itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Khởi tố vụ án bé gái bị ngạt ở trường mầm non

Khởi tố vụ án bé gái bị ngạt ở trường mầm non

Bé Đỗ Ngọc Bảo Trân đã ở tình trạng

chết lâm sàng. Ảnh: An Nhơn.

Tại cơ quan công an quận Phú Nhuận, TP HCM, Lê Thị Lê Vy, bảo mẫu nhóm nhà trẻ lớp mầm non Thiên Thơ, thừa nhận đã dùng băng keo dán miệng bé Trân khi đang khóc, khiến bé ngừng thở, hôn mê. Quyết định khởi tố vụ án vừa được ký chiều 3/12.

Vụ án được khởi tố với tội danh vô ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Hai người có liên quan đến vụ án là bảo mẫu Lê Thị Lê Vy và cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hà, phụ trách nhóm nhà trẻ trên, đã được triệu tập để phục vụ quá trình điều tra.

Tại buổi làm việc với công an sáng 3/12, bà Vy thừa nhận, do thấy bé Trân, 18 tháng tuổi, khóc quá nhiều nên đã cắt miếng băng dài khoảng 15 cm, rộng 4 cm dán vào miệng Trân trong khoảng 2 phút. Khi biết bé tím tái, Vy mới gọi người đến đưa bé đi cấp cứu. Cô giáo Hà chính là người đầu tiên phát hiện ra tình trạng nguy cấp của bé Trân. Hiện cơ quan công an phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 để làm rõ nguyên nhân.

Theo hồ sơ điều tra, Lê Thị Lê Vy mới học hết lớp 5, không có chuyên môn sư phạm, làm ở lớp mầm non Thiên Thơ từ năm 2005 đến tháng 8/2006, sau đó nghỉ việc không lý do. Đến tháng 4/2007, Vy làm việc trở lại. Còn Nguyễn Thị Hồng Hà có bằng sơ cấp về mẫu giáo, cả hai đều không có hợp đồng lao động với nơi làm việc.

Bác sĩ Bạch Văn Cam, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, Trân đã chết lâm sàng. Với sự hỗ trợ của máy tuần hoàn tim và máy trợ hô hấp, tim bé thoi thóp đập và hôn mê sâu. Tiên đoán khả năng bình phục rất thấp. "Chúng tôi vẫn cố gắng hết sức và hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến", bác sĩ Cam nói.

Kết quả CT cho thấy, não không có dấu hiệu tụ máu hoặc nứt sọ. "Chắc chắn bé không bị té ngã. Nhưng bé ngạt thở có phải do bị dán miệng hay không cũng chưa thể kết luận. Khi đến bệnh viện Nhi Đồng 1, bé đã ngừng thở gần 2 ngày", bác sĩ Cam nói.

Cũng theo bác sĩ Cam, hiện tượng trẻ bị đột tử khi ngủ chỉ xảy ra ở bé sơ sinh, chưa từng thấy với trẻ 18 tháng tuổi trở lên. Nhưng nếu những trẻ này khóc trong tình trạng bị bịt kín miệng, nước mũi chảy ra nhiều cũng có thể ngạt thở.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhiều người thân của Trân có mặt để chờ tin từ bác sĩ. Ông bà ngoại của Trân quê ở Quảng Nam mới vào TP HCM. "Linh cảm cho thấy cháu khó qua khỏi, vào thăm cháu, tôi thấy chân cháu lạnh và vàng vọt lắm", ông ngoại của Trân nói.

Các bé nhóm lớp ghép chồi - lá Thiên Thơ ngơ ngác vì
cô phụ trách Đan Thùy vào viện với bé Trân. Ảnh: L.H.

Ông Ninh Văn Bình, Trưởng phòng giáo dục quận Phú Nhuận, sáng nay, lớp mầm non Thiên Thơ đã bổ sung nhân sự tạm thay Nguyễn Thị Hồng Hà và Lê Thị Lê Vy. "Trước mắt, chúng tôi phân công chuyên viên phòng giáo dục và một giáo viên giỏi trường mầm non Sơn Ca 4 hỗ trợ chuyên môn cho Thiên Thơ", ông Bình cho biết thêm.

Đại diện Phòng Giáo dục Đào tạo của quận đã tới lớp mầm non Thiên Thơ tìm hiểu tình hình và động viên gia đình bé Trân tại bệnh viện.

Cũng sáng nay, quận ủy Phú Nhuận quyết định hỗ trợ gia đình bé 3 triệu đồng.

Bà Trương Thị Mỹ Liên, tổ trưởng phụ trách khối mầm non, Phòng giáo dục quận Phú Nhuận cho biết, đã phát hiện có sự bất ổn về chất lượng nhân sự bảo mẫu lớp mầm non Thiên Thơ trong đợt kiểm tra đầu năm. Theo bà Liên, cả 4 bảo mẫu của các nhóm lớp Thiên Thơ đều chưa qua đào tạo chuyên môn.

"Chúng tôi đã đề nghị Thiên Thơ thay thế hoặc bồi dưỡng chuyên môn cho bảo mẫu, nhưng chưa kịp giám sát tiến độ thực hiện kết luận kiểm tra này thì xảy ra chuyện", bà Liên nói.

Theo VnExpress