itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / “Chặt chém” ở căn-tin bệnh viện

“Chặt chém” ở căn-tin bệnh viện

Các bệnh viện lớn ở TPHCM lúc nào cũng đông đúc đến ngạt thở. Phần lớn bệnh nhân đến từ các tỉnh, nhu cầu ăn uống, mua sắm đồ dùng thiết yếu cho người bệnh là rất lớn. Tuy nhiên, đa số căn-tin ở các bệnh viện bán đồ ăn thức uống, hàng hóa với giá trên trời khiến bệnh nhân khi trả tiền cảm thấy mắc nghẹn như vừa nếm trái đắng.

Đắt ngang cắt cổ
Vợ chồng anh Phạm Văn Khanh - Nguyễn Thị Hồng Luyến quê huyện Tân Phú, Đồng Nai đưa con gái hai tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (đường Lý Thái Tổ, Q10) chữa bệnh. Chầu chực từ sáng sớm đến trưa vẫn chưa có kết quả xét nghiệm, anh chị ghé vào căn-tin nằm gần cổng chính của bệnh viện kêu hai đĩa cơm trứng kho thịt lót dạ. Đang mệt mỏi, nóng nực, lại được cho ăn đĩa cơm khô khốc, đồ ăn nguội ngắt nên dù rất đói, hai người cũng chỉ nuốt được chừng nửa đĩa. Kêu tính tiền, cô nhân viên mặc áo đồng phục màu xanh, cổ đeo bảng tên cất giọng: “Năm mươi tám ngàn đồng”. Như không tin vào tai mình, anh Khanh lắp bắp hỏi lại: “Bao... bao nhiêu hả em?”. “Hai mươi chín ngàn một đĩa, hai đĩa năm mươi tám ngàn” - giọng người phục vụ tỏ ra khó chịu.
Trả tiền xong, anh Khanh quay sang than thở với tôi - người ngồi chung bàn: “Ở bệnh viện mà buôn bán thế này chẳng khác gì muốn cắt cổ bệnh nhân, hột vịt bé tí với miếng thịt bằng ba ngón tay mà bán với giá trên trời. Bị “cứa” lần này chắc tui tởn tới già”. Đến phiên tôi tính tiền, đĩa cơm sườn non kho với bốn miếng bằng ngón tay cái, bị “chém” 25.000 đồng, chai Sting 12.000 đồng (loại nước giải khát này bán ở các quán bên ngoài chỉ 6.000 đồng - 8.000 đồng). Một phụ nữ ngồi ghế đá sát căn-tin ăn cơm hộp mách nước: “Chắc mấy em mới đi bệnh viện lần đầu nên không biết, giá đồ ăn ở căn-tin mắc lắm, chịu sao nổi. Đi ra cổng, băng qua đường có mấy tiệm cơm trong hẻm bán rẻ chỉ bằng một nửa, mà đồ ăn nóng, ngon lắm!”.
Bệnh viện Ung bướu trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, người đến khám chữa bệnh đông đặc, căn-tin bệnh viện nằm sát cổng chính, rộng chừng hơn 100m2, có thêm gác phía trên. Cơm ở đây có giá từ 18.000 đồng - 25.000 đồng/đĩa tùy loại, nhưng miếng sườn hay khứa cá bé đến không ngờ. Bệnh viện Gia Định nằm kế bên, giá đồ ăn thức uống cũng tương đương. Còn ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (đường Trần Hưng Đạo, Q5), khá khó khăn tôi mới lách qua được rất đông bệnh nhân chen chúc trên hành lang để đến căn-tin. Trong tủ kính chỉ lèo tèo vài khay đồ ăn nguội ngắt, đơn điệu, bán đồng giá 16.000 đồng/đĩa.
Bệnh viện Chợ Rẫy có ba điểm ăn uống trong khuôn viên, khá rộng rãi, sạch sẽ, giá dao động từ 17.000 đồng - 25.000 đồng. Tuy nhiên để đến được căn-tin phải đi khá xa, qua nhiều cua quẹo, bệnh nhân mới tới hầu như không biết nên ùa ra cổng mua cơm hộp. Có thể nói, rất nhiều người thiếu thông tin về các dịch vụ ăn uống của bệnh viện, họ chỉ quan tâm đến sự thuận tiện, ra cổng là thứ gì cũng có!

Nguyên nhân dẫn đến hàng rong
Hiện nay, trước cổng các bệnh viện đều trở thành nơi tụ tập buôn bán hàng rong. Nhức nhối nhất phải kể đến Bệnh viện Chợ Rẫy, cổng chính trên đường Nguyễn Chí Thanh đã trở thành cái chợ thực thụ, không chỉ chiếm vỉa hè mà còn lấn ra gần giữa đường, gây ách tắc giao thông. Bát nháo nhất là vào buổi sáng, trưa và chiều tối, hàng loạt quán ăn di động là các xe đẩy tập trung trước cổng bán đủ thứ từ cơm, bún, phở, hủ tiếu, bánh cuốn, nước uống đến các đồ dùng thiết yếu cho bệnh nhân. Tới bữa ăn, người bệnh và thân nhân rồng rắn ra vây quanh xe đẩy bán đồ ăn, mua xách vào bệnh viện ngồi bệt ngay lối đi lại, chân cầu thang hay bất cứ chỗ nào trống trải thản nhiên ăn uống. Đơn giá của những quán ăn vỉa hè thấp hơn căn-tin bệnh viện khoảng 20%.
Trước cổng các bệnh viện như: Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Phụ sản Hùng Vương, Nhi đồng 1..., các dịch vụ ăn uống cũng nở rộ. Giá cả không chỉ rẻ hơn nhiều trong căn-tin mà còn phong phú và nhìn bắt mắt. Thân nhân bệnh nhân ngồi chen chúc trên những dãy bàn thấp lè tè lấn hết cả cổng bệnh viện.
Các bệnh viện lớn mỗi ngày đón nhận hàng ngàn bệnh nhân và thân nhân. Thế nhưng căn-tin các bệnh viện hầu hết nhỏ hẹp, bán với giá cao, đồ ăn lại không đa dạng và nấu chưa ngon khiến hầu hết bệnh nhân và người thăm nuôi phải tìm chỗ ăn bên ngoài, rẻ và hợp khẩu vị. Nếu các bệnh viện tổ chức hoạt động căn-tin tốt, sạch sẽ, thoáng mát, bán với giá vừa phải, đồ ăn phong phú thì sẽ là nơi lý tưởng, thu hút bệnh nhân và thân nhân đa số là người nghèo đến ăn uống. Điều này không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn góp phần xóa bỏ nạn hàng rong hoành hành trước cổng bệnh viện. Tiếc thay, hệ thống căn-tin, cửa hàng trong nhiều bệnh viện cứ mặc sức hét giá khiến bệnh nhân tránh xa và tìm đến các gánh hàng rong tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo CAO