itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Nước Mỹ và USD hưởng lợi khi thế giới sống trong sợ hãi

Nước Mỹ và USD hưởng lợi khi thế giới sống trong sợ hãi

Khi thế giới lo sợ ngày một nhiều hơn do khủng hoảng tài chính lan rộng, Mỹ - nơi khởi nguồn của mọi rắc rối - hút được rất nhiều tiền đầu tư của thế giới.

Những yếu tố trên đang khiến USD tăng giá, chính quyền của Tổng thống Obama có nguồn tài chính dồi dào khi họ đang thật sự cần tiền để bơm hàng nghìn tỷ USD vào việc cứu các ngân hàng và kích thích kinh tế tăng trưởng. Chính phủ có tiền để chi trả cho những việc đó mà không cần phải nâng lãi suất.

Trong khi thế giới đang hết sức mất tự tin và thiếu vốn, hoạt động tín dụng và đầu tư từ Milan - Ý cho đến Manila – Philippin diễn biến xấu, lượng tiền hướng đến Mỹ dường như đang khiến vấn đề trầm trọng hơn.

Việc dòng tiền chuyển về Mỹ như hiện nay giống như một trò chơi có tổng bằng 0. Một đôla các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư rót vào trái phiếu chính phủ Mỹ cũng chính là đồng đôla mà những nước Đông Âu đang thật sự cần để giải quyết các vấn đề tài chính của họ.

Đồng đôla trên cũng chính là đồng đôla mà nhiều nước châu Phi đang khao khát bởi họ chịu gánh nặng giảm viện trợ và đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, nhiều nước khác thèm muốn mà không thể có được số tiền đang chảy vào Mỹ ngày một nhiều.

Ông Eswar Prasad, một cựu quan chức tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét phần lớn nước có thu nhập thấp đang gặp rất nhiều khó khăn. Khủng hoảng tài chính đang tạo ra làn sóng thứ 3, nguồn vốn vào thị trường các nước đang phát triển đã cạn dần.

Theo Viện tài chính quốc tế, nguồn tiền đến các nước đang phát triển rơi từ mức 928 tỷ USD năm 2007 xuống mức 466 tỷ USD năm 2008 và năm 2009 nhiều khả năng sẽ chỉ còn 165 tỷ USD.

Không hẳn là Mỹ đang đón nhận luồng tiền ồ ạt, trên toàn cầu, nhà đầu tư đang giữ tiền mặt và chuyển tiền đầu tư khỏi những khoản đầu tư mạo hiểm.

Tại Mỹ, nhà đầu tư nước ngoài đã giảm đầu tư khá nhiều. Tuy nhiên khi người Mỹ ngừng những hợp đồng với nước ngoài và trữ USD, khi các Ngân hàng Trung ương, đặc biệt là Trung Quốc mua trái phiếu Bộ Tài Chính Mỹ, Mỹ đang hấp thu được lượng tiền mà trước đây rải rác ở đâu đó. Vì thế, tiền ở nhiều nơi trên thế giới hiện hết sức khan hiếm.

Khủng hoảng tài chính châu Á lặp lại tại Đông Âu?

Đông Âu hiện đang khủng hoảng. Nhà đầu tư tại đây vay nhiều khoản lớn bằng ngoại tệ, chủ yếu là đồng euro và franc Thụy Sỹ, họ sử dụng nguồn tiền này để xây cao ốc và nhà xưởng. Nợ của họ ngày một chồng chất khi đồng nội tệ trượt giá, các ngân hàng thua lỗ, chính phủ buộc phải giải cứu và kêu gọi hỗ trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Nhiều chuyên gia kinh tế học liên kết những gì đang diễn ra hiện nay tại Đông Âu với khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Nhà đầu tư khu vực vay tiền bằng ngoại tệ, sau đó khi đầu tư vào khu vực ngừng lại, đồng nội tệ trượt giá, đặc biệt là đồng bath Thái và rupiah của Indonexia, các nước mất khả năng trả nợ, tỷ lệ thất nghiệp, đói nghèo tăng cao.

Ông Brad Setser, một nhà kinh tế học tại Hội đồng quan hệ quốc tế tại New York, nhận xét Đông Âu hiện nay giống như châu Á cuối thập niên 1990.

Một điều cần nói tới là con đường thoát khỏi khủng hoảng của các nước hiện nay khó khăn hơn thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á trước đây rất nhiều. Châu Á khi đó hồi phục nhờ xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật và Trung Quốc.

Trên thực tế, việc đồng nội tệ hạ giá cũng giúp hàng xuất khẩu của Thái Lan, Malaixia, Indonexia và Hàn Quốc có thêm tính cạnh tranh về giá cả trên thị trường quốc tế.

Điều kiện thuận lợi để hồi phục trước đây nay đã không còn, nhiều nước trước bối cảnh kinh tế đi xuống gặp nhiều khó khăn bởi thế giới không có nhiều nhu cầu đối với hàng hóa của họ.

Báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới cho thấy kinh tế thế giới năm 2009 sẽ suy giảm lần đầu tiên từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai và thương mại toàn cầu sẽ suy giảm mạnh nhất từ đầu thập niên 1980.

Doanh số xuất khẩu của nhiều cường quốc xuất khẩu thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Brazil đều hạ. Tất cả các nền kinh tế đều dễ chịu ảnh hưởng. Những nước xuất khẩu hàng hóa đều phải gánh chịu khủng hoảng tiền tệ.

Các chuyên gia còn lo ngại về khả năng nhiều nước khác như Việt Nam, Philippin, Malaysia, Pakistan và Ecuador gặp nhiều rắc rối.

Thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á, những nước ở tâm điểm của bão tài chính chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá tri đồng nội tệ của họ chủ yếu được neo vào USD. Một khi các ngân hàng trung ương không còn USD, họ mất khả năng tác động đến tỷ giá hối đoái. Hậu quả là đồng nội tệ trượt giá, các nước mất khả năng trả nợ.

Nhiều nước hiện nay đã thả nổi đồng nội tệ. Tuy nhiên hoạt động kinh tế chững lại, các ngân hàng mắc kẹt với khoản nợ lớn, tác động tệ hại của việc này có thể vượt quá tầm kiểm soát của chính phủ.

Chỉ hai năm trước đây, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng không cần đến Quỹ tiền tệ quốc tế - tổ chức trước đây được thành lập ra để cứu nước đang gặp khủng hoảng tài chính.

Thế nhưng cho đến nay, quỹ này đang cố gắng giành được sự hỗ trợ về tài chính từ những nước phát triển để có tiền hỗ trợ cho các nước. Số tiền quỹ cần có thể lên tới 1 nghìn tỷ USD.

Thế giới tin vào Mỹ

Khi cả thế giới lo ngại và chìm trong sợ hãi, nước Mỹ và đồng USD hưởng lợi. Năm 2008, USD tăng giá 13% so với phần lớn các loại tiền tệ lớn khác (sau khi đã điều chỉnh lạm phát). Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tổng giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ lên tới 456 tỷ USD năm 2008.

Ông William Cline, một chuyên gia kinh tế tại Viện kinh tế quốc tế thuộc Washington, nhận xét người ta coi Mỹ là một nơi đầu tư an toàn, nước Mỹ sẽ không bao giờ mất khả năng trả nợ.

Trong vai trò là loại tiền tệ chính sử dụng trong kinh doanh trên toàn thế giới, USD một lần nữa lại khẳng định vai trò loại tiền tệ chính trong dự trữ tiền tệ thế giới.

Chỉ năm ngoái thôi, một số chuyên gia phân tích cho rằng khi kinh tế Mỹ đi xuống, các ngân hàng trung ương sẽ không còn muốn dùng USD trong dự trữ tiền tệ. Điều này cho đến nay được minh chứng là sai.

Trong thời kỳ kinh tế phát triển bình thường, việc USD tăng giá sẽ khiến người Mỹ lo ngại về khả năng xuất khẩu suy giảm do hàng hóa của Mỹ trở nên đắt hơn trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên điều này hiện nay đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ không quan trọng bằng việc thu hút thật nhiều nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ để có thể có tiền cho các kế hoạch giải cứu và nếu USD tăng giá, các nhà đầu tư nước ngoài cũng hưởng lợi.

Ngọc Diệp (Theo IHT)

Nguồn CafeF