itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Ước mơ ươm những mầm non

Ước mơ ươm những mầm non

Khi tôi đang làm việc với ông Bùi Đình Thời - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành về Chương trình hỗ trợ giáo viên nghèo vùng sâu, vùng cao thì cô Phạm Thị Minh Tân, giáo viên trường tiểu học Hành Minh, mang đơn xin nghỉ phép vào.

Dáng người mảnh mai, vẻ tất bật, cô Tân ngồi xuống ghế đầy nhấp nhổm, vội vàng. Vừa ký, thầy Thời vừa kể cho tôi nghe sơ lược về hoàn cảnh của cô Tân.

Cô Phạm Thị Minh Tân sinh năm 1966, là giáo viên tiểu học, gắn bó với nghề đã hơn 20 năm, được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Trong hơn 20 năm công tác, cô Tân có bốn năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, ba năm đạt giải giáo viên sử dụng đồ dùng dạy học, bốn năm liên tiếp (2003 - 2007) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cấp huyện.

Chú Đoàn Tân Sinh, chồng của cô Tân, là cán bộ Phòng tổ chức của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành. Cô Tân có một con trai và một con gái đang học lớp 8 và lớp 6. Cả hai đều ngoan và học giỏi. Cuộc sống sẽ không có gì đáng phàn nàn nếu như căn bệnh hiểm nghèo không xảy đến với chồng cô. Cách đây vài tháng, chồng cô đi khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM mới biết mình đã mắc bệnh ung thư đại tràng. Mẹ, cha và một em trai của chú đều đã qua đời về căn bệnh này. Một người em khác mới qua đời vì căn bệnh tương tự và một chị gái của chú cũng đang điều trị bệnh ung thư tại Sài Gòn.

Vợ chồng cô chú Tân trong căn phòng trọ tại quận Thủ Đức.

Kết luận của bác sĩ không làm cô chú bất ngờ nhưng cả hai vợ chồng cô chú đều không khỏi xúc động. Thương hai con còn nhỏ dại, cô chú quyết định nghe theo sự sắp xếp của bác sĩ với hy vọng còn nước còn tát. Chút tiền ít ỏi dành dụm được từ đồng lương giáo viên của hai vợ chồng và khoản tiền 15 triệu đồng do Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Nghĩa Hành cho mượn, cùng đóng góp của anh em đồng nghiệp, chú Sinh đã được các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy làm phẫu thuật. Sau phẫu thuật, chú phải ở lại TP.HCM để mỗi tháng hai lần vô thuốc. Khi chú còn khoẻ mạnh thì tiền kiếm được ngoài chi tiêu trong gia đình, còn lại dành phụ giúp hai em chữa bệnh ở Sài Gòn. Giờ chú phát bệnh, cô chú không biết cậy nhờ vào ai ngoài cơ quan và các đồng nghiệp. Nhà neo người, chú bệnh, cô phải nghỉ dạy, theo xuống TP.HCM chăm chồng, hai con nhỏ gửi xuống ở cùng bà ngoại đã 80 tuổi. Mặc dù cơ quan thông cảm tạo điều kiện cho cô nghỉ chăm chồng nhưng theo quy định, cứ nửa tháng cô phải về xin phép nghỉ lại. Tiền đi lại mỗi lần cũng tốn hơn triệu bạc, chiếm gần hết khoản lương 1,5 triệu đồng mà cô đang được hưởng. Việc đầu tiên khi cô trở về Quảng Ngãi là đến phòng giáo dục huyện xin phép gia hạn nghỉ dạy, sau đó mới rẽ về nhà thăm hai đứa con nhỏ còn chưa biết chuyện gì đang xảy ra với cha chúng.

Khi gặp tôi ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành, biết tôi là người bên Chương trình hỗ trợ giáo viên nghèo vùng sâu, vùng cao, trong mắt cô ánh lên chút hy vọng. Tất cả gánh nặng cơm áo, tiền thuốc thang cho chồng, tiền đi về hai lần mỗi tháng… đang trút cả trên vai cô. Nhưng những gánh nặng ấy, những khoản vay mượn từ cơ quan, đồng nghiệp… đều không trĩu nặng bằng sự bấp bênh của căn bệnh chú đang mang.

Vợ chồng cô Tân trước dãy phòng trọ.

Trò chuyện với tôi được vài câu, cô lại quay mặt lén lau nước mắt khiến câu chuyện rơi vào khoảng lặng. Ngôn ngữ nào cũng trở thành vô nghĩa trước nỗi bất hạnh lớn lao mà người giáo viên nhỏ bé ấy đang phải đối mặt. Về quê thì lo lắng việc ăn ở của chồng trong Sài Gòn, vào Sài Gòn lại băn khoăn về cuộc sống của hai con nhỏ ngoài quê. Phút thảnh thơi hiếm hoi lại nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các em học sinh cũng trạc tuổi con mình chỉ biết một việc duy nhất là học… Lúc nhận quà của cá nhân Trưởng Phòng Giáo dục huyện Nghĩa Hành gửi cho chồng, dường như cô không còn đủ dũng khí để che giấu sự mềm yếu của mình nên cứ mặc cho hai hàng nước mắt chảy xuống.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, ngoài việc truyền giảng kiến thức cho học sinh, cô Tân luôn mong ước ươm được những mầm non tươi đẹp cho nước nhà, dạy các em những điều căn bản của đạo lý làm người trước khi trau dồi kiến thức. Bây giờ ước mơ ấy của cô đang bị gián đoạn. Trong căn phòng trọ hơn chục m2 của đứa cháu thuê bên quận Thủ Đức, câu chuyện của cô chú luôn chỉ xoay quanh hai đứa con nhỏ ở quê nhà, và nỗi băn khoăn về công việc ở cơ quan trong mấy tháng cô chú nghỉ phép. Mỗi lần nghe tin mưa lũ ở miền Trung là mỗi lần cô chú thêm phần lo lắng, sốt ruột nhưng bệnh tật khiến cô chú không thể làm được gì khác hơn ngoài việc chờ đợi và hy vọng. Mong rằng, sự chờ đợi và hy vọng của cô chú sẽ được đáp trả bằng một kết quả tốt đẹp, để cô sớm tiếp tục thực hiện ước mơ ươm những mầm non của mình.

Bùi Nhung