itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Mua bán tặng phẩm du lịch: Cần thay đổi tư duy

Mua bán tặng phẩm du lịch: Cần thay đổi tư duy

Bán các sản phẩm du lịch là một trong những nguồn thu lớn bên cạnh việc ăn ở, đi lại của những thành phố du lịch. Kết quả thăm dò cho thấy gần 80% du khách có nhu cầu mua sắm quà tặng, vật phẩm lưu niệm nhưng ở Việt Nam chi phí dành cho việc mua sắm tặng phẩm du lịch lại không cao. Ðâu là nguyên nhân cho việc "lười" chi tiền của khách?

Bất cứ du khách trong nước hay ngoài nước khi đi du lịch đều muốn mua quà lưu niệm cho người thân, bạn bè sau mỗi chuyến trở về. Hàng càng độc đáo, càng mang tính đặc trưng của vùng, miền, điểm đến, càng hấp dẫn càng được bán chạy. Ðây là lĩnh vực thu được lợi nhuận cao, xuất khẩu tại chỗ, không những mang lại giá trị thương mại mà còn có ý nghĩa văn hóa...

Sản phẩm mỹ nghệ - quà tặng du lịch nước ta tuy đa dạng nhưng chưa khai thác hết tiềm năng vốn có, chưa trở thành một trong những mũi nhọn của ngành "công nghiệp không khói". Theo thống kê, bình quân mỗi khách quốc tế chi hết 30 USD cho việc mua sắm vật phẩm lưu niệm khi đến nước ta. Con số đó quả là khiêm tốn nếu đem so sánh với những quốc gia biết làm và tận dụng lợi thế du lịch như Singapore, Thái-lan...

Tại sao khách chỉ thích xem, ngắm mà ít thích mua?

Bạn có thể tìm thấy từ con rối gỗ, tranh thêu, đèn lồng (Hội An), nón bài thơ (Huế), cho đến đá mỹ nghệ (Ðà Nẵng), lụa tơ tằm (Hà Ðông) tại bất cứ một cửa hàng nào... Tuy nhiên, để tìm một điểm mua sắm an toàn, giá cả hợp lý, chất lượng tốt giữa một rừng cửa hàng như hiện nay quả thật không dễ dàng. Hiện tượng các cửa hàng tự ý nâng giá hay lấy nguồn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí "hàng chợ" rồi gắn mác những thương hiệu có tiếng moi tiền du khách là điều vẫn thường xuyên xảy ra. Rất nhiều du khách đã than phiền về tình trạng nói thách giá cũng như chất lượng hàng hóa bán sẵn nhưng tình hình vẫn chưa có cải tiến đáng kể. Vì thế, để tránh tình trạng nói thách dường như đã trở thành thói quen của người bán, tránh mua phải đồ kém chất lượng, khách đành lựa chọn giải pháp ghé các trung tâm mua sắm có niêm yết bảng giá. Nhưng thực tế, đó vẫn chưa phải là nơi tốt nhất vì chưa được đầu tư đúng mức, bán hàng thủ công, mỹ nghệ nhưng lại thiếu món du khách cần. "Tôi không cần mua cái quạt gỗ Trung Quốc mà muốn mua một chiếc quạt lá Việt Nam", Nam, hướng dẫn viên của Công ty 4U Tours tả lại nét mặt ngao ngán của một khách Mỹ khi nói với nhân viên bán hàng. Ðấy là chưa kể họ kinh doanh theo kiểu "cần mua thì bán" chứ không "cần bán cho người mua". Bên cạnh đó còn là phong cách phục vụ mà theo ý kiến của nhiều du khách là "thiếu nhân viên tư vấn về hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm lụa, đồ mỹ nghệ cần có chế độ bảo quản kỹ càng cũng như hướng dẫn sử dụng...". Khách ghé vào cửa hàng nhưng ngắm là chính vì họ chưa hài lòng về hàng lưu niệm được bày bán, ít về số lượng, nghèo nàn về chủng loại, đơn điệu về mẫu mã, chưa nêu bật được nét văn hóa riêng. Sản phẩm dân gian mang "hồn Việt", tiêu biểu của từng địa phương gần như không có. Hàng hóa quanh quẩn cũng chỉ có tranh sơn mài, tranh thêu tay, các sản phẩm bằng thổ cẩm, bằng những nguyên liệu thô sơ, vụng về và thiếu tính thẩm mỹ, chưa kể nội dung, mẫu mã của các sản phẩm đều giống nhau, không có tính sáng tạo, dấu ấn riêng, thậm chí có khách phàn nàn giống mẫu của một vài nước lân cận như In-đô-nê-xi-a, Thái-lan.

Không những khách nước ngoài thờ ơ vì với tính đơn điệu và trùng lặp của sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà cả người tiêu dùng trong nước cũng tỏ ra chán nản. Trang, làm ở bộ phận đối ngoại của một tập đoàn lớn đã kể khổ về việc chọn quà tặng cho đối tác nước ngoài. Nếu chọn tranh sơn mài sẽ là chùa một cột, tranh thêu, đá quý sẽ là Hạ Long, áo dài, hoa cúc... Bạn liệu có mua bức thứ hai nếu đã có một cái ở nhà?

Mới đây sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình "Cửa hàng đạt chuẩn du lịch" nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho nhu cầu mua sắm của du khách quốc tế. Hiện có 30 cửa hàng đạt chuẩn du lịch được gắn biểu tượng chim hạc để du khách dễ nhận biết thông qua những tờ rơi phát kèm. Khách du lịch có thể yên tâm khi đến mua sắm tại những điểm được công nhận đạt chuẩn bởi sự phong phú về mẫu mã, chất lượng hàng hóa, giá cả đến cơ sở hạ tầng và an ninh... đều được bảo đảm. Ðó thật sự là một tư duy điều hành mới cần được nhân rộng và quảng bá rộng rãi.

Theo Nhân Dân