itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Cần Giờ đổi mới

Cần Giờ đổi mới

Cần Giờ là một huyện ven biển nằm ở phía đông nam của Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm khoảng 50 km. Vào năm 1997, huyện có diện tích 714 km², số dân là 55.173 người, gồm các dân tộc Kinh (80%), Khmer và Chăm.

Huyện Cần Giờ bao gồm thị trấn Cần Thạnh và 6 xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa và Thạnh An. Địa hình chia cắt bởi sông, rạch, không có nước ngọt. Rừng sác và đước, đất rừng chiếm 47,25% diện tích. Huyện Cần Giờ tiếp cận với biển Đông hiện hữu một khu rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam, đó là khu rừng ngập mặn Cần Giờ.

30 năm sau ngày miền Nam được giải phóng, khi nói đến Cần Giờ (TP.HCM) người ta không còn gắn địa danh này với cụm từ “vùng đất chết” bởi những đổi thay và khao khát thay đổi của Cần Giờ hôm nay.
Đánh thức Cần Giờ
Trước năm 1975, vùng đất Cần Giờ còn hoang vu, dân cư thưa thớt, kinh tế chậm phát triển. Thời chiến tranh chống Mỹ, vùng đất hiền hòa này hoang tàn bởi bom và chất độc hóa học. Người ta gọi Cần Giờ là “vùng đất chết”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước tháng 4-1975, việc xây dựng kinh tế mới bắt đầu, nhưng phải ba năm sau đó kinh tế Cần Giờ mới có những bước chuyển. Đến cuối năm 1980, hơn hai vạn hecta rừng bị hủy diệt trong chiến tranh đã được trồng lại, hơn 80% diện tích rừng đước trồng được bảo vệ tốt, nhiều vùng đất trống ở Thạnh An, Long Hòa, Cần Thạnh đã được phủ xanh...
Sự kiện có tính quyết định để phát triển kinh tế Cần Giờ chính là việc hình thành con đường bộ xuyên qua vùng đất sình lầy của Rừng Sác nối nội thành TP với huyện lỵ Cần Giờ. Đó là đường Nhà Bè-Duyên Hải, nay là đường Rừng Sác - “con đường đánh thức Cần Giờ” - được hoàn thành đúng tháng 4-1985.
Ông Đoàn Văn Thu, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, là người sinh ra và lớn lên tại đây, kể lại trước khi có con đường Rừng Sác, từ Cần Giờ lên TP phải đi bằng đường thủy mất gần nửa ngày trời. Ai muốn đi gần hơn một chút thì ngồi đò bốn tiếng qua Vũng Tàu, rồi đi xe đò ngược lên TP.HCM. Niềm mơ ước của người dân Cần Giờ là có con đường xuyên qua huyện. Bởi vậy khi nghe chủ trương của TP, cả huyện rất mừng.
Có đường, Cần Giờ thật sự chuyển mình. Lần đầu tiên người dân được thấy những chuyến xe TP.HCM - Cần Giờ. Đến năm 1990 Cần Giờ bắt đầu kéo lưới điện quốc gia. Hiện đã có sáu trong số bảy xã thuộc huyện được sử dụng nguồn điện này. Không dừng lại ở đây, năm 1990 TP quyết định nâng cấp và mở rộng đường Rừng Sác lên qui mô sáu làn xe, lộ giới 42m.
Ôm rừng vươn ra biển
Là một huyện ven biển nhưng trước đây kinh tế Cần Giờ lại gắn với nông nghiệp. Đến năm 2000, Cần Giờ mới tìm ra mô hình kinh tế thích hợp là nuôi trồng thủy hải sản.
Sau năm năm chuyển đổi, kinh tế Cần Giờ đã có những khởi sắc. Số liệu cho thấy giá trị bình quân mỗi hecta nuôi trồng thủy hải sản cao gấp 20 lần trồng lúa và lợi nhuận từ nuôi trồng thủy hải sản mang lại gấp 80 lần. Thủy sản góp 32% vào phát triển kinh tế chung của huyện. Hiện nay rừng chiếm 53% diện tích của huyện. Rừng cũng tạo ra việc làm cho người giữ rừng, góp phần phát triển du lịch...
Ông Đoàn Văn Thu thông tin: hồ sơ về điều chỉnh qui hoạch chi tiết khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã được UBND TP hoàn chỉnh trình Thủ tướng phê duyệt. Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trong phạm vi 827ha (từ mép bờ lấn ra biển 2km) sẽ là một trung tâm dịch vụ du lịch và một khu ở theo mô hình phát triển mới, khu trung tâm thương mại dịch vụ công cộng và các khu chức năng đặc biệt như công viên bảo tàng sinh thái biển, khu du lịch tắm biển, khu vui chơi thể thao biển tập trung, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp…
Thêm chính sách, nước sạch và cầu đường
Để phát triển hơn nữa, Cần Giờ vẫn còn nhiều trăn trở. Hiện nay nguồn nước sạch cung cấp cho Cần Giờ phải chở từ nơi khác về bằng sà lan, sau đó phân phối đến từng hộ dân. Mỗi năm thành phố bù lỗ tiền vận chuyển nước sạch cao hơn ngân sách thu trên địa bàn huyện 11 tỉ đồng. Vì vậy tuyến ống cấp nước nối từ Nhà Bè để dẫn nước về Cần Giờ dự kiến triển khai vào cuối năm nay được nhiều người mong đợi.
Dịch vụ du lịch sinh thái cũng chưa phát triển đồng bộ; giao thông đường sá còn cách trở. Chính sách kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái cho Cần Giờ chưa rõ ràng. Qui hoạch đã làm một năm nay nhưng mới triển khai vài dự án do TP chưa có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai... Các đơn vị tìm đến đây chỉ dừng lại ở mức thăm dò, nghiên cứu. Một khó khăn khác của Cần Giờ là bộ máy, năng lực cán bộ thực hiện dự án còn yếu kém.
Theo lãnh đạo Cần Giờ, 15.700 tỉ đồng là dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng của Cần Giờ trong năm năm tới (bình quân hơn 3.100 tỉ đồng/năm). Mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong năm năm tới là về giao thông: hoàn thành nâng cấp nhựa đường Rừng Sác, đường Lý Nhơn, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, đường nội trấn Cần Thạnh, đường ven biển Cần Thạnh - Long Hòa và hàng loạt tuyến đường khác...
Ba mươi năm qua, Cần Giờ trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn và thử thách. Bằng công lao và sự cố gắng không ngừng của nhân dân và chính quyền trong nhiều năm qua, Cần Giờ hiện tại đã chuyển mình từ một “vùng đất chết” trở thành vùng đất nhiều hứa hẹn phát triển của tương lai...
Hiện nay Cần Giờ đã trở thành Khu Du Lịch Sinh Thái. Rừng Ngập Mặn Vàm Sát là một trong 2 khu du lịch sinh thái phát triển bền của thế giới tại Việt Nam. Khu vựt sân chim và Vàm Sát cũng đã được UBND thành phố phê duyệt khoanh vùng quy hoạch chim thú rừng tại rừng phòng hộ Cần Giờ nhằm mục đích bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển, tạo nơi tham quan học tập, nghiên cứu và giáo dục cho nhân dân Thành Phồ, du khách trong và ngoài nước. Cần Giờ cũng là một huyện ven biển vì thế hàng năm người dân nơi đây thường tổ chức lễ hội nghinh Ông.

