Richard Clayderman: 'Tôi chỉ là người chơi nhạc bình dân'
Nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng cho biết, trong các show ông chú trọng vào việc làm vừa lòng số đông khán giả bằng tiếng đàn, chứ không phải không gian biểu diễn.
- Gần 14 năm từ lần đầu tiên đến Việt Nam năm 1999, ký ức về đất nước này trong ông thế nào?
- Lần trước khi đến Việt Nam, tôi biểu diễn tại TP HCM. Điều làm tôi nhớ mãi về đất nước của các bạn đó là có rất nhiều người sử dụng được tiếng Pháp. Đến giờ tôi vẫn còn tiếc vì chưa có dịp học tiếng Việt trước khi quay lại biểu diễn tại Hà Nội lần này.
- Cảm xúc của ông cho lần trở lại biểu diễn này ra sao?
- Tôi được biết 10 năm trước các đĩa nhạc của tôi được bán rất nhiều tại Việt Nam, nên hy vọng nhạc của tôi đến nay đã khá phổ biến với các bạn. 14 năm cũng là một khoảng thời gian đủ dài. Tôi nghĩ thời điểm này là phù hợp để quay lại biểu diễn. Biểu diễn ở một khán phòng lớn và được gặp gỡ những con người mà tôi chưa từng được gặp trước đây là điều khiến tôi vô cùng háo hức.
- Gần 40 năm hoạt động, giờ đây ông nhận thấy cảm xúc khi những ngón tay lướt trên phím đàn có gì khác biệt so với lần đầu tiên biết đến cây đàn Piano?
- Thực sự tôi không kiểm soát cảm xúc của mình khi chơi nhạc. Cảm xúc mỗi khi chơi đàn đều đến một cách tự nhiên và tôi cũng không có ý định điều khiển nó. Tôi cũng không nhớ được cảm xúc của mình khi chơi đàn khoảng 30 hay 40 năm trước.
- Trong số những bản nhạc ông từng chơi, bản nào có tác động mạnh mẽ nhất và luôn gợi cảm hứng cho ông khi ngồi bên cây đàn?
- Chắc chắn là bản Ballade pour Adeline. Đó là một bản nhạc nhẹ nhàng, du dương và vô cùng tinh tế, vì thế nó rất dễ chạm tới trái tim người nghe.
- Khi chơi nhạc, ông thường nghĩ đến điều gì?
- Tôi luôn cố gắng chơi tốt nhất có thể để trở thành một người “diễn giải âm nhạc”, truyền tải đầy đủ và chính xác nhất thông điệp âm nhạc của tác giả đến với người nghe.
- Ai là người có sức ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách chơi nhạc của ông?
- “Khẩu vị” và thiên hướng âm nhạc của tôi chịu ảnh hưởng lớn bởi các nhóm nhạc nổi tiếng như The Beatles và các ca sĩ như Francis Cabrel, Alain Souchon và Barbara Streisand.
- Ông ấn tượng với nghệ sĩ đương thời nào?
- Tôi rất hâm mộ nhạc Jazz và những nghệ sĩ như Pat Metheny, Michel Petrucciani, Chick Corea…
- Thông thường Piano hay được biểu diễn ở những nơi sang trọng như nhà hát, nhưng ông lại sẵn lòng chơi đàn ở bất cứ đâu, kể cả nơi không gian “loãng” như sân vận động. Điều này khiến ông bị một số nhà phê bình âm nhạc đánh giá thấp. Bản thân ông cảm thấy thế nào?
- Trước tiên cần phải khẳng định tôi không phải là người chơi nhạc cổ điển. Tôi là người chơi nhạc bình dân, chơi những bản nhạc phổ biến và tôi không có ý định giới hạn những buổi biểu diễn của mình trong những nhà hát opera sang trọng hay những không gian âm nhạc quá nghiêm túc.
Một số người chỉ trích tôi về điều này, nhưng số đó ít thôi. Hầu hết mọi người không quan tâm tôi biểu diễn tại đâu. Họ chỉ quan tâm tới âm nhạc và việc tôi có làm họ vừa lòng hay không.
- Đã bao lần, vấn đề tài chính tác động đến việc chơi nhạc của ông?
- Trước khi bắt đầu sự nghiệp là một nghệ sĩ solo, phải thú nhận rằng, tiền bạc luôn là một vấn đề với tôi. Có một sự thật mà mọi nhạc sĩ đều từng trải qua là họ luôn phải phụ thuộc vào các nghệ sĩ khác. Đã có thời tôi phải tạm từ bỏ ước mơ cá nhân để đi làm nhân viên ngân hàng và sau đó là đệm nhạc cho những ban nhạc đương thời, góp nhặt từng đồng một trang trải cuộc sống. Tôi như cái bóng trong ban nhạc. Nhưng may mắn là từ khi phát triển sự nghiệp solo, tôi đã không còn phải trải qua tình cảnh đó nữa.
- Ai cũng có một câu chuyện tình lãng mạn trong đời. Ông thì sao?
- Hiện nay, người ta sống lâu hơn so với hàng trăm năm trước. Vì thế, chắc chắn họ cũng có nhiều mối tình trong đời hơn xưa. Typhanie, người vợ thứ ba, là người mang lại cho tôi một tình yêu mãnh liệt ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Và cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn rất hạnh phúc bên nhau. Xin chúc cho mọi người trên thế giới đều tìm được tình yêu của đời mình.
Đêm nhạc "Richard Clayderman cùng VPBank" diễn ra tối 23/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với sức chứa 3.000 khán giả, kéo dài trên dưới 90 phút. Richard Clayderman sẽ trình diễn nhiều bản nhạc quen thuộc của ông, trong đó sẽ có nhiều bản nhạc trong album mới nhất mang tên Romance. Nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới sẽ lưu lại Việt Nam trong ba ngày từ 22 đến 24/8. Khi tới thủ đô Hà Nội vào ngày 22/8, Richard Clayderman sẽ có buổi giao lưu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia - đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện. |
Nguyên Minh – Trần Hằng thực hiện/ VnExpress
Tin đã đăng
- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: 'Thấy buồn và quá mệt mỏi'
- Giật mình với một cách làm mới cải lương
- Quán quân Vietnam’s Got Talent từng bán sách dạo và làm bồi bàn
- Quốc Trung ngồi ghế nóng Giọng hát Việt 2013
- Giám khảo chỉ làm trò mua vui!
- NSND Lệ Thủy đắt sô quanh năm
- Làm mới nhạc xưa: Không dễ!
- Gặp lại “bụi cỏ” Thanh Tùng
- Hài truyền hình, cười không nổi!
- Trao bản quyền bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