itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Câu chuyện nhập cư ở châu Âu

Câu chuyện nhập cư ở châu Âu

Anh không mặn mà với vấn đề nhập cư.

Với đề xuất về “nhập cư có lựa chọn”, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng đã đến lúc châu Âu từ bỏ luận điệu về một châu Âu khác biệt với Mỹ và vì sự phát triển của thế giới thứ ba.

Hôm thứ 3 ngày 23/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã trình lên Nghị viện châu Âu dự án cấp “thẻ xanh” cho người lao động nhập cư có trình độ cao làm việc trên lãnh thổ liên minh châu Âu với một thời hạn hạn chế. Chính sách này của Ủy ban châu Âu đã được dự kiến từ nhiều năm nay trong bối cảnh dân số các nước châu Âu đang già đi và nền kinh tế nhiều nước thành viên EU đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thiếu nhân công có chất lượng.

Đề xuất này của Ủy ban châu Âu cũng được xem là giải pháp của EU trước áp lực ngày càng tăng của làn sóng người nhập cư không được kiểm soát lên các nước thành viên.

Nhiều chuyên gia dân số cho rằng đề xuất của Ủy ban châu Âu cấp một dạng “thẻ xanh” cho các lao động nhập cư có trình độ cao là một phiên bản của chính sách nhập cư được xem là rất thành công của Mỹ. Chính sách này đã cho phép Mỹ trong nhiều năm liền luôn có được nguồn cung lao động có tay nghề và trình độ cao từ khắp nơi trên thế giới và đặc biệt từ các nước đang phát triển, bổ sung cho dân số Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia về dân số và lao động châu Âu lại cho rằng đề xuất mới của Ủy ban châu Âu nếu được thông qua cũng khó có thể cạnh tranh với chính sách hiện hành của Mỹ. Cho dù với đề xuất này, người châu Âu dường như đã hiểu được rằng việc thu hút các nguồn nhân công có chất lượng cao là một đảm bảo cho sự phát triển của châu Âu trong cuộc chay đua toàn cầu về kinh tế thì trên thực tế, đề xuất này đã bị vô hiệu hóa ngay từ khi nó chưa được trình lên Nghị viện châu Âu bởi nhiều lý do.

Trước hết, nếu như “thẻ xanh” mà người Mỹ đang áp dụng không hạn chế về thời gian thì “thẻ xanh” mà châu Âu đang dự kiến chỉ có giá trị trong 2 năm. Sau 2 năm đầu tiên, người lao động có thể được gia hạn thẻ cư trú nếu vẫn có việc làm hoặc tìm được một việc làm mới. Trong trường hợp ngược lại, họ sẽ phải khăn gói ra đi.

Chính sách “nhập cư có lựa chọn” này đã được Đức thử nghiệm cách đây vài năm và đã không gặt hái được thành công khi chỉ có vài trăm nhân công chất lượng cao từ Bulgaria và Ấn Độ được cấp thẻ thay vì con số 5000 người như kỳ vọng.

Thứ hai, “thẻ xanh” châu Âu cũng bị hạn chế về không gian. Nếu như nền kinh tế Mỹ và nước Mỹ là một thể thống nhất và “thẻ xanh” cho phép người lao động có thể tìm việc làm ở bất cứ đâu thì “thẻ xanh” châu Âu không có giá trị như vậy.

Người lao động nhập cư được cấp thẻ sẽ chỉ có thể tìm việc làm ở một quốc gia duy nhất chứ không phải ở tất cả các quốc gia thành viên của EU. Điều đó có nghĩa là trong khi người châu Âu có thể tự do kiếm việc làm ở khắp 27 nước thành viên thì người lao động nhập cư, dù là có trình độ và tay nghề cao, sẽ bị đối xử một cách bất bình đẳng so với những công dân châu Âu và điều này là một trở ngại không chỉ ở khía cạnh cơ hội việc làm mà còn ở khía cạnh chính trị và tâm lý.

Thứ ba, đề xuất của Ủy ban châu Âu đã không nhận được sự ủng hộ của một số nước thành viên chủ chốt, đặc biệt là Đức. Với kinh nghiệm chính sách nhập cư, người Đức cho rằng đề xuất của Ủy ban là không hiệu quả.

Tuy nhiên, quan điểm này của chính phủ Merkel lại phản ánh một thực tế khác là việc đảng CDU của bà Merkel sắp phải đối mặt với một kỳ bầu cử khó khăn sau 2 năm cầm quyền.

Sự lạnh nhạt của các quốc gia với đề xuất của Ủy ban châu Âu cũng còn bởi sự khác biệt trong cách nhìn nhận vấn đề nhập cư giữa các nước thành viên cũng như cuộc chạy đua giữa họ tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng cho nền kinh tế của riêng mình. Sau khi EU mở rộng từ 15 lên 25 rồi 27, các chuyên gia về nguồn nhân lực châu Âu cho rằng đã có cuộc chạy đua giữa các nước thành viên cũ trong việc lôi kéo đội ngũ nhân công chất lượng cao từ chính các nước thành viên mới gia nhập và kém phát triển hơn.

Nếu như các chính phủ các nước thành viên EU dễ dàng đồng thuận với nhau về các biện pháp hạn chế nhập cư thì cho đến nay, mỗi nước vẫn muốn giữ riêng cho mình thẩm quyền đối với việc mở cửa thị trường lao động cho người nước ngoài. Cách đây vài năm Đức đã đi đầu trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực ngoài châu Âu nhưng không giành được kết quả. Nhưng điều đó không ngăn cản các nước khác tìm cách thực thi chính sách riêng của mình.

Trong kỳ tranh cử Tổng thống hồi giữa năm nay, ông Sarkozy, nay là Tổng thống Pháp cũng đã đặt vấn đề “nhập cư có lựa chọn” như là một trong những nội dung của chương trình tranh cử.

Hơn thế nữa, trong khi các nước châu Âu đang cạnh tranh tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao thì có một nghịch lý là chính các nước này cũng đang phải đối mặt với một sự chảy máu chất xám không thể kiểm soát. Nhiều nghiên cứu ở Pháp trong những năm gần đây đã cho thấy rằng các chuyên gia được đào tạo cơ bản và có trình độ cao (thường là ở trình độ tiến sĩ hoặc hậu tiến sĩ) của nước này trên nhiều lĩnh vực như y tế, sinh học và một số nghành công nghệ cao khác đã không kiếm được việc làm như mong muốn ở châu Âu và đã phải tha hương sang Bắc Mỹ lập nghiệp.

Chính vì vậy, đối với nhiều chuyên gia dân số thì cách tốt nhất để đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển đồng thời không lãng phí các chi phí đào tạo là các nước châu Âu phải giải quyết vấn đề việc làm cho chính các công dân hiện nay của châu Âu rồi hãy nghĩ đến chuyện thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác.

Một lý do nữa để nhiều người lên tiếng chỉ trích đề xuất mới của Ủy ban châu Âu là hệ quả của chính sách nhập cư mới này đối với các nước đang và kém phát triển. Lâu nay nhiều nước châu Âu vẫn chỉ trích chính sách “thẻ xanh” của Mỹ đã góp phần làm gia tăng “chảy máu chất xám” của các nước kém phát triển hơn.

Giờ đây, với đề xuất mới của Ủy ban châu Âu về “nhập cư có lựa chọn”, nhiều người mỉa mai rằng phải chăng đã đến lúc châu Âu từ bỏ luận điệu về một châu Âu khác biệt với Mỹ và vì sự phát triển của thế giới thứ ba.

Đông A