itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Đak Nông - Một lần đến...

Đak Nông - Một lần đến...

Cuộc hành trình một mình có phần vất vả và hiểm nguy, nhưng những ánh mắt, cái bắt tay gởi gắm niềm tin và hy vọng của những người làm công tác giáo dục ở đây khiến tôi như có thêm động lực…

1. Từ danh sách 147 giáo viên đề nghị được hỗ trợ…

Sau khi chương trình “Hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng cao” được phát động, Quỹ ITA-s nhận được rất nhiều hồ sơ từ khắp nơi gởi về. Chúng tôi - những người trực tiếp thực hiện chương trình theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tập đoàn Tân Tạo - thấy rất vui, vì chương trình tạo được một hiệu ứng tích cực, nhưng song song đó là những cảm giác ngậm ngùi: Những con số cứ dày lên theo từng ngày tổng kết. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều những con người đang cần được Quỹ ITA-s và cả xã hội sẻ chia, giúp đỡ. Và cầm trong tay bản danh sách 147 giáo viên đề nghị được hỗ trợ, tôi tìm đến Đak Nông.

2. Ghi chép trên đường đi

Theo như kế hoạch đã định sẵn, sau khi làm việc với Sở, các Phòng Giáo dục và báo Đak Nông, tôi lên đường đến các trường học nằm trên địa bàn huyện và gặp gỡ một số thầy cô giáo tiêu biểu. Và những gì nghe, thấy trong suốt chuyến công tác dài năm ngày khiến tôi không khỏi trăn trở…

Cảm giác đầu tiên

Đak Nông đón tôi bằng cái lạnh dường như vốn có của miền núi, và ấn tượng hơn cả là một màu đất đỏ trước đó tôi chưa từng thấy (lúc mới đến, tôi thích thú biết chừng nào khi nhìn ngắm chúng, và không hề nghĩ rằng sau này có lúc chính mình phải dở khóc dở cười bởi chính cái màu đỏ ấy). Có thể nói, thiên nhiên khá ưu đãi cho nơi đây với đất đai rộng lớn, màu mỡ; cây cối tươi tốt và khí hậu tương đối dễ chịu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Đak Nông cũng gợi cho tôi nhiều nghĩ suy khi nhìn những căn nhà xập xệ, lác đác trên những con đường nơi tôi đi qua. Thêm vào đó, đồi núi quanh co, vắng vẻ, heo hút… càng gợi lên cảm giác khó khăn và thiếu thốn vô cùng đối với những người dân nơi đây. Và hình như tôi đúng.

Cây cối xanh tươi trên vùng đất đai màu mỡ

Những khó khăn, thiếu thốn

Không phải hoàn toàn, nhưng hầu như những trường học thuộc các huyện như Dak R’Lấp, Tuy Đức và Đak Glong nơi tôi đã đi đều rất thiếu thốn về cơ sở vật chất. Có những trường không hề có phòng học, phải mượn nhờ phòng hội họp hay nhà ở của thôn hoặc các điểm trường khác để làm nơi dạy học. Vì thế, một trường có thể có đến 5, 6 điểm, mà những điểm này cách xa nhau từ 10 - 15 km. Đường đi lại toàn là đường đất đỏ, mùa nắng thì gió và bụi; trời mưa thì lầy lội, trơn trợt. Việc đi lại của các giáo viên và học sinh nơi này do vậy hết sức cực khổ.

Cơ sở vật chất thì không có gì khác hơn ngoài những bàn ghế được đóng ghép tương đối thô sơ, kê trong các lớp học. Khung cảnh xung quanh trường không một sân chơi, bãi tập nào được xây dựng đầy đủ, khang trang và hiện đại… Vì thế, tôi hiểu sự bối rối của thầy Lê Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu, thôn 2, xã Đak Buk So, huyện Tuy Đức - cùng lời nói nửa như giải thích, nửa như áy náy vì không thể tiếp khách một cách chu đáo hơn khi thầy mời chúng tôi vào phòng làm việc tại điểm trường chính: “Cơ sở ở đây còn thiếu thốn, xập xệ lắm…”. Hoặc sự ngập ngừng của thầy Phạm Minh Tuấn, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi - xã Đak Ru, huyện Đak R’Lấp - khi chúng tôi đến thăm nhà. Nơi thầy đang dùng làm phòng ở, làm việc và học tập cùng vợ và hai con trai là một căn phòng nhỏ, trước đây là phòng làm việc của một cơ quan, được thôn cho mượn ở nhờ. Bên cạnh đó, một vài căn phòng là nơi học tập của các bé Trường Mầm non Hoa Đào…

Quỹ ITA-s làm việc với Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu
Bên trong một lớp học ở Trường Tiểu học Lý Tự Trọng

Mặt khác, Hầu hết các em đồng bào ít người gia đình rất khó khăn, cha mẹ cũng vất vả, lo toan cho cuộc sống nên ít quan tâm đến việc học của con. Nhiều em phải một buổi đi học, một buổi đi làm. Nhưng các em thương lắm, rất chịu học. Có những lúc đến thăm lớp học bổ túc ban đêm, thấy các em ngồi ẵm con đợi chồng/vợ đang học bên trong mà mình ứa nước mắt… - lời tâm sự của chị Phạm Thị Mỹ Dung, chuyên viên Phòng Giáo dục càng giúp tôi hiểu thêm hơn những khó khăn của nền giáo dục địa phương.

Thế mới biết, để đến được với trường, với lớp, với chân trời tri thức, thầy và trò nơi đây đã nỗ lực đến thế nào để vượt lên khỏi đói nghèo, lạc hậu. Hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy thương các em học sinh và mến phục các thầy cô vùng sâu vùng xa biết chừng nào.

Kỳ 2: Những hình ảnh không quên