itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Games / Cách từ bỏ game

Cách từ bỏ game

Để từ bỏ game rất dễ mà cũng rất khó, phụ thuộc vào nhiều thứ nhưng quan trọng nhất vẫn là ý chí quyết tâm của bạn.

Rất khó để cai nghiện game trong một khoảng thời gian ngắn dưới 6 tháng. Lý do game đã là một sự đam mê ăn sâu vào tiềm thức và đã trải qua một thời gian rất dài. Biểu hiện của những game thủ đã nghiện game online: Ngồi chơi game online hơn 4 đến 5 h/ngày. Những biểu hiện khác: khí sắc trầm, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, buồn ngủ, căng thẳng (dễ nổi nóng trong các cư xử thường ngày). Bỏ nhà theo nhóm, ít quan tâm đến đời sống thực tế thờ ơ với các hoạt động xung quanh như học tập, công việc…

Bạn muốn bỏ game thì trước tiên hãy chọn môn thể thao nào đó mà bạn thích để chơi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, học tập. Nếu bạn quá nghiện không thể bỏ liền được, bạn có thể giảm dần thời gian chơi game online và hãy có gắng quên trò bạn đang chơi.

Ngoài ra còn có một số cách cai nghiện game:

1. Bạn hãy quên chuyện online đi. Mỗi lúc rảnh bạn có thể gọi điện thoại tám với bạn bè hoặc rủ vài đứa bạn hàng xóm cùng đi chơi để giải khuây. Sau khi "xả stress" xong, bạn sẽ còn rất ít thời gian. Do vậy, bạn không còn hứng thú online nữa.

2. Khi có thời gian rảnh, bạn hãy mở máy với một quyết tâm cao độ. Sau đó xoá tất cả các trò chơi cài đặt trong máy, tháo cài đặt Yahoo!Messenger, xoá tất cả nội dung trong blog của bạn, rồi tắt máy (trong đau khổ). Tuy điều này có hơi dã man (biện pháp mạnh cho những ai ghiền nặng), nhưng có như vậy bạn mới tốt hơn được. Dù bạn có thèm online đến cỡ nào, thèm game đến cỡ nào thì khi nghĩ tới thời gian cài đặt lại, bạn sẽ hết muốn lên!

3. Nếu dự định ra tiệm net, trước tiên hãy lao đầu vào làm việc nhà (điều này đòi hỏi bạn đấu tranh tư tưởng dữ lắm nhé!). Làm việc nhà xong, tiếp tục. . . tập thể dục (chạy bộ tại chỗ, mang vác vật nặng...). Bạn sẽ "hết năng lượng" và lười ra khỏi nhà.

Theo chuyên gia tâm lí Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lí lâm sàng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai): “Muốn cai nghiện game thành công phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và các chuyên gia tâm lí.

Trường hợp em Thắng (14 tuổi ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã trở lại cuộc sống bình thường trong niềm hân hoan của bản thân và hạnh phúc của cả gia đình. Từng nghiện game nặng, theo bang phái như trong game, Thắng bỏ nhà đi hơn một tuần lễ. Ngoài đường, Thắng cùng các đồng đạo của mình sống nay đây mai đó, hành hiệp việc nghĩa, trong khi ở nhà ba mẹ lo sốt vó, đứng ngồi không yên.

Ngày tìm được Thắng, gia đình đưa cậu ta đến khám tại trung tâm tham vấn tâm lí ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 với trạng thái suy nhược, kém tập trung. Thắng được các bác sĩ tâm lí đánh giá là rối loạn hành vi, có nhiều triệu chứng của căng thẳng kéo dài. Ngay cả mẹ của Thắng cũng không biết tại sao con mình lại bất ngờ bỏ nhà đi bụi để ra nông nỗi này. Bác sĩ tâm lí phải kiên trì theo dõi từng chi tiết nhỏ nhất trong những câu chuyện rời rạc của Thắng, cuối cùng mới khẳng định: Thắng nghiện game online.

Khi nghe những phân tích của bác sĩ, đến lúc này Thắng mới hiểu được toàn bộ câu chuyện của chính mình, và thừa nhận mình đã đến với game online suốt một năm trước đó và thường xuyên bỏ học, ngồi cả ngày trong tiệm game... Thắng bỏ nhà đi “phiêu bạt giang hồ” chỉ vì nghe theo lời rủ rê của các đồng đạo. Đáng chú ý, khi bác sĩ hỏi Thắng nghĩ gì về hành động bỏ học đi bụi, Thắng ngây thơ cho rằng đó như là việc tự nhiên cần phải làm vì hành hiệp giang hồ rất được cộng đồng trên game ủng hộ nhiệt liệt, và còn là cơ hội để tăng nhanh level (!?)

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho Thắng cho biết, việc “đấu tranh” về nhận thức với game thủ này rất khó khăn vì hai thế giới thật và ảo đang lẫn lộn vào nhau trong suy nghĩ của Thắng. Nhưng sau khoảng 10 buổi thăm khám như thế, với liệu pháp chính là lần lượt tháo gỡ từng nút thắt trong những bất ổn về tâm lí, Thắng đã tiến triển rất tích cực, không cần dùng đến viên thuốc nào.

Những ngày đầu về nhà, không được đụng tới bàn phím, Thắng rất dễ cáu gắt... Thấy vậy, mẹ của Thắng cho phép cậu ta mở game online lên, ngay lập tức ánh mắt Thắng trở nên linh hoạt hẳn khi hòa mình vào thế giới ảo. Theo hướng dẫn của bác sĩ tâm lí, việc cắt cơn nghiện của các game thủ phải làm từ từ. Mẹ Thắng không cấm cậu ta bỏ game online ngay lập tức vì sẽ làm Thắng bị sốc, dẫn đến phản ứng lại. Trước mắt, mẹ của Thắng giúp con mình ổn định tâm lí bằng bầu không khí vui vẻ trong gia đình qua các bữa cơm, trò chuyện, đi ra ngoài dạo phố... vào chính những thời điểm “nóng” mà Thắng thường online đi hành hiệp trước kia. Những hoạt động đầm ấm gia đình dần dần gián tiếp cắt giảm giờ chơi game của Thắng.

Như trường hợp của Thắng, nếu gia đình không quan tâm (đưa đến gặp bác sĩ tâm lí) kịp lúc và kiên trì hợp tác với bác sĩ thì Thắng khó có được tình trạng tích cực như thế! Nếu như Thắng rơi vào trạng thái suy nhược cơ thể, tâm thần nặng, gia đình đưa đến các cơ sở y tế đa khoa, trông đợi sự can thiệp về thuốc mà không giải quyết tận gốc vấn đề tâm lí thì cũng không ăn thua gì vì khi khỏe mạnh lại, cơn nghiện game sẽ lại tiếp tục hành hạ Thắng. Điều đó là chắc chắn!”

H.N (tổng hợp)