Người Mỹ giàu và nghèo
Ðến California, tiểu bang có nhiều người Việt sinh sống nhất ở Mỹ, tôi không quan tâm nhiều đến hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông hiện đại, các cửa hàng, siêu thị đầy ắp hàng hóa..., mà chăm chú quan sát, tìm hiểu các mối quan hệ xã hội, quan hệ con người với nhau.
Mỹ là quốc gia đa chủng tộc. Trong gần 300 triệu dân, ngoài người Mỹ da trắng, còn đến 7% số người Mỹ da mầu, nhiều triệu người Hoa, người Mỹ gốc châu Mỹ la-tinh, người gốc châu Á, trong đó Việt kiều có hơn hai triệu. Trên các phương tiện giao thông công cộng, nhiều khi phần lớn người da mầu, người Hoa... sử dụng.
Là người dân tộc nào không quan trọng, nhưng hễ sinh sống ở Mỹ, phải tôn trọng luật pháp, làm tròn bổn phận của mình, nếu không lập tức bị phạt, thậm chí bị mất việc làm. Khi thấy người tàn tật đi xe lăn muốn lên, người lái xe buýt vội vã hạ bậc lên xuống để xe lên được, sắp xếp xe lăn vào chỗ quy định, sau đó mới cho xe chuyển bánh. Cảnh sát giao thông Mỹ, cảnh sát giữ trật tự trị an đều là nhân viên mẫn cán và làm việc với trình độ chuyên nghiệp cao.
Có lẽ ý thức nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông của người dân và tính chuyên nghiệp cao của cảnh sát mà trong 45 ngày ở California tôi thường xuyên đi tham quan ở các thành phố trong bang vào các ngày cuối tuần với khoảng cách trên dưới 1.000 km, hay dạo chơi trên các phố ở nội thành mỗi ngày một lần, mà không bắt gặp vụ tai nạn giao thông nào.
Những người sống trong khu nhà chung cư, dù không thân nhau, gặp nhau ở cầu thang máy vẫn chào hỏi nhau, ai nấy cũng muốn nhường cho người khác vào trước, trót chạm vào nhau là xin lỗi, mọi người đều sẵn sàng giúp nhau.
Bang California là một trong những bang giàu nhất nước Mỹ, mà tôi vẫn thấy nhiều công dân Mỹ "vô gia cư". Trời mưa rét, nhiệt độ ngoài trời 5oC-6oC, họ vẫn phải nằm vạ, nằm vật ở góc phố, cuối chợ, hàng hiên. Nhiều người gốc châu Á sống bằng nghề lượm ve chai, nhặt phế thải. Tại các khu buôn bán sầm uất vẫn thấy những người Mỹ da trắng ăn xin. Ngồi trên xe tôi vẫn thấy ở ngã ba, ngã tư người giơ cao biển xin tiền.
Tôi cũng gặp một số kiều dân Nga sinh sống ở TP San Francisco, trong đó có bà Nina Pê-trô-va. Gia đình bà sang đây từ những năm 70 thế kỷ trước. Nay con cái đã phương trưởng, anh con trai làm nghề lái xe ta-xi, cô con gái là nhân viên bán hàng thực phẩm. Ðể được như ngày hôm nay, vợ chồng bà đã phải vật lộn quyết liệt. Khi tôi hỏi cảm nghĩ về cuộc sống ở Mỹ, khuôn mặt thanh tú của người phụ nữ một thời xuân sắc bỗng đăm chiêu, bà bảo: "Người thì đủ loại, cuộc sống không dễ dàng chút nào!"
Người Việt tại California tổ chức ăn Tết. |
Hay ông Victor Gomenco, đến từ TP Kursk, làm nghề bảo dưỡng điện nước ở khu nhà chung cư số 133 Goóc, cũng phải lam lũ suốt cả bảy ngày trong tuần mới mong duy trì được cuộc sống gia đình. Tôi cũng đã gặp một số Việt kiều ở quận Cam, buôn bán ở Trung tâm thương mại Little Saigon (Sài Gòn nhỏ), thăm hỏi tình hình làm ăn.
Họ đều cho biết: "Ðể sống được ở đây, phải lao động vất vả không kể ngày đêm. Ai cũng tất tả ngược xuôi đi kiếm tiền, ai cũng bị bệnh "đô vật" vì giá đất, giá thuê nhà, tiền mua bảo hiểm rất cao. Giá thuê một căn hộ chung cư rộng 80 m2 ở nội đô là 2.000 USD/tháng. Còn để mua một căn nhà một hai tầng, diện tích 60 m2 - 70 m2 giá cũng phải lên đến trên dưới một triệu USD. Người có nhu cầu có thể mua nhà theo phương thức trả góp trong 30 năm. Nhưng sau 30 năm, số tiền người mua trả góp cho chủ nhà đã bằng tiền mua hai căn nhà, vì tiền lãi hằng tháng quá cao.
Tiền mua bảo hiểm thân thể, sức khỏe cũng rất đắt, nan giải, mà đây lại là bắt buộc, không có không được. Ở Mỹ không có bảo hiểm y tế, người bệnh không có khả năng chi trả viện phí. Một cháu bé bốn tuổi, con một cán bộ Việt Nam sang công tác chưa kịp mua bảo hiểm, khi sốt cao phải đưa đi cấp cứu một đêm. Sáng hôm sau xuất viện phải thanh toán 2.000 USD. Sinh con, không có bảo hiểm, một ngày phải thanh toán 5.000 USD.
Nhiều người Việt nói với tôi: "Nay thủ tục xin thị thực đã dễ dàng, nhưng tích cóp đủ 5.000 USD - 6.000 USD để một vài năm về thăm quê hương một lần cũng không phải chuyện đơn giản. Bươn chải, kiếm đủ tiền để duy trì cuộc sống ổn định, cho con cái có tiền đi học... là bài toán khó phải từng ngày, từng giờ động não. Nước Mỹ đâu phải là "miền đất hứa", là nơi "làm chơi ăn thật" như nhiều người từng nghĩ".
Sang Mỹ tôi được mắt thấy, tai nghe sự cách biệt quá lớn giữa hai nền văn hóa. Anh bạn thân của tôi đang công tác tại đó buồn rầu kể lại cho tôi nghe câu chuyện của anh: "Con tôi khó dạy quá vì ở lớp mẫu giáo, cô dặn: "Ai đánh, mắng cứ gọi điện thoại 911 cho cảnh sát (số điện thoại dán ở tất cả các cửa ra vào cầu thang máy). Cuối tháng 12-2007 cháu đã gọi điện mách cảnh sát chỉ vì bị mẹ mắng về tội xem ti-vi và chơi vi tính nhiều. Ở nhà, từ việc bảo cháu ăn, kèm cháu học, bố mẹ gần như phải thương lượng với nó!".
Lối sống và cách giáo dục trẻ em càng sớm tự lập càng tốt ở Mỹ làm bố mẹ, con cái sớm xa cách nhau. Con cái rất sớm tuột ra khỏi vòng tay cha mẹ. Nhiều kiều bào ta định cư ở bên ấy lâu bảo tôi: "Ở đây, chỉ khi nào thấy nhớ, bố mẹ đến thăm con cái, chứ chúng rất ít khi đến thăm bố mẹ. Thỉnh thoảng chúng gọi điện thoại về hỏi thăm đã là tốt rồi!".
Ở Mỹ, người cao tuổi được quan tâm về đời sống vật chất, song lại rất bức xúc về đời sống tinh thần, phải sống trong cô đơn, thiếu thốn tình cảm của con cháu. Con cái chả mấy quan tâm đến việc ai đã sinh thành ra chúng. Ðó là điều làm tôi trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất sau ít ngày ở thăm nước Mỹ.
Trịnh Văn Quý / Nhandan
Tin đã đăng
- Pakistan: Chính phủ mới đứng giữa ngã ba đường
- Công lý sẽ chiến thắng
- Phía sau câu chuyện Kosovo độc lập
- NATO sẽ tấn công hạt nhân để ngăn chặn hạt nhân?
- Năm 2007, năm đột phá của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
- Serbia trước cuộc bầu cử quan trọng và nhạy cảm
- Châu Âu nín thở trước bầu cử Mỹ
- Người giàu xuống đường
- Trung Quốc + Ấn Độ = đối tác chiến lược
- Bắt đầu chọn ứng viên tổng thống Mỹ