itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / NATO sẽ tấn công hạt nhân để ngăn chặn hạt nhân?

NATO sẽ tấn công hạt nhân để ngăn chặn hạt nhân?

Tên lửa Trident của Anh.

Phương Tây cần phải sẵn sàng dùng đến một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu để có thể ngăn chặn sự lan tràn của vũ khí hạt nhân và vũ khí huỷ diệt hàng loạt "đang sắp diễn ra". Đó là quan điểm của 5 trong số những chiến lược gia và quan chức quân đội cấp cao nhất của phương Tây.

Trong khi kêu gọi cải tổ tận gốc và triệt để tổ chức NATO cũng như tạo ra một hiệp định mới kéo Mỹ, NATO, EU lại gần nhau hơn trong "chiến lược vĩ đại" nhằm giải quyết những thách thức của một thế giới ngày càng tàn bạo, các cựu tư lệnh lực lượng vũ trang của Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Hà Lan đã nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công hạt nhân "phủ đầu" vẫn sẽ là một "công cụ không thể thiếu" đơn giản chỉ là vì "không có triển vọng thực tế nào về một thế giới không có hạt nhân".

Những nội dung trên đã được viết ra sau khi 5 vị tướng lĩnh cấp cao có các cuộc thảo luận với những nhà lập chính sách và tướng lĩnh đang tại vị. Nhiều người trong số này không thể hoặc không sẵn sàng công khai đưa ra quan điểm trên. Bản đề nghị trên đã được trình lên Lầu Năm Góc ở Washington và Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer trong thời gian 10 ngày vừa qua. Những đề nghị trong đó có thể sẽ được đưa ra thảo luận tại một hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest trong tháng 4 này.

"Nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân sắp xảy ra và khi đó, nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân, mặc dù sẽ có sự hạn chế về phạm vi, là rất có thể xảy ra," các tác giả nhận định trong bản kế hoạch chi tiết dài 150 trang về những cải cách cần thiết trong chiến lược và cơ cấu quân sự của phương Tây. "Một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu sẽ là vũ khí tối thượng trong việc ngăn chặn các nước sử dụng các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt."

Các tác giả - Tướng John Shalikashvili, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ đồng thời là cựu lãnh đạo tối cao của Nato ở Châu Âu; Tướng Klaus Naumann, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức đồng thời là cựu chủ tịch Uỷ ban Quân sự NATO; Tướng Henk van den Breemen, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Hà Lan; Đô đốc Jacques Lanxade, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp; và Lord Inge, Đại nguyên soái và là cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh - đã vẽ ra một bức tranh đáng báo động về những mối nguy cơ và thách thức đối với phương Tây sau sự kiện ngày 9/11. Những tướng lĩnh quân đội cấp cao trên cũng đã đưa ra một nhận định bi quan về khả năng đương đầu với những nguy cơ trên của phương Tây.

5 vị tướng trên khẳng định các giátrị và cách sống của phương Tây đang bị đe doạ, nhưng phương Tây đang nỗ lực kêu gọi ý chí, sự đoàn kết của mọi người để bảo vệ chính họ. Những nguy cơ chính bao gồm:

- Sự cuồng tín vào chính trị và tôn giáo.

- Những "mặt trái" của quá trình toà cầu hoá, bao gồm khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức là sự lan tràn vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

- Sự thay đổi khí hậu và an ninh năng lượng, dẫn đến cuộc chạy đua tranh giành các nguồn lực cũng như tình trạng di trú "môi trường" trên quy mô lớn.

- Sự suy yếu của các quốc gia cũng như các tổ chức Liên Hợp Quốc, NATO và EU.

Trên tất cả, các vị tướng lĩnh cấp cao này kêu gọi một sự cải tổ các phương pháp đưa ra quyết định của tổ chức NATO, một "ban lãnh đạo mới" của Mỹ, EU và NATO nhằm đối phó nhanh chóng được với các cuộc khủng hoảng, và chấm dứt sự "gây khó" cũng như "cạnh tranh" của EU với NATO.

Ngay sau cuộc tranh cãi gần đây nhất về hoạt động quân sự của NATO ở Afghanistan gây ra do nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates rằng các nước đồng minh không thể chống lại các cuộc nổi dậy của phiến quân Afghanistan, 5 vị tướng lĩnh trên cũng tuyên bố rằng tương lai của NATO nằm ở tỉnh Helmand (thuộc Afghanstan).

"Uy tín của Nato đang bị đe doạ ở Afghanistan. Nato đang ở ngã ba đường và có nguy cơ bị thất bại," ông Van den Breemen phát biểu.

Trong khi đó, tướng Naumann trực tiếp đưa ra những chỉ trích gay gắt đối với hoạt động của quân đội nước ông ở Afghanistan. "Đã đến lúc Đức cần phải quyết định xem nước này có thực sự muốn trở thành một thành viên đáng tin cậy của NATO hay không." Bằng cách nhấn mạnh đến "những quy định đặc biệt" của quân đội Đức ở Afghanistan, chính phủ của bà Merkel đã góp phần vào việc "giải tán tổ chức NATO".

Ron Asmus, người đứng đầu Nhóm cố vấn German Marshall Fund ở Brussels đồng thời là cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã miêu tả bản kế hoạch của 5 vị cựu tướng lĩnh "là một lời kêu gọi NATO hãy tỉnh giấc".

Theo VnMedia