itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Putin - một Roosevelt của nước Nga?

Putin - một Roosevelt của nước Nga?

Trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, Franklin Delano Roosevelt là Tổng thống duy nhất tại nhiệm quá hai nhiệm kỳ. Ông cũng là người đã đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cơn khủng hoảng Đại suy thoái hồi đầu thế kỷ 20 và đặt nền móng để đưa nước Mỹ đến vị trí cường quốc số 1 thế giới hiện nay.

Và hiện tại, khi tên tuổi của Roosevelt đang dần chìm vào quên lãng ngay trong lòng nước Mỹ, thì ở một nơi xa xôi, nước Nga, tên tuổi của ông đang được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết.

Sự tương hợp “ngẫu nhiên”

Tờ “Komsomolskaya Pravda”, một trong những nhật báo có số lượng ấn bản nhiều nhất nước Nga, gần đây đã đăng tiểu sử Roosevelt. Trong đó, nhấn rất mạnh vào một chi tiết: Tổng thống thứ 32 của nước Mỹ đã thuyết phục những nhà tài phiệt đói khát quyền lực để chấn hưng nước Mỹ.

Theo các sử gia, Tổng thống Roosevelt đã khôi phục tinh thần của người dân khi lãnh đạo đất nước trong 12 năm và chuyển “mục tiêu tấn công sang những kẻ thù bên ngoài”.

Thậm chí ngày 21/10 vừa qua, RTR, kênh truyền hình nhà nước Nga vốn thường đả kích Washington, đã phát sóng bộ phim tài liệu dài 90 phút đầy sống động về cuộc đời Roosevelt.

Thuyết minh phim nói rằng Tổng thống Roosevelt “đã rút ra kết luận rằng ông là người duy nhất có thể đưa nước Mỹ đi đúng hướng và vượt qua thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử”.

Từ lâu, Roosevelt đã có một vị trí đặc biệt trong tâm trí của người Nga. Ông thường được biết đến như một đồng minh xa xôi, đã từng gửi những chuyến hàng cứu trợ khổng lồ giúp quân đội Xô Viết lật ngược tình thế trước phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Và có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa Roosevelt với đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cái tên Roosevelt đang được nói đến rất nhiều tại nước Nga.

Vượt qua sự hỗn loạn trên tất cả mọi mặt giai đoạn thập kỷ 1990, Tổng thống Putin đã vực dậy một nước Nga suy yếu và giành lại được sự tôn trọng vốn có trên trường quốc tế của cường quốc