Tương bừng lễ hội nghinh Ông.

Theo thông lệ, hàng năm cứ vào giữa tháng 8 âm lịch, những ngư dân huyện Cần Giờ (TPHCM) lại tổ chức linh đình lễ hội nghinh Ông nhằm tưởng nhớ công ơn cá Ông (cá voi) và cầu an cho nghề đi biển.

Năm nay, lễ hội nghinh ông kéo dài từ ngày 14-17/8 âm lịch (tức từ ngày 24-27/9). Từ sáng sớm, tại trung tâm văn hóa xã Cần Thạnh đã diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi náo nức như đan lưới, đi kà kheo… thu hút hàng ngàn thanh niên địa phương và khách du lịch tham gia.

Tại lăng Ông Thủy Tướng, những ngư dân đã có mặt trong điện “cốt ông” để thắp hương tưởng nhớ đến cá Ông và cầu an, cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng cho những người đi biển. Trong chánh điện, các vị chủ tế với trang phục chỉnh tề tiến hành lễ rước kiệu của “nam hải tướng quân”.

Đúng 10 giờ, kiệu được rước xuống bến đò Cần Thạnh để đưa ra biển. Hàng trăm chiếc ghe tàu lớn nhỏ được trang trí hoa cờ lộng lẫy, nối đuôi nhau đưa du khách ra biển nghinh ông.

Sau nhiều nghi lễ cúng bái trên biển, đúng 12 giờ trưa, đoàn nghinh ông trở lại nơi xuất phát. Trên bến tàu, hàng ngàn du khách và người dân địa phương đã đổ ra hai bên đường, bày sẵn các lễ vật để “cung nghinh” Ông về. Đoàn rước với đội múa rồng tiên phong, đội đi cà kheo, đội kèn thiếu nhi… đi qua các con phố trong sự chào đón hân hoan và trang trọng.

Đoàn nghinh ông về đến lăng tại chánh điện ban lễ tế tổ chức đại lễ dâng hương, dâng rượu cho “Thủy tướng nam hải”, những người dân thắp hương cầu khấn những điều tốt lành cho vụ mùa mới.

Buổi lễ kết thúc với những vở tuồng hát bội có ý nghĩa cầu chúc một mùa màng bội thu cho ngư dân miền biển.
Cũng nhờ có những lễ hội như thế này đã thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Q.T (Tổng hợp)