Đak Nông - Một lần đến... (phần 2)
Tôi cười, và em cũng cười - nụ cười dễ thương nhất khiến tôi luôn cảm thấy an ủi, ấm áp bên cạnh những băn khoăn, trăn trở…
Những hình ảnh không quên
“Hoa cúc đẹp không?! Hoa cúc đẹp ha”. Bên ngoài hành lang nhà thầy Phạm Minh Tuấn, cũng là nơi học của các bé trường mầm non, tôi đã được nghe và chứng kiến những lời nói, hình ảnh dễ thương như thế. Trò chơi, niềm vui của những đứa trẻ nghèo vùng sâu chỉ giản đơn là nhìn ngắm và thưởng thức hương thơm tỏa ra từ đóa hoa, có lẽ chúng đã hái trộm trong vườn rồi thích thú cười đùa với nhau. Khoảnh khắc em nâng niu đóa hoa và nở nụ cười ngây thơ, hồn nhiên sao mà thân thương đến thế. Với em, có lẽ niềm vui lớn nhất cũng chỉ cần có vậy. Tôi đưa máy ảnh lên, em tròn xoe mắt. Đúng như lời anh Nguyễn Đức Thạch - Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo Đak Nông, các em chưa quen với sự có mặt của người lạ, với những quần áo đẹp mắt cùng những vật dụng “lạ kỳ”… Nhưng tôi cười, và em cũng cười - nụ cười dễ thương nhất khiến tôi luôn cảm thấy an ủi, ấm áp bên cạnh những băn khoăn, trăn trở…
Nụ cười dễ thương của em khiến tôi luôn cảm thấy ấm áp... |
Trong suốt cuộc hành trình, tôi còn bắt gặp những em bé H’Mông, M’Nông gày còm, đen nhẻm thấp thoáng sau những thân cây tròn xoe mắt nhìn người lạ, rồi thì thầm, chỉ trỏ với nhau. Hình ảnh mà tôi ngỡ đã thuộc về một thời điểm, một nơi nào xa lắm… Tôi còn bị ám ảnh bởi những em học sinh đồng bào ít người, vẫn những đôi mắt ngơ ngác, tò mò nhìn người lạ; vẫn tiếng xì xào, cười len lén… nhưng những bộ quần áo chúng mặc đến trường, thương đến thắt lòng - Những bộ quần áo dơ và cũ, ngắn và dài… Những bộ quần áo mà chắc chắn không một học sinh thành phố nào chịu mặc. Những trò chơi chúng chơi, những vật dụng chúng có, hình như cũng ít thấy nơi các trường phố huyện.
Giờ chơi của các em học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng |
Sự cố trên đường đến với Đak Glong
Sáng ngày mùng 3/11, tôi lên đường đến Đak Glong với hành trang là nỗi hăm hở muốn được chứng kiến tận mắt vùng đất cực kỳ khó khăn nhất tỉnh, được chia sẻ lòng yêu mến và cảm phục với các thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây. Nhưng đồng thời, bên cạnh đó cũng là những nỗi lo, vì khi biết lịch trình làm việc của tôi, các anh chị trên Sở và các Phòng Giáo dục đã ngăn cản, bởi đường đi đến đó vô cùng khó khăn, không có phương tiện công cộng, không đông dân cư và đường đất đỏ trời mưa lầy lội, cộng thêm nhiều đoạn đang được cày xới để làm đường lại…
Sau một hồi năn nỉ, người chạy xe ôm ở huyện Đak R’Lấp mới đồng ý chở tôi đi, anh than thở đường đến đó quá xa, quá khó đi, trời lại đang mưa, đi không an toàn và không chắc sẽ đưa tôi đến được nơi cần đến một cách thuận lợi. Hơn nữa, địa phương đó quá heo hút, vắng người, không ai lường trước được điều gì sẽ xảy ra… Và chúng tôi lên đường. Bắt đầu ngã ba rẽ vào Quảng Sơn, Đak Glong, sau những phút phấn chấn, hăm hở ban đầu, tôi bắt đầu cảm thấy lo. Mưa cứ như trút nước, chiếc xe hết nghiêng bên này lại xiêu vẹo bên kia. Bùn đất bắt đầu quện hết vào hai bánh xe, văng lên cả quần áo chúng tôi. “Biết có đến nơi được không? Mà với bộ dạng như thế này, làm sao tôi làm việc…?”. Những lo âu cứ thi nhau ùa về. Phía trước, người lái xe vẫn cố gắng giữ vững tay lái. Đường thật vắng, hầu như chạy mấy chục cây số chỉ thấy lác đác vài căn nhà, với tôi lúc này chặng đường sao mà dài thăm thẳm…
Và sự cố không tránh khỏi đã xảy ra
Đường đi Quảng Sơn, Đak Glong lúc trời chưa mưa |
Sau nhiều lần ghìm giữ tay lái trên đoạn đường đèo dốc quanh co, trơn trợt, chiếc xe chòng chành rồi đổ ụp xuống đường. Trước khi cảm nhận sự ê ẩm vì va đập, tôi thấy chân phải mình rát bỏng. Khi kịp định thần lại và gượng đứng dậy, tôi nhìn xuống chân, chiếc vớ phải (mà trước khi đi tôi đã trang bị cho đỡ lạnh) đã cháy một lỗ thật to, in dấu lên cả chân tôi. Vừa lạnh, vừa sợ, vừa đau, vừa nản vì lỡ việc…, tôi muốn khóc. Vậy là hành trình đến Đak Glong đành bỏ dở.
3. Hy vọng…
Về lại Thành phố, tôi chia sẻ nỗi niềm với những người đồng nghiệp và viết lại trong báo cáo, một điều bất ngờ và thật vui đối với tôi là chị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo quyết định xem xét và trao cho mỗi trường học nơi tôi đã đến một tài trợ, tùy theo nhu cầu cụ thể của từng trường, ngoài những cá nhân được hỗ trợ. Khỏi phải nói các thầy cô nơi đây vui như thế nào khi nghe tôi báo lại. Và tôi, tạm quên đi những mệt mỏi, vất vả sau cuộc hành trình, lại dậy thêm những niềm tin và hy vọng. Quỹ ITA-s đang cố hết sức mình để bày tỏ sự tri ân đối với các thầy cô giáo cũng như góp phần chia sẻ gánh nặng với cả nước trong công tác giáo dục. Quỹ ITA-s cũng đang chắp thêm nhiều đôi cánh cho các ước mơ học trò bay cao, bay xa… Tôi, lúc này, cũng không biết làm gì hơn là xin gởi đến chị - người sáng lập ra Quỹ ITA-s và gởi trọn trong đó cả tâm, tài - lời cảm ơn sâu sắc và chân thành.
TP.HCM ngày 6/11/2007 |
Tin đã đăng
- Đak Nông - Một lần đến...
- Thư ngỏ gửi tới Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật
- “Muốn học thành tài cho mẹ vui”
- Thủ khoa và “cuộc chiến” chống ảo tưởng
- 21 tỷ 200 triệu và những tấm lòng từ tâm
- Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 3
- Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 2
- Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 1
- Những mảnh đời và những ước mơ
- Ghi chép từ cuộc hành trình - Phú Yên những ngày nắng nóng