itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thể thao quốc tế / Thời đại kim tiền

Thời đại kim tiền

John Terry

Không ở đâu có thể tốt hơn đối với John Terry như ở Stamford Bridge. HLV Jose Mourinho đã từng nói vậy. Nhưng người đội trưởng của Chelsea không cho là thế. Anh cảm thấy những gì có được như hiện nay là chưa thỏa mãn.

Terry đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của lãnh đạo Chelsea và điều đó khiến tất cả bất ngờ. Nâng mức lương của anh lên thành 121.000 bảng/tuần nếu ký hợp đồng mới ư?

Hoặc tăng lương, hoặc tôi sẽ ra đi!

Terry đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của lãnh đạo Chelsea và điều đó khiến tất cả bất ngờ. Nâng mức lương của anh lên thành 121.000 bảng/tuần nếu ký hợp đồng mới ư? Đối với anh, như thế là chưa thỏa đáng. Bởi với khoản thu đó, anh chưa phải là “Số 1” ở Stamfrod Bridge. Nó chỉ giúp anh sánh bằng kỷ lục về tiền lương mà Shevchenko và Ballack đang nắm giữ. Terry cho rằng, anh xứng đáng được hưởng nhiều hơn 2 người đồng đội nói trên bởi anh có thâm niên hơn tại Chelsea và có vai trò quan trọng hơn ở vào thời điểm hiện tại. Tối hậu thư đã được Terry đưa ra: “Hoặc lãnh đạo CLB phải đáp ứng, hoặc tôi sẽ ra đi!”.

Terry có phạm luật nếu đơn phương hủy hợp đồng?

Điều IV trong quy chế chuyển nhượng cầu thủ của FIFA ghi rất rõ: Một cầu thủ dưới 28 tuổi có thể đơn phương hủy hợp đồng với CLB chủ quản. Miễn là hợp đồng đó đã được thực hiện ít nhất 3 năm kể từ ngày ký. Terry năm nay mới 26 tuổi. Anh gia hạn ở lại Stamford Bridge thêm 5 năm, bắt đầu tính từ tháng 11/2004. Nghĩa là tới tháng 11 này, người đội trưởng của Chelsea có thể đường đường chính chính tìm cho mình một “bến đậu” mới. Dĩ nhiên, để thực hiện điều đó, anh phải tự bỏ tiền túi bồi thường 2 năm hợp đồng còn lại cho đội bóng thủ đô London.

Tình nghĩa ở đâu?

Cứ cho mức lương 67.000 bảng/tuần hiện giờ của anh là thấp thật. Và Terry đã đúng khi thấy rằng anh cần phải được cải thiện thu nhập. Nhưng khi đưa ra lời đề nghị “trên trời” kia, không biết Terry đã suy nghĩ kỹ càng hay chưa. Nếu anh xem đó là một đòi hỏi chín chắn, vậy thì tình nghĩa ở đâu? Ai đã cưu mang và tài bồi cho anh kể từ khi anh còn là cậu nhóc 14 tuổi. Chelsea chứ ai! Mà khi đòi lãnh đạo CLB phải trả cho Terry mức lương kỷ lục ở Stamford Bridge, anh có nghĩ đến những đồng đội khác. “Vua phá lưới” Premiership 06/07 với 20 lần làm tung lưới đối phương, Drogba, hiện cũng chỉ có thể mỗi tuần bỏ túi 91.000 bảng tiền lương. Cái ngưỡng ấy còn thua xa lắm so với con số 121.000 bảng/tuần mà lãnh đạo Chelsea đã đề nghị để đổi lấy lời cam kết gắn bó với CLB đến năm 35 tuổi của Terry.

Bắt chước Roy Keane hay đua theo Becks?

Cách vòi vĩnh của Terry làm nhiều người nhớ lại chuyện đội trưởng Roy Keane đã gây sức ép với Man United sau khi “Quỷ đỏ” giành cú ăn ba lịch sử mùa giải 1998/99 (vô địch Champions League - Premiership - Cúp FA). Hồi đó, Keane đòi được hưởng 40.000 bảng/tuần. Đó là mức lương mà không bất kỳ một ngôi sao bóng đá nào ở thời điểm bấy giờ dám mơ đến. Kết quả là cuối cùng lãnh đạo Man United đã phải nhượng bộ bởi biết rằng, đội bóng của HLV Alex Ferguson không thể không có Keane. Phải chẳng Terry cho rằng, tầm ảnh hưởng của anh ở Stamford Bridge cũng giống như vai trò của Keane tại Man United ngày trước? Và anh có thể giành thắng lợi giống như Keane? Hay là do Terry nhìn thấy người bạn Beckham nhận được bản hợp đồng trị giá 25,6 triệu bảng/năm (trong vòng 5 năm) với CLB Los Angeles Galaxy (Mỹ) mà cảm thấy thèm thuồng và cũng muốn được như vậy? Người đội trưởng của Chelsea có biết rằng, anh không bao giờ có thể sánh được với Becks. Rằng, chỉ riêng cái tên của cựu đội trưởng ĐT Anh này đã là một thương hiệu hái ra tiền (bản quyền hình ảnh, quảng cáo…). Và thực tế là trong khoản tiền 25,6 triệu bảng/năm đó cũng chỉ có 5,1 triệu bảng là lương cứng của Becks.

Tình hình tài chính của Chelsea

Terry đã đưa ra một đòi hỏi quá đà. Anh không biết, hoặc cố tình không biết rằng, đề nghị nâng mức lương của anh lên ngang bằng với mức 121.000 bảng/tuần của Ballack và Shevchenko đã là một nỗ lực hết mình của lãnh đạo Chelsea. Theo hãng kiểm toán nổi tiếng Deloitte, đội bóng thủ đô London đang bị lạm phát về tiền lương. Cụ thể là trong 1 năm, họ phải chi tổng cộng 114 triệu bảng để trả lương cho các cầu thủ trong đội hình 1 của HLV Mourinho. Con số đó quả là kinh hoàng nếu biết rằng, lợi nhuận của Chelsea trong vòng 2 mùa giải vừa qua chỉ có giảm chứ không tăng. Có lẽ Terry do sướng quá đã hóa rồ. Anh không còn nhớ trước khi tỷ phú Roman Abramovich về Stamford Bridge, khoản tiền lương mỗi tháng của anh còm cõi đến mức nào. Có lẽ cần phải nhắc lại một thống kê hết sức đáng chú ý của Deloitt: Tính đến hết mùa giải 05/06, số tiền mà Abramovich tự bỏ ra để bù lỗ và trả lương cho các cầu thủ Chelsea đã lên tới con số 485 triệu bảng.

Thay cho lời kết

Trong bóng đá hiện đại, người ta không quá đề cao vai trò của một cá nhân. Terry cần phải biết rằng, không gì là không thể thay thế. Trên thực tế, có anh trong đội hình đấy, nhưng Chelsea có làm nên được trò trống gì ở mùa giải vừa qua đâu. Họ bị Man United truất ngôi tại Premiership. Họ bị loại khỏi Champions League một cách chóng vánh đến không ngờ… Có thể khẳng định, mùa bóng 06/07 là một mùa bóng thất bại của đội bóng thủ đô London. Terry liệ có bao giờ nghĩ vậy? Liệu trong lúc vẫn còn đang gây sức ép với lãnh đạo Chelsea, anh có nghĩ đến lời nói của ông thầy Mourinho: “Không ở đâu có thể tốt hơn đối với John Terry như ở Stamford Bridge!”?

Đừng để đồng tiền làm mờ mắt hỡi John Terry!

Tiểu Tam