itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Khủng hoảng “ngầm” trong công việc

Khủng hoảng “ngầm” trong công việc

Nguồn: bienetre.wifeo.com

Công việc là một trong những nguồn tạo… stress cực kỳ hữu hiệu. Vì vậy, đam mê công việc đến mấy thì thỉnh thoảng bạn cũng nên để ý xem stress đã vượt quá giới hạn chịu đựng của mình chưa nhé.

Hãy đọc qua những số liệu biết nói dưới đây nhé:

- Năm 2006, 27% số nhân viên ở Mỹ nói rằng họ sẵn sàng trở về văn phòng khi có yêu cầu, dù vẫn đang trong kì nghỉ của mình.

- Hơn 50% nhân viên nói rằng họ thường xuyên bị stress trong công việc. 70% trong số đó khẳng định mình sắp ngã gục đến nơi.

- 19% những người phụ nữ vừa làm mẹ vừa đi làm thường phải làm việc vào những ngày cuối tuần.

Nếu bạn cho rằng những cơn khủng hoảng này chỉ là cái cớ để các nhân viên trốn việc thì hãy nghĩ lại nào. Stress và khủng hoảng tác động trực tiếp đến hệ thống miễn dịch của bạn hoặc những vấn đề sức khỏe khác như huyết áp, hệ thống tiêu hóa, tim mạch, da dẻ… Trong khi có vô vàn nguyên nhân để dẫn đến stress thì “Khủng hoảng trong công việc thường là hậu quả của stress trong một thời gian dài. Những nạn nhân của khủng hoảng thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, bất lực trong công việc, mất hết niềm tin và muốn bỏ mặc tất cả” – nhận xét của bác sĩ Audrey L. Canaff, chuyên gia tâm lí của trường đại học Tennessee. Bác sĩ Audrey cũng khẳng định khủng hoảng trong công việc không phải là sự việc thoáng chốc nên việc nhận diện và khắc phục nó sớm là rất quan trọng.

Khi nào thì bạn gặp khủng hoảng?

Dưới đây là 5 dấu hiệu cơ bản nhất của những cơn khủng hoảng ngầm

Dấu hiệu #1: Bạn cảm thấy khó tiếp cận với các đồng nghiệp

Không khí trong văn phòng không còn thoải mái và dễ chịu như trước kia. Hiện tại với bạn, việc nói chuyện, tiếp cận và cùng làm việc với những bạn đồng nghiệp trở nên khó khăn hơn bình thường rất nhiều.

Dấu hiệu #2: Bạn đến trễ và chỉ muốn về sớm

Có thể bạn vẫn nghiêm chỉnh chấp hành giờ giấc công ty, nhưng lúc nào bạn cũng muốn ra khỏi văn phòng. Nếu trước đây mấy tháng, bạn vẫn hăng hái làm việc mà bây giờ bạn lại đếm từng phút để được ra về thì nguy rồi đây!

Dấu hiệu #3: Chán nản thay thế cho hăng hái

Bạn cảm thấy mất hết động lực, không có hứng thú cộng tác hay thử thách cùng công việc của mình. Những người bị khủng hoảng với công việc của mình thường cảm thấy mình như bị “mất lửa nhiệt tình”, mất cảm giác tự hào về công việc mình đang làm.

Dấu hiệu #4: Bạn không còn thích những gì liên quan đến công việc

Nếu trước kia công việc là một niềm tự hào của bạn thì khi bị khủng hoảng, bạn chẳng hề muốn nhắc đến nó tí nào. Bạn cũng chẳng hề muốn tham dự những buổi ăn trưa, buổi tiệc của công ty cùng những đối tác khác.

Dấu hiện #5: Bạn thực sự bị bệnh

Khi bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, cơ bắp và hệ tiêu hóa của bạn cũng sẽ trì trệ theo. Ngoài ra, bạn cũng sẽ gặp một vài rắc rối với giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ, giấc ngủ chập chờn, ngủ không đủ giấc… Những rắc rối về thể chất này thường là dấu hiệu của stress. Bạn càng khủng hoảng bao nhiêu thì những căn bệnh này sẽ càng trầm trọng hơn.

Cải thiện tình hình thế nào đây?

Nếu bạn đang trải qua nhũng dấu hiệu trên, hãy thử làm điều gì đó để cải thiện tình hình sức khỏe của mình. Công việc dồn dập liên tục có thể là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy đuối sức. Chính vì vậy, khi phát hiện mình gặp khủng hoảng, bạn nên cầu cứu những người bạn của mình. Trò chuyện với chuyên gia tâm lí, người thân cũng là một cách giải tỏa stress rất hiệu quả. Trong cuốn sách “Liệu pháp giảm stress cho những người bận rộn” của Carol A. Turkington có đề cập đến những biện pháp sau:

- Học cách nói “Không” với những đề nghị không thích hợp. Ví dụ như một đồng nghiệp cứ nhờ bạn đi photo tài liệu mãi, hãy từ chối vì bạn cũng cần phải hoàn thành công việc của mình.

- Cân nhắc mục tiêu của mình. Nếu bạn chưa thực sự có đủ khả năng, bạn cũng nên hoạch định một mục tiêu rõ ràng. Ai cũng thích thành công nhưng những tham vọng xa vời có thể chỉ làm bạn stress hơn thôi.

- Có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi thật tốt. Ngoài ra, bạn cũng nên dành một ít thời gian để tập luyện thể dục. Một thể chất tốt sẽ giúp bạn sáng suốt hơn trong công việc.

Cuối cùng, hãy nhớ đừng bất công với bản thân. Bạn có quyền được nghỉ ngơi dù công việc của bạn có thể cực kì quan trọng. Đừng ép bản thân làm việc quá sức nếu bạn không muốn mình ngã gục vì stress dồn dập. Mỗi ngày bạn nên dành một ít thời gian để thư giãn, giải trí… Đây là lúc để bạn nạp lại năng lượng và sự phấn khởi cho mình.

Chúc các bạn làm việc thành công.

Ngọc Mai (dịch từ trang Career Builder)