itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Chuyện từ ngôi trường nghèo tại làng cá dọc con sông Đốc

Chuyện từ ngôi trường nghèo tại làng cá dọc con sông Đốc

Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa hết bàng hoàng về tai nạn xảy ra vào ngày 23/5/2007, gió lốc bất ngờ ấp tới làm tốc hết mái tôn trường, học sinh hoảng loạn trốn dưới gầm bàn và 5 học sinh bị thương nặng, riêng em Trần Thị Thùy, học sinh lớp 5 bị mảnh tôn xi măng cắm vào mắt đã tử vong ngay sau đó.

Trường Tiểu học Sông Đốc 6 thuộc huyện Trần Văn Thời, Cà Mau nằm chơ vơ dọc theo con Sông Đốc cạnh bờ kênh Tẻ con nước đậm màu phù sa, mùi cá nồng nặc từ làng cá bao đời hòa chung tiếng ê a đánh vần trẻ thơ đã trở thành điều rất đổi bình thường. Ngôi trường vừa mới được lợp lại mái, đổ lại ít đá xỉ ở sân cho bớt sình lầy, vách trường học là những miếng gỗ ghép vào nhau nắng mưa mốc trắng màu nhờn nhợt. Cơn gió thổi phần phật từ Sông Đốc như muốn lật tung tấm bạt bằng nilon che chắn lớp học khi mưa khi nắng cho lũ trẻ hồn nhiên như bầy chim sáo đánh vần i t. Dù đã được các đồng nghiệp từ các cơ quan báo khác nói về ngôi trường này nhưng tôi như nghẹn lại trước sự thiếu thốn và thiệt thòi của học sinh vùng nông thôn nghèo. Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa hết bàng hoàng về tai nạn xảy ra vào ngày 23/5/2007, gió lốc bất ngờ ấp tới làm tốc hết mái tôn trường, học sinh hoảng loạn trốn dưới gầm bàn và 5 học sinh bị thương nặng, riêng em Trần Thị Thùy, học sinh lớp 5 bị mảnh tôn xi măng cắm vào mắt đã tử vong ngay sau đó.

Một bên sân trường khô ráo

Tiếp chúng tôi cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng trường cho biết người dân quanh khu vực Sông Đốc này sinh sống phần lớn bằng nghề cá nên cuộc sống rất bấp bênh. Tỉ lệ học sinh đến trường dao động theo các niên học, theo mùa cá, theo mùa mưa lũ vì hầu hết các phương tiện đi lại quanh khu vực này phần lớn chỉ bằng ghe tàu… vì vậy thầy cô giáo vừa là người giảng dạy, vừa là người làm công tác dân vận sao cho các em được quan tâm, được đến trường học cái chữ. Sau vụ tai nạn trên, trường đã nhanh chóng được lợp lại mái, sân trường chỉ đổ than xỉ một phần, phần sân còn lại đầy sình và nước, sách giáo khoa, tập học cho các em được các trường học khác trong vùng quyên góp tặng lại. Nhìn ngôi trường tạm bợ với 8 phòng học, là nơi 360 học sinh theo học mới thấy trường bị quá tải về phòng học là quá nhiều, gần 50 học sinh chen chút học trong căn phòng cũ nát, bàn ghế có tuổi thọ rất lâu mới thấy thương ngôi trường nghèo nhất huyện, thương học sinh vùng nông thôn thiệt thòi.

Một bên sân trường nước và sình lầy

Khi nhận được thông báo về chương trình “Hỗ trợ giáo viên nghèo vùng sâu, vùng xa”, cô Minh và toàn thể giáo viên trường rất vui mừng và phấn khởi bởi chương trình như một lời khích lệ tới các giáo viên nghèo vượt bao trở ngại trong cuộc sống để gắn bó với nghề, với ngôi trường thân thương này. Mấy hôm liền trời mưa liên tục, sân trường lầy lội không có nơi cho học sinh vui chơi, vách lớp gió giật liên hồi mưa tạt vào các em phải ngồi co cụm lại. Nhìn trong mắt thầy cô tôi biết ai cũng lo lắng biết đâu gió lớn, lốc mạnh thì biết làm thế nào nhưng không ai dám nói ra và tôi cũng không dám nghĩ tới, chỉ mong trời tạnh mưa mau…

Thầy và trò

Ngọc Bích