itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Tốc độ của sự đọc

Tốc độ của sự đọc

Thần đồng Mỹ Adora có thể đọc mỗi

ngày 2 - 3 cuốn sách

“Người trẻ bây giờ ít đọc sách”. Câu hỏi ấy xuất phát từ sự phàn nàn lo lắng thái quá về tình trạng xuống cấp văn hoá đọc trong giới trẻ.

1. Bạn có thể bán tín bán nghi về chuyện báo chí Mỹ đưa tin cô bé Adora Svitak - thần đồng văn chương - năm nay 10 tuổi đã có sức đọc phi thường: mỗi ngày có khả năng “ngốn” trung bình 2 - 3 cuốn sách.

Có lẽ đúng. Với một thần đồng.

Ngày trước, cứ đến các quầy cho thuê sách kiếm hiệp, truyện tình mộng ở chợ quê mà tìm thì thể nào cũng phát hiện ra nhiều cô cậu học trò thần đồng đọc nhanh kiểu này. Học trò thời đó vì đồng tiền chắt góp ít ỏi, hạn chế thời gian thuê nên phải tranh thủ gặm những cuốn tiểu thuyết dày với tốc độ nhanh đến nỗi… chủ tiệm sách rầu lòng. Ngày đó trẻ con không có gì để chọn ngoài thế giới của sách. Mọi thời gian đều được bọn trẻ lén lút tận dụng chìm đắm vào trang sách. Có đứa để sách hộc bàn đọc lấm lét, có đứa leo lên cây ngồi đọc đến độ ngủ quên té chúi mũi, cũng có đứa bị đánh đòn vì mê sách để cơm khê…

2. Mới đây, trên kênh VTV6 có một chương trình phỏng vấn nóng độc giả trẻ tại các nhà sách xoay quanh vấn đề: “Người trẻ bây giờ ít đọc sách”. Câu hỏi ấy xuất phát từ sự phàn nàn lo lắng thái quá về tình trạng xuống cấp văn hoá đọc trong giới trẻ. Ống kính phóng viên lia qua những giá sách phong phú và dừng lại ở nhiều ý kiến thành thực. Trong đó, không ít người trẻ cho rằng, chả việc gì phải lo lắng cho sự đọc. Vì đa số họ là những học sinh, sinh viên đi nhà sách thường xuyên. Có người mỗi tuần đọc được 6 - 7 cuốn sách.

Nhưng vấn đề là họ thường đọc loại sách gì?

Nhiều trong số những người trẻ trả lời trên truyền hình rằng: tôi đọc truyện tranh, những sách giải trí nhẹ nhàng, truyện cười…

Tốc độ đọc nói lên điều gì? Có lẽ, trừ thần đồng kiểu như Adora, nhìn vào thực tế số đầu sách trong ngày của một người trẻ cầm lên đọc thì khoan hãy lạc quan. Thời mà mọi thứ mua sắm tiêu dùng cũng dễ dàng trở thành phương tiện thể hiện mốt (mode) xì-tai (style) thì có lẽ đọc sách cũng là một thứ sản phẩm không kém phần quan trọng để đánh bóng sự hiểu biết của mình. Trong tất cả những đề tài bàn luận về vô số các đề tài trên đời thì những kẻ biết bàn về sách luôn được đánh giá là tri thức và hiểu biết nhất. Khi điện thoại, xe máy, phim ảnh đủ đầy thì không ít người trẻ chọn sản phẩm sách để khẳng định sự hiểu biết của mình. Ngày hôm nay xuất hiện một cuốn sách gây sốc thì hôm sau họ đã có thể chụp lại trang bìa và trích dẫn để khoe lên blog, web cho thiên hạ cùng biết dù có thể chủ nhân chỉ đọc dăm trang, dăm đoạn là bỏ ngang xương để… chạy theo một cuốn sách mới cho kịp thời trang.

3. Mới đây, trong cuộc giao lưu với giảng viên trường ĐH KHXH & NV, nhà văn từng đoạt giải Pulitzer 1993, nay là giáo sư giảng dạy sáng tác tại Mỹ Robert Olen Butler nói: Bạn bè tôi vẫn thường thích đọc nhanh và cập nhật để tụ tập bàn luận sôi nổi về các tác phẩm mới nhất. Có người tự hào về chuyện có thể đọc vài trăm trang mỗi ngày. Tôi bảo họ: “Chẳng việc gì phải hùng hục thế. Xin ông bà làm ơn chậm lại dùm cho!”

Thời buổi khan hiếm thời gian dành cho sách, có lẽ tốc độ đọc nhanh (mỗi ngày 2 - 3 cuốn sách như thần đồng Adora) cũng là điều nên rèn luyện để làm sao tốn ít thì giờ đọc mà thu nhận nhiều nhất.

Nhưng câu hỏi đặt ra là bạn đang chọn đọc loại sách gì; cuốn sách mang lại hiệu ứng khác thế nào với trước lúc bạn đọc nó? Sau hết, kỹ năng biết dừng lại ngẫm ngợi giữa những trang sách, những con chữ để nhận thấy cái hay, cái đẹp, mạch chảy phía sau trang sách kia có lẽ cần hơn các cuộc đua thời trang ồn ào và vội vàng!

Tốc độ đọc nhanh có khi thể hiện khả năng phi thường và cũng có lúc phơi bày sự phô trương vồ vập của độc giả.

Theo SGTT