itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Gập ghềnh đường vào đại học của cô thủ khoa khối C

Gập ghềnh đường vào đại học của cô thủ khoa khối C

Nhà có ba chị em, mẹ bị bệnh tim nặng, cha làm ruộng nên đường vào đại học của Trần Thị Hằng còn quá xa vời…

Trần Thị Hằng ở xóm Đông Nam, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Cha mẹ Hằng đều là nông dân quanh năm lam lũ với mấy sào ruộng khoán. Mẹ Hằng bị bệnh tim phải đi bệnh viện thường xuyên nên người cha phải một mình làm lụng vất vả để nuôi ba chị em Hằng ăn học. Hằng là con gái thứ hai, chị Hằng hiện là sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Vinh, còn đứa em trai út đang học lớp 7 trường làng.

Từ khi người chị vào ĐH, cha lao lực nhiều quá cũng đổ bệnh nên Hằng trở thành lao động chính trong nhà. Ngoài thời gian học, Hằng lao vào làm việc đồng áng, hết việc đồng áng thì đi mò cua, bắt ốc, đi cấy thuê, gặt thuê để đỡ đần cho cha.

Tuy phải lao động vất vả nhưng Hằng học rất giỏi. Từ lớp 1 đến lớp 12 luôn là học sinh (HS) giỏi toàn diện và đạt được nhiều giải cao trong các kỳ thi HS giỏi. Với niềm đam mê môn địa lý, Hằng đã đoạt giải ba HS giỏi cấp tỉnh môn địa lý năm lớp 11. Đặc biệt, trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, Hằng đạt 27,25 điểm khối C. Với tổng điểm này, Hằng được Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An công bố là thí sinh có điểm thi khối C cao nhất tỉnh (văn 9,25; sử 8,5 và địa lý 9,5 điểm).

Hỏi Hằng lao động như vậy thì lấy thời gian đâu học, Hằng trả lời: “Em thuộc bài thầy cô giáo giảng ngay từ trên lớp, về nhà em luôn mang theo sách vở, tài liệu bên mình để học mọi nơi, mọi lúc”.

Cô giáo Vương Thị Lan, chủ nhiệm lớp 12A5 Trường THPT Phan Đăng Lưu, nói về cô học trò cưng của mình: “Biết tin em Hằng đạt điểm cao nhất tỉnh về điểm thi khối C, tôi mừng vui như chính con gái của mình đỗ đạt vậy. Em Hằng có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng em đã nỗ lực vượt khó vươn lên học giỏi. Hằng là một HS giỏi toàn diện, ngoan ngoãn, luôn được các thầy cô và bạn bè yêu mến”.

Nhưng Hằng hiện đang lòng dạ rối bời, bởi ước mơ bước vào cổng trường ĐH có khi không trở thành hiện thực. Khi chúng tôi tìm về nhà em Hằng thì em đang cùng cha gặt lúa ở ngoài đồng. Hằng cho biết có lẽ ước mơ đến với cổng trường ĐH của em khó trở thành hiện thực. Hằng tâm sự: “Từ khi thi THPT xong, em đã vào Đồng Nai để rửa bát thuê với mức lương 60.000 đồng/ngày với mục đích dành dụm gửi về để chữa bệnh cho mẹ. Lẽ ra em cũng chưa về nhưng lúa đến kỳ thu hoạch nên em phải về giúp cha...”.

Em cho biết đã làm hồ sơ nộp vào Trường ĐH Luật Hà Nội. Ngành này em rất thích. Em vừa nhận được giấy báo nhập học của trường. Nhưng để theo học lại là chặng đường dài đầy khó khăn, vì mẹ em đau ốm triền miên, cha lại phải một mình làm việc đồng áng, đi phụ hồ để nuôi ba chị em.

Anh Trần Văn Hùng, cha Hằng, tâm sự: “Khi Hằng bước sang năm học lớp 12, tôi khuyên con đi học thêm như các bạn để có đủ kiến thức thi vào ĐH nhưng Hằng quyết không đi, chỉ muốn để dành tiền lo thuốc thang cho mẹ. Con quyết tâm tự ôn luyện ở nhà”.

Mặc dù hiện nay vợ chồng anh Hùng còn nợ ngân hàng hơn 100 triệu đồng, bao nhiêu khó khăn còn chồng chất nhưng trước tương lai của con, anh Hùng bảo rằng: “Đời vợ chồng tôi lam lũ nhiều rồi. Bây giờ dù có thể bán nhà cũng phải cho con đi học ĐH bằng được”.

TRÂM ANH/ Pháp Luật TP.HCM