itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Nóng bỏng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq

Nóng bỏng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa khoảng 100.000

quân đến biên giới với Iraq.

Từ đầu tháng 10 đến nay tình hình vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq luôn ở trong tình trạng căng thẳng gây sự lo ngại trong khu vực và trên thế giới về nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột vũ trang lan rộng tại đây.

Sự căng thẳng ở vùng biên giới giữa hai nước này bắt đầu bằng cuộc tiến công của lực lượng nổi dậy người Kurd thuộc đảng "Công nhân người Kurd" (PKK) ở miền bắc Iraq vào Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7-10, làm 15 binh sĩ nước này chết. Nhưng từ lâu quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực tự trị miền bắc Iraq vốn tiềm tàng các mâu thuẫn vì các vấn đề liên quan người Kurd.

Người Kurd không phải là người A-rập, họ chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni, sống ở các vùng núi trên vùng biên giới Armenia, Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. PKK được thành lập năm 1978.

Năm 1984 PKK phát động cuộc đấu tranh vũ trang chống Thổ Nhĩ Kỳ với chủ trương thành lập Nhà nước độc lập ở đông - nam nước này cho người Kurd. Tháng 3-1995, Thổ Nhĩ Kỳ huy động 35 nghìn quân tràn qua biên giới ngăn không cho những người Kurd nổi loạn vượt biên giới tiến công Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong các năm sau, thỉnh thoảng Thổ Nhĩ Kỳ lại đưa quân vào lãnh thổ Iraq để truy quét những người Kurd nổi dậy. Ðến giữa năm 1999, đã có ít nhất 30 nghìn người gồm người Kurd nổi dậy, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và dân thường bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn lo lắng trước việc các tay súng PKK sử dụng miền bắc Iraq làm căn cứ địa hoặc hậu cứ để phát động các cuộc tiến công qua biên giới. Ankara còn đặc biệt lo ngại việc người Kurd ở miền bắc Iraq (giành được quyền tự trị năm 1991) đòi mở rộng quyền tự trị của mình sẽ khuyến khích tâm lý ly khai của 14 triệu người Kurd ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Tình hình vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq lần này càng trở nên căng thẳng và phức tạp khi Ủy ban đối ngoại Hạ viện thông qua một số nghị quyết coi vụ thảm sát hơn 1,5 triệu người Armenia dưới thời Ðế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến tranh thế giới thứ nhất là tội diệt chủng. Mặc dù nghị quyết này chưa được Hạ viện Mỹ thông qua nhưng phản ứng giận dữ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc làm nói trên của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đang đe dọa các hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày 17-10 vừa qua, QH Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đề nghị của Chính phủ nước này cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở các cuộc tiến công vào miền bắc Iraq để truy quét các tay súng PKK đang ẩn náu tại đây.

Bất chấp những nỗ lực ngoại giao của Mỹ, Iraq và Liên hiệp châu Âu (EU) kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, giải quyết tình hình bằng đối thoại, Ankara liên tiếp mở các cuộc tiến công vào các vị trí của PKK ở miền bắc Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố rằng, mặc dù tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, song Ankara không thể dung thứ cho những hành động khủng bố và sẵn sàng hành động dù phải trả bằng "bất cứ giá nào" để bảo vệ các quyền, luật pháp, sự thống nhất không thể chia cắt và quyền công dân của nước này.

Cuộc hội đàm khẩn cấp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Iraq A.Q.Jasim ngày 26-10 vừa qua tại Ankara với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ được coi là "cơ hội cuối cùng" làm giảm tình hình căng thẳng ở vùng biên giới giữa hai nước.

Tại cuộc hội đàm này, Iraq đã đưa ra những đề xuất về việc ngăn chặn PKK tiến công qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm: lực lượng liên quân quốc tế tại Iraq sẽ giám sát đường biên giới Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ, lập thêm các tiền đồn quân sự dọc biên giới để ngăn chặn PKK xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Baghdad còn đề xuất đối thoại trực tiếp giữa người Kurd, Iraq và quân đội Mỹ, đồng thời lập lại một nhóm làm việc chung "ba bên" để phối hợp trong các cuộc chiến với PKK. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ tất cả những đề xuất nói trên vì cho rằng "chưa đủ" và "quá chậm trễ để thực thi".

Hiện có khoảng 100 nghìn quân Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai dọc biên giới giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị cho cuộc truy quét lực lượng PKK, ước tính khoảng 3.000 phiến quân.

Những diễn biến căng thẳng của tình hình tại vùng biên giới giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ khiến cả ba nước liên quan trực tiếp là Mỹ, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ ở vào thế lúng túng.

Ðối với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh lớn trong khối NATO. 70% hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, 30% nhiên liệu và 95% số xe chống mìn mới dành cho lực lượng Mỹ ở Iraq đi qua Thổ Nhĩ Kỳ. Washington lo ngại rằng tình hình căng thẳng tại miền bắc Iraq sẽ gây bất lợi cho liên quân ở Iraq trong bối cảnh bạo lực tại nước này tiếp tục gia tăng. Baghdad và Washington không muốn khu vực miền bắc Iraq vốn được coi là ổn định nhất ở quốc gia Trung Ðông này bị xáo trộn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại nếu mở chiến dịch quân sự cũng sẽ gây trở ngại không nhỏ đối với mục tiêu kinh tế - xã hội và đối ngoại khi nước này đang tìm cách tái khởi động các cuộc đàm phán để gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU).

Trong bối cảnh đó, Mỹ và Iraq đều đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng mở chiến dịch qua biên giới để truy quét các tay súng PKK ở miền bắc Iraq. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ C.Rice sẽ đến Ankara vào ngày 2-11 tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng vùng biên giới Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ trước khi dự Hội nghị khu vực ở Istanbul ngày 2 và 3-11 bàn về tình hình Iraq.

Hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, lãnh đạo nước này đã đồng ý lui thời hạn đưa ra quyết định cuối cùng về việc có mở chiến dịch quân sự vào miền bắc Iraq hay không đến ngày 5-11 tới sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan gặp Tổng thống Mỹ G.Bush tại Washington và cuộc gặp này được coi là một "cơ hội cuối cùng" nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng vùng biên giới Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng PKK ở vùng biên giới Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào lúc bạo lực tiếp tục gia tăng ở Iraq, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel chưa tìm ra được lối thoát. "Ðiểm nóng" này nếu không được giải quyết bằng con đường đối thoại sẽ càng làm cho tình hình khu vực Trung Ðông vốn đã bất ổn càng trở nên phức tạp hơn và tiếp tục không ổn định.

Văn Lục