itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Đi chợ thời tăng giá

Đi chợ thời tăng giá

Giá thực phẩm ngày càng leo thang

Giá cả vẫn cứ leo thang khiến nhiều người phải “méo mặt”, nhất là công nhân và dân lao động càng “teo tóp” hơn vì các chi phí sinh hoạt, ăn uống cứ tăng lên rất nhiều so với thu nhập hằng tháng.

Từ đầu năm đến nay, các sản phẩm dịch vụ, hàng hóa trên thị trường đua nhau tăng giá, nhiều mặt hàng lượng thực, thực phẩm đều tăng, đến tiền điện, tiền nước, tiền rác, tiền ga…cứ đua nhau lên vùn vụt, làm tăng thêm nỗi lo cho người lao động và càng thêm nỗi “sợ” đi chợ của các chị em trong thời tăng giá.

Theo thống kê các cơ quan liên ngành, chỉ riêng tháng bảy và tháng tám năm nay, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng mức kỷ lục, trong các nhóm mặt hàng thì hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhiều nhất, tăng 11.13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lương thực tăng 15.3%, thực phẩm tăng 10.06%. Hiện nay, giá cả vẫn cứ leo thang khiến nhiều người phải “méo mặt”, nhất là công nhân và dân lao động càng “teo tóp” hơn vì các chi phí sinh hoạt, ăn uống cứ tăng lên rất nhiều so với thu nhập hằng tháng, còn các chị em nội trợ thì đâm ra “sợ” đi chợ vì tiền bỏ ra nhiều nhưng hàng hóa và thức ăn mua vào… chẳng được bao nhiêu.

Biết mua thế nào đây!

Nỗi niềm người bán lẫn người… mua!

Khi nói đến chuyện đi chợ, chị em trong cơ quan tôi đều than thở: “Giá cả cứ tăng riết như vậy chắc… chết quá. Đi chợ ngày nào cũng vượt định mức 20 ngàn - 30 ngàn đồng thì lấy gì bù vào cho đủ”. Theo chị Hương thì lúc trước cả nhà bốn miệng ăn chiều về đi chợ chỉ cần 50 ngàn đồng là tương đối đấy đủ, nhưng “bây giờ cầm chừng đó tiền là đi lòng vòng không biết mua gì, vì nửa kg thịt heo đã mất đứt hơn 30 ngàn, trong khi đó lúc trước chỉ khoảng hai mươi mấy ngàn là được nửa kg”. Rồi tiền mua rau củ, gia vị, trái cây... và những khoản ngoài không thể không chi nên đi chợ riết đâm ra… đau đầu. Chị còn hai đứa con nhỏ nên “nội tiền sữa trong tháng cũng đứt hơn triệu bạc, bây giờ sữa lại tiếp tục tăng giá nên phải bù thêm ít nhất 500 ngàn đồng, nhẩm tính đã ngót hơn nửa lương hằng tháng mới đủ tiền mua sữa cho con uống”. Không chỉ riêng chị Hương mà hầu hết các chị em nội trợ khi được hỏi đều thừa nhận rất ngán đi chợ, vì cứ xách giỏ đi lòng vòng không biết mua gì, đụng vào cái gì cũng vù vù tăng giá nên ngán quá.

Gia đình chị Nguyễn Thị Vy còn “khốn đốn” hơn khi kinh tế gia đình chỉ dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi chưa tới 3 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng không đủ trang trải cho sinh hoạt phí hằng tháng, chưa kể tiền nước, tiền điện, tiền ga cứ tăng vùn vụt nên giá tiền nhà trọ cũng tăng theo. Riêng việc đi chợ chị Vy ngao ngán: “Lúc trước chỉ cần 20 ngàn đồng tôi mua đủ cả rau lẫn thịt cho ba miệng ăn trong gia đình, còn bây giờ gói ghém lắm thì cũng 30 ngàn đồng mới có đủ bữa cơm thịt canh rau” . Chỉ tính riêng tiền đi chợ hằng ngày cũng ngót nữa tháng lương của hai vợ chồng, chưa tính các khoản chi phí khác như tiền nhà, tiền sữa cho con…

Không những người đi chợ mua hàng mà đến cả người bán cũng ngán ngẩm không kém. Chị Vân – một tiểu thương bán cá ở chợ Tân Bình cho biết giá cả cứ tăng nên việc bán hàng càng khó, khách hàng thấy cá cũng thở ra vì ăn cá quá tốn tiền nên mua bán luôn ế ẩm. Giá cá các loại ở chợ Tân Bình trong tháng tám tăng bình quân từ 7.000 ngàn – 10.000 ngàn đồng/kg, thịt heo giao động từ 45.000 ngàn – 50.000 ngàn đồng/kg, giá thịt heo có phần giảm do ảnh hưởng dịch bệnh vẫn kéo dài. Các loại trái cây, rau củ quả, đến các gia vị… đều tăng nhanh.

Giá cả rau quả tăng mạnh

Giá cả… nỗi lo của mọi nhà, mọi người

Giá cả tăng không riêng gì các chị em nội trợ, các tiểu thương ngoài chợ mà người người, nhà nhà đều lo. Người tiêu dùng, người bán lẻ lẫn nhà kinh doanh sản xuất đều ngao ngán vì mọi chi phí hoạt động cũng đều tăng. Anh Minh Khoa, chủ cơ sở gốm mỹ nghệ ở Bình Dương than thở: “ Giá ga cứ tiếp tục tăng như thế làm đội giá thành sản phẩm trong khi giá bán hàng mỹ nghệ xuất khẩu đang giảm làm cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng, nhiều cơ sở đang có ý định quay trở lại thời kỳ sản xuất bằng than, bằng củi để giảm tiết chi phí đầu vào”. Không riêng gì giá ga mà giá điện, giá nước đều tăng ùn ùn, tuy giá xăng dầu có giảm 500 đồng/kg nhưng vẫn không “hạ nhiệt” được giá cả trên thị trường hiện nay.

Bài, ảnh: Lệ Quyên