itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Không đơn thuần chỉ là đọc nhiều

Không đơn thuần chỉ là đọc nhiều

Một thời không lâu trước đây, rất nhiều người đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng văn hóa đọc bị lép vế trước nghe nhìn, giải trí qua Internet.

Tuy nhiên, đến bây giờ, sự thành công của các nhà sách, rầm rộ các hoạt động về sách đã là minh chứng cho thấy văn hóa đọc đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong đời sống tinh thần của người dân. Thế nhưng, văn hóa đọc không chỉ đơn thuần là đọc nhiều mà còn là đọc cái gì và đọc như thế nào?
Đọc theo mốt

Thế giới phẳng là tên một cuốn sách rất thành công của nhà kinh tế-xã hội học Thomas L. Friedman. Khi được NXB Trẻ xuất bản tại Việt Nam, nó đã tạo nên một cơn sốt trong thị trường sách. Đi đâu cũng thấy hỏi nhau “Đọc Thế giới phẳng chưa?” và nhiều người xem nó như là một cuốn sách cần phải đọc khi Việt Nam gia nhập WTO.

Tuy nhiên, là một cuốn sách trình bày những quan điểm mới lạ đối với bạn đọc trong nước về xu hướng toàn cầu hóa, Thế giới phẳng không phải là một cuốn sách dễ đọc. Tại cuộc giao lưu giới thiệu về tác phẩm này do NXB Trẻ tổ chức, bạn Thùy Trang, sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đã thú nhận: “không hiểu hầu hết tư tưởng của tác giả”.

Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều bạn trẻ khi đọc tác phẩm trên cũng như một tác phẩm khác rất nổi tiếng của Friedman là Chiếc Lexus và cây ôliu. Thế nhưng, không hiểu là một chuyện, đọc vẫn cứ đọc, như nhận xét của một thành viên tại diễn đàn văn học trên ttvnol.com “ai cũng bàn về nó mà mình không đọc thì thấy lạc hậu quá mà đọc thì chẳng hiểu nó nói gì nhưng vẫn cứ phải đọc”. Thế là dù không thích, không hiểu nhưng bạn đọc nhất là các bạn đọc trẻ vẫn chạy đi mua những cuốn sách mà “mọi người đều đọc” để mình không trở thành người “lạc hậu”.
Trong lĩnh vực kiến thức nhất là kiến thức kinh tế đang là sốt hiện nay việc đọc theo mốt còn có thể lý giải thì trong lĩnh vực văn học, một lĩnh vực đòi hỏi sự cảm nhận của cá nhân thì việc đọc theo mốt cũng không phải hiếm. Cuốn tiểu thuyết Chuyện tình New York của nữ tác giả Hà Kin là một trường hợp điển hình, được quảng bá là “tác phẩm văn học Việt Nam hot nhất trên mạng”, “tác phẩm từ blog đặc sắc nhất”…

Sách kinh tế là một trong những loại sách bán chạy nhất
và cũng chịu ảnh hưởng của việc đọc theo mốt. Ảnh: T.V.

Và cũng giống như Thế giới phẳng, bạn trẻ nhất là những ai hay lên mạng Internet (mà bây giờ đã là trẻ mấy ai lại không biết mạng) đều phải ít nhất một lần nhận câu hỏi “Đọc Chuyện tình New York chưa? Chưa à, đọc đi, hay lắm”… Và cứ thế, một tác phẩm mà giới phê bình đánh giá “trung bình kém” thậm chí có cả một ấn bản “hai ngôn ngữ” khá lố lăng nhưng vẫn tà tà đứng nhất nhì trong bảng xếp hạng sách bán chạy của một trang web bán sách lớn nhất Việt Nam.
Định hướng văn hóa đọc

Trong một cuộc họp báo tổ chức tại TPHCM cách nay hơn 1 năm, giữa lúc nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu xã hội đang mạnh mẽ đưa ra ý kiến rằng ngày nay người ta ít đọc do bị các loại hình giải trí khác như điện ảnh, game điện tử… lôi cuốn và văn hóa đọc đang suy thoái thì ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (FAHASA) đứng lên khẳng định như đinh đóng cột: “Người dân vẫn đọc sách rất nhiều và thậm chí ngày càng nhiều hơn” với minh chứng cực kỳ cụ thể: chỉ tính riêng ngành phát hành sách đã thu lợi hơn 1.200 tỷ đồng/năm, nhà sách mọc lên như nấm, sách cũng đa dạng hơn với các loại sách kỹ thuật số, và một minh chứng nữa không hay ho là các đầu nậu sách vẫn bất chấp tất cả để làm sách lậu vì lợi nhuận rất cao. Tất cả chứng tỏ một điều: đọc sách vẫn là một nhu cầu quan trọng trong đời sống văn hóa và bất chấp những loại hình giải trí hấp dẫn khác, người dân vẫn đọc sách ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, đọc nhiều không có nghĩa là văn hóa đọc phát triển. Điển hình như hiện tượng đọc theo mốt đang dẫn đến tình trạng bạn đọc nhất là bạn đọc trẻ đánh mất dần sự cảm nhận cái hay cái đẹp của riêng mình mà chuyển qua cảm nhận theo số đông. Trong trường hợp này đọc nhiều lại trở thành hại khi việc đọc chạy theo mốt sẽ dẫn đến ca ngợi theo phong trào những giá trị phi văn hóa mà thực tế đã và đang diễn ra.
Một thời gian dài, lời kêu gọi cứu văn hóa đọc tập trung vào việc “đọc nhiều” nhưng đến nay “đọc gì” mới là điều quan trọng trong việc phục hồi văn hóa đọc. Nhưng để định hướng việc đọc sách lại không chỉ để mặc bạn đọc tự chạy theo phong trào mà rất cần sự trợ giúp của các nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu nhằm giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm thật sự có chất lượng tốt.

Tường Vy