itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Vụ xây dựng không phép “Đại công trình White Place” - TPHCM: Cơ quan chức năng biết, nhưng bó tay

Vụ xây dựng không phép “Đại công trình White Place” - TPHCM: Cơ quan chức năng biết, nhưng bó tay

Người dân chờ sự nghiêm minh của

cơ quan chức năng trong xử lý công

trình White Palace xây dựng không phép

Khoản 2, điều 120 Luật Xây dựng quy định: “Công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc sai với giấy phép xây dựng được cấp theo quy định phải cấp giấy phép xây dựng thì phải bị phá dỡ toàn bộ hoặc phần vi phạm theo quy định”.

Ngày 4-12, chúng tôi đã liên lạc với các cơ quan chức năng để làm rõ những vấn đề xung quanh vi phạm của công trình White Palace- TPHCM (Báo Người Lao Động ngày 4-12).

Quận Phú Nhuận bị ra rìa!

Theo quy định tại Luật Xây dựng, công trình White Palace (số 194 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận) là loại công trình dân dụng với mục đích sử dụng làm nhà hàng, do đó phải xin phép xây dựng và chịu sự kiểm tra, quản lý của địa phương cũng như Sở Xây dựng TP. Thế nhưng, chủ đầu tư dự án trên đã dùng mác đất chuyên dụng để vô hiệu hóa công tác kiểm tra của địa phương. Ông Nguyễn Như Hồng, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Phú Nhuận, cho biết từ khi phát hiện việc xây dựng tại công trình trên vào tháng 5-2007, đến nay quận chưa hề nhìn thấy “mặt mũi” của giấy phép xây dựng White Palace.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, khu đất trên thuộc diện đất quốc phòng được giao cho Công ty Sản xuất – Thương mại – Xuất nhập khẩu Tây Nam (gọi tắt Công ty Tây Nam - số 253 Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình) quản lý.

Tháng 4-2007, khu đất được đơn vị đưa vào dự án liên kết kinh doanh khoán thu nhà hàng Nam Bắc (tên gọi khác là White Palace) với đối tác là Công ty TNHH Nhà hàng Nam Bắc. Theo đó, nhà hàng này sẽ được xây dựng trên khuôn viên 7.382 m2, thời gian hợp tác là 25 năm, giá trị đầu tư ước tính 70 tỉ đồng.

Công ty TNHH Nhà hàng Nam Bắc chịu trách nhiệm về pháp lý như giấy phép xây dựng, giấy đăng ký kinh doanh... Thế nhưng, ngày 25-5-2007, khi quận Phú Nhuận tiến hành kiểm tra, công trình đã xây dựng trên 2.000 m 2 sàn, lúc này đại diện chủ dự án mới cho biết đang hoàn tất thủ tục xin phép!?

Phát hiện sai phạm trên, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ dự án cung cấp toàn bộ các giấy tờ như hợp đồng xây dựng, giấy phép xây dựng... để kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, sau nhiều lần mời làm việc, chủ dự án cũng chỉ cung cấp quyết định thành lập ban quản lý dự án, lệnh khởi công, quyết định chỉ định thầu, hợp đồng giao nhận thầu...

“Do là đất chuyên dụng không thể “làm mạnh”, đồng thời chủ đầu tư cứ khất hẹn, né tránh bàn giao hồ sơ, nên chúng tôi phải báo cáo lên Sở Xây dựng để xử lý”- ông Hồng bức xúc.

Thi công ẩu, báo cáo lập lờ

Ngày 28-5, Thanh tra Sở Xây dựng xuống kiểm tra thì hiện trạng công trình đang thi công sàn thứ tư, đang đổ cột bê tông cốt thép tầng thứ 5; công trình không có biển báo, không che chắn... Đơn vị được chủ dự án chỉ định làm nhà thầu xây dựng là Công ty Cổ phần Xây dựng – Dịch vụ Tân Kỷ (Công ty Takco - trụ sở 63 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh).

Điều đáng nói, trong quá trình thi công công trình này đã gây ảnh hưởng đến trụ sở Văn phòng Quốc hội – TPHCM (Vụ Công tác phía Nam).

Đến ngày 13-6, Đội Quản lý trật tự đô thị quận Phú Nhuận đã mời đơn vị thi công lên làm việc, chỉ huy trưởng công trình trên cho biết ban giám đốc Công ty Takco thông báo là đã có giấy phép xây dựng, thiết kế nhưng cũng không xuất trình được.

Với hàng loạt sai phạm trên, ngày 3-10, UBND quận Phú Nhuận đã kiến nghị Sở Xây dựng, báo cáo UBND TP toàn bộ vụ việc, đồng thời có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng bên lực lượng quốc phòng để phối hợp kiểm tra việc xây dựng tại đây nhằm phòng ngừa không để xảy ra việc xây dựng trái phép, vi phạm quy hoạch chung.

Theo UBND quận Phú Nhuận, sau khi có công văn này, Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra nhưng kết quả xử lý ra sao vẫn chưa hề được hồi âm. Còn công trình đã được chủ dự án tưng bừng khai trương vào ngày 1-12.

Cần nghiêm minh trong xử lý

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng, việc làm của chủ đâu tư công trình White Palace là cố tình nhập nhằng mục đích sử dụng đất là dân dụng và quốc phòng, dù đây là công trình buộc phải xin phép xây dựng. Theo đó, trước khi khởi công, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ các công trình thuộc bí mật Nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp... Điều 92 của Luật Xây dựng cũng quy định rõ việc xây dựng công trình bí mật Nhà nước sẽ do Chính phủ quyết định việc xây dựng từng công trình.

“Ai cũng nhìn thấy, đây là công trình dân sự với mục đích kinh doanh nhà hàng, không thể nào cho rằng đây là công trình bí mật Nhà nước. Do vậy, chủ đầu tư phải chấp hành việc kiểm tra và quản lý của ngành xây dựng theo quy định”- vị lãnh đạo này khẳng định.

Người dân TP đã từng hoan nghênh việc xử lý cương quyết của UBND TP đối với các vi phạm xây dựng như vụ 300 căn nhà không phép phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân; vụ dãy ki-ốt trái phép tại đường Thành Thái, quận 10... Do đó dư luận cũng mong đợi sự nghiêm minh trong việc xử lý công trình này.

Theo Tường Nguyên (NLĐ)