là thoát. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tiếp tục vượt qua một con sông nữa chúng tôi mới đến được nơi cần đến. Lúc này đang là giờ tan trường. Vậy mà có rất ít học sinh ra về. Đặt chân đến trường tôi mới lý giải được điều này.

Đường vào Trường tiểu học Song Giang.

Trường nằm trên một đỉnh đồi thấp, trông hoang vu, tiêu điều. Bên phải là phòng của Ban giám hiệu. Chính giữa là 4 phòng học mái lợp tấm prô xi măng. Bên trái có hai phòng học nữa. Gọi là phòng cho sang, chứ thực chất nó chỉ là nhà vách đất, tường được trát cẩu thả. Có lẽ vì vậy mà gió mưa đã làm cho nó bong tróc ra từng mảng trông rất thảm thương. Thành thử trông cứ thông thống, trống huếch, trống hoác. Mặc dù cửa đã khóa nhưng đứng bên ngoài vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy toàn bộ “nội thất” bên trong. Lèo tèo vài chiếc ghế nhỏ của các cháu mẫu giáo đặt trên nền đất. Phía sau đó là hai, ba bộ bàn ghế học sinh được xếp gọn lại. Trên trần, vài chiếc đệm chỉ còn trơ lại mút, cũ kỹ, cáu bẩn gác chềnh ềnh như muốn tranh giành khoảng không gian chật hẹp. Một chiếc bàn học sinh được kê lên phía trên. Có lẽ là bàn giáo viên vì trên đó vẫn còn các giáo cụ trực quan để ngổn ngang. Với phòng học kiểu như thế này, những ngày mưa rét hẳn là các cháu vừa học vừa co ro. Ấy vậy mà các cháu cũng chỉ được học buổi sáng, còn buổi chiều phải nhường chỗ cho các anh chị tiểu học. Phía trước là một khoảng đất trống có diện tích rất khiêm tốn dùng làm sân chơi cho học sinh.

Toàn cảnh trường học.

Chị Chu Thị Sang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Song Giang, cho biết: Trường lớp bé vậy nhưng ở đây chúng tôi chung nhau cả ba cấp: Mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Khu chính này gồm có 6 phòng học. Khu lẻ trong bản Thẳm, cách đây 4 cây số, có 3 phòng học gồm một phòng tạm và 2 phòng do chương trình 135 xây cho. Tổng số học sinh của trường là 106 em chia làm 8 lớp của 5 khối. Toàn trường có 19 cán bộ, giáo viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số của tỉnh Lạng Sơn. Hầu hết cuộc sống đều khó khăn. Do học sinh ít mà lớp học cũng thiếu nên nhiều khi phải ghép hai lớp ở hai khối vào chung một phòng học và do một cô giáo dạy.

Bên ngoài phòng học.

Cô giáo Triệu Thị Giới là người được phân công dạy 2 lớp ghép, lớp 1 và lớp 2, cho biết cả hai lớp học chỉ vẻn vẹn... 11 học sinh. Gồm 5 học sinh lớp 1 và 6 học sinh lớp 2. Bàn được chia thành 2 dãy cho hai lớp. Bảng viết cũng được chia đôi nhưng cô giáo thì chỉ có một. Rồi cùng một lúc, cô dạy cả học sinh lớp 1 lẫn lớp 2.

Bên trong phòng học.

Điều đáng trân trọng ở các cô giáo là dù hoàn cảnh dạy và học ở đây đều rất khó khăn nhưng các cô vẫn bám trường, bám lớp và dạy tốt.

Nhà ở của giáo viên trong khu tập thể trường.

Cô giáo Lương Thị Viền quê ở xã Vân Mộng, huyện Văn Quan, Lạng Sơn ra trường từ năm 1985. Chị về đây dạy học và lập gia đình, lấy Song Giang làm quê hương thứ hai của mình. Hơn 20 năm gắn bó với một trường học ở vùng 3, vùng khó khăn nhất của tỉnh Lạng Sơn là hơn 20 năm chị trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống riêng tư, với nghề nghiệp. Chị nhớ lại, những năm 1990 về trước, ngoài giờ lên lớp, vợ chồng chị thường lặn ngụp ngoài sông kiếm cá đem ra chợ bán trang trải cho cuộc sống gia đình. Thậm chí người phụ nữ mảnh mai này còn buôn gỗ sang Trung Quốc bán rồi mua gạo gánh về Việt Nam. Lần hồi như vậy rồi cũng đắp đổi được cuộc sống qua ngày. Năm 1999, chồng mất để lại cho chị ba cô con gái. Hiện nay, cô lớn đã lấy chồng và đang học Đại học y khoa Thái Nguyên. Chồng cô học Cao đẳng nông lâm ở Bắc Giang. Tưởng chừng gánh nặng của chị đã vơi đi. Nhưng không, chị nuôi luôn cả hai vợ chồng cô con gái ăn học. Mỗi tháng, ít nhất chị phải gửi cho hai đứa 2 triệu đồng. Trong khi đó, lương bổng từ dạy học của chị chỉ có 2,4 triệu đồng. Thế là chỉ còn lại 400 nghìn đồng cho ba người (cô con gái thứ hai học lớp 12, con thứ 3 học lớp 11). Ba mẹ con đành trông chờ vào 5 sào ruộng. Nếu có mưa, mỗi sào cho 3 gánh thóc (chưa đầy 1 tạ), không mưa thì mất trắng. Trường hợp của chị Viền là một điển hình cho cuộc sống của các cô giáo vùng cao đầy khó khăn và gian khổ. Cái chữ nơi này cũng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của các cô giáo. Tôi hiểu lắm.

Cô giáo Viền, người mặc áo da màu nâu đỏ.

Hai năm gần đây, con đường đất của chương trình 135 đã nối Song Giang gần hơn với thị trấn Điềm He, nước cũng theo đó mà về. Ruộng giờ đây đã đỡ khô hạn hơn. Nhưng 7 km đường đất đó dường như vẫn còn xa vời vợi, vẫn trắc trở, gập ghềnh, gian nan. Ngày nắng thì vẫn bụi đỏ mù mịt, ngày mưa thì chỉ có cách duy nhất là lội bộ. Cái chữ vẫn còn phải vượt qua muôn trùng khó khăn. Tấm lòng của các cô giáo với giáo dục vùng cao giống như vàng đang được qua lửa. Lửa ấy sẽ thắp sáng những ước mơ. Lửa ấy sẽ truyền nhiệt tình cho bao nhiêu thế hệ và cho cả những người như chúng tôi.

Bài và ảnh: Kim Thanh