2012 - Năm của các luật sư
Các ngân hàng đã trải qua 1 năm 2012 ngập chìm trong các vụ kiện tụng và án phạt.
Ánh đèn điện vẫn sáng choang tại các văn phòng luật lớn nhất London cho tới tận đêm khuya. Tuy nhiên, thời thế đã đổi thay. Những luật sư vốn bận rộn làm việc với các hợp đồng mua bán sáp nhập đến tận đêm khuya giờ đây đã về nhà với gia đình. Ngược lại, nhu cầu thuê mướn luật sư giải quyết các vụ kiện tụng tăng đột biến trong bối cảnh các ngân hàng chuẩn bị cho 1 năm tiếp theo ngập chìm trong án phạt và các vụ kiện cáo.
Rủi ro pháp lý mà các ngân hàng lớn phải đối mặt có liên quan đến vụ scandal thâu tóm các lãi suất chủ chốt (trong đó có lãi suất liên ngân hàng London - Libor) đang ngày càng phình to. Gần đây nhất, hôm 19/12, ngân hàng UBS đã phải nộp phạt 1,5 tỷ USD khi các nhà chức trách Anh, Thụy Sĩ và Mỹ tuyên án. Trong vụ việc này, UBS đã thừa nhận với các nhà làm luật rằng ngân hàng này đã liên tiếp bóp méo lãi suất Libor trên phạm vi lớn. Án phạt dành cho UBS được đưa ra 6 tháng sau khi Barclays bị phạt cũng vì tội thâu tóm lãi suất Libor.
Trường hợp của UBS thể hiện những rủi ro mà các ngân hàng lớn phải đối mặt đang ngày càng gia tăng. Vấn đề thứ nhất nằm ở qui mô của án phạt. Khoản tiền phạt mà UBS phải nộp lớn gấp 3 lần so với số tiền của Barclays và lớn hơn rất nhiều so với các dự đoán trước đó. Người ta cho rằng UBS sẽ chỉ phải nộp phạt 1 số tiền nhỏ vì đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra. Theo đánh giá của Moody’s, án phạt dành cho UBS không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến ngân hàng này mà còn ảnh hưởng đến tất cả các ngân hàng hoạt động với qui mô lớn trên thị trường.
Án phạt dành cho UBS lớn như vậy phần lớn là do hành vi phạm tội quá nghiêm trọng: các thanh tra phát hiện ra hơn 2.000 lần các nhân viên UBS cố tình tác động đến lãi suất. Tuy nhiên, điều này cũng khẳng định rằng các nhà làm luật Anh và Mỹ sẵn sàng áp đặt các án phạt nghiêm khắc hơn nhiều so với trong quá khứ. Hơn 20 ngân hàng đang bị điều tra hoặc đang hợp tác với các cơ quan chức năng.
Scandal Libor không phải là thứ duy nhất khiến các luật sư bận rộn. Rủi ro pháp lý mà các ngân hàng phải đối mặt được thể hiện trong báo cáo quý mới nhất của JPMorgan Chase. Ngân hàng này thừa nhận rằng “các khoản lỗ tiềm năng” có liên quan đến luật pháp mà họ phải đối mặt có thể dao động trong khoảng từ 0 cho đến 6 tỷ USD. Chi phí luật pháp JPMorgan phải bỏ ra cũng là 1 con số khổng lồ. Trong 9 tháng đầu năm 2012, ngân hàng này phải bỏ ra 3,8 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm 2011 họ cũng phải bỏ ra 4,3 tỷ USD. Mặc dù khó có thể biết chi phí tại các ngân hàng khác là bao nhiêu, phần lớn các ngân hàng quốc tế đều đang gặp phải điều tương tự như JPMorgan.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết hiện nay ông phải giành tới một nửa thời gian làm việc để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến luật pháp và do đó thời gian gặp gỡ khách hàng và điều hành hoạt động kinh doanh bị sụt giảm đáng kể. Tồi tệ hơn, rủi ro khiến các ngân hàng gặp khá nhiều khó khăn khi huy động vốn và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cho vay của họ. Có lẽ, chỉ có giới luật sư kiếm bộn tiền từ việc thu phí có được niềm vui từ tình trạng này.
Thu Hương
Theo Economist
Tin đã đăng
- Morgan Stanley cắt giảm 1.600 nhân viên ngân hàng đầu tư
- Liệu Mỹ có can dự lâu dài với ASEAN?
- Xăng, dầu thế giới đồng loạt lập đỉnh giá mới
- Campuchia và Trung Quốc cùng “phản pháo”
- Ngoại giao kinh tế cưỡng bức
- Trung Quốc điều tra nghi án táo dính thuốc sâu
- Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức xuống dưới 0%
- Diễn đàn kinh tế cũng nóng vì biển Đông
- Mỹ cắt 33 triệu đô viện trợ cho Pakistan vì bỏ tù bác sĩ nhà Bin Laden
- Hàn Quốc: Nợ nước ngoài tăng lên 411,4 tỷ USD