itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Thế giới sẽ chuyển qua một hệ thống dự trữ đa tiền tệ

Thế giới sẽ chuyển qua một hệ thống dự trữ đa tiền tệ

Trong bối cảnh đồng Euro ngày càng yếu đi, đồng USD cũng dần giảm vai trò, thế giới sẽ chuyển qua một hệ thống dự trữ đa tiền tệ.

Giấc mơ Euro đã xa
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), NHTW tại các nước đang phát triển đã bán tổng cộng tới 45 tỷ Euro trong năm 2012, giảm lượng nắm giữ đồng tiền này trong giỏ dự trữ của mình tới 8%. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu kéo dài đã tác động tiêu cực đến đồng Euro trong hệ thống tài chính quốc tế.
“Nó vẫn sẽ là đồng tiền quốc tế số 2 nhưng có lẽ tôi không nên nói sẽ có bất cứ triển vọng nào cho đồng Euro để thách thức với đồng USD nữa”, Jeffrey Frankel - giáo sư kinh tế học thuộc Trường Kennedy, Đại học Harvard nhận xét.
NHTW các nước đang phát triển bắt đầu băn khoăn về việc nên dự trữ ngoại hối bằng đồng tiền nào để đảm bảo an toàn, ổn định và có tính thanh khoản tốt nhất? Đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy họ đang có những quan ngại thực sự với đồng Euro. Hiện nay, đồng Euro chỉ còn chiếm khoảng 24% trong rổ dự trữ của các nước này. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2002 và giảm mạnh so với mức đỉnh 31% của năm 2009.
Trong khi đó, dự trữ bằng đồng USD vẫn giữ ở mức ổn định khoảng 60%.
Thị phần đồng Euro trong tổng dự trữ toàn cầu cũng giảm trong thời gian gần đây. Giáo sư Frankel cho rằng phạm vi của khu vực eurozone vẫn giúp cho đồng Euro có tính cạnh tranh nhất định trong vai trò là đồng tiền dự trữ và khả năng sinh lợi nhuận cũng không thấp hơn các nền kinh tế lớn khác. Nhưng các thị trường trái phiếu của Eurozone không còn lớn hoặc có tính thanh khoản tốt như trước đây vì lo ngại của các nhà đầu tư về độ tín nhiệm của các nước thành viên như Tây Ban Nha và Italy.
“Mức độ hội nhập của các thị trường tài chính châu Âu đã có một bước tụt lùi”, ông Frankel nói và nhấn mạnh: “Đây là chiều hướng cho thấy đồng Euro đã mất dần vai trò của mình trong vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế”.
USD nỗ lực giữ vị trí
Theo một số số liệu mới đây, đồng USD đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền lớn khác trong quý I/2013. Cụ thể, USD đã tăng khoảng 3% so với đồng Euro; 9% so với đồng Yen Nhật và 4% so với đồng Bảng Anh trong quý vừa qua. Giới phân tích kỳ vọng, xu hướng tăng của đồng USD sẽ tiếp tục được duy trì trong quý II này khi có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng đang được nhiều NHTW các nước vận dụng.
Các kết quả khảo sát của BofA Merrill Lynch Fund cũng cho thấy các nhà đầu tư đang tin tưởng hơn vào triển vọng của đồng USD. Theo đó, tháng 3 vừa qua ghi nhận xu hướng tăng giá đồng USD cao nhất trong lịch sử của cuộc khảo sát này. Có tới 72% ý kiến được hỏi cho rằng đồng USD sẽ tăng giá trong năm tới.
“Kinh tế Mỹ đang hoạt động khá tốt, nhất là thị trường nhà ở có những khởi sắc và sự độc lập về năng lượng sẽ giúp hỗ trợ cho xu hướng tăng giá của đồng USD”, Michael Hartnett - Chiến lược gia trưởng về đầu tư tại bộ phận nghiên cứu toàn cầu của BofA Merrill Lynch nhận định.
Thực tế, đồng Euro đã có một khởi đầu khá tốt so với đồng USD vào đầu năm nay khi đã tăng giá từ mức 1,32 lên mức đỉnh 1,37 USD vào tuần đầu của tháng 2. Tuy nhiên, giới phân tích xem đây chỉ là sự lóe sáng yếu ớt và sau đó sẽ là sự trượt dài của đồng tiền này. “Đồng Euro không duy trì được động lực tăng giá vì các vấn đề trong phục hồi của châu Âu liên quan đến cả kinh tế và chính trị”, Alessio de Longis - Phó chủ tịch kiêm quản lý danh mục của Quỹ Oppenheimer Currency Opportunities khẳng định.
Các vấn đề liên tục xuất hiện tại các nước thành viên của Eurozone và EU, từ vấn đề nợ của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia… chưa giải quyết xong, nay lại đến vấn đề của Cộng hòa Cyprus. Trong khi đó xét về tổng thể, Eurozone vẫn đang trong nguy cơ tiếp tục suy thoái kinh tế trong năm nay.
Hướng đến hệ thống đa tiền tệ
Theo giới phân tích, đồng Euro có thể lấy lại sự hấp dẫn của mình nếu châu Âu tiếp tục phát triển lên, trở thành một liên minh tài khóa và một thị trường trái phiếu chính phủ duy nhất. Nhưng cơ hội với đồng tiền này cũng có thể đã vĩnh viễn qua đi mà không xuất hiện trở lại bởi những thay đổi quá lớn trong nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy các đồng tiền của các thị trường đang phát triển cạnh tranh mạnh mẽ với cả đồng Euro và đồng USD.
"Những tác động của cuộc khủng hoảng khu vực còn kéo dài; tăng trưởng kinh tế còn rất ì ạch; các lãi suất tại khu vực sẽ duy trì ở mức thấp và mức độ hấp dẫn của các tài sản bằng đồng Euro cũng sẽ tiếp tục thấp đi”, Edwin Truman - Viện sĩ nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Peterson Institute có trụ sở tại Washington, Mỹ bình luận.
Ngay cả với đồng USD, chuyên gia này cũng cho rằng: “Đồng USD dù vẫn duy trì được vị thế trong lúc này nhưng chúng ta cũng thấy đang có sự chuyển dịch dần sang một hệ thống đa tiền tệ”.
Trung Quốc và Brazil tuần trước đã ký một hợp đồng hoán đổi tiền tệ trị giá 30 tỷ USD. Theo đó, mỗi bên có thể vay đồng tiền của nhau trong trường hợp xảy ra những chấn động, khủng hoảng trong hệ thống tài chính quốc tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dự trữ đồng USD sẽ dần trở lên không còn cần thiết. Trung Quốc trong chiến lược của mình cũng đang mạnh tay triển khai các bước nhằm quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Theo Đỗ Lê

Thời báo Ngân hàng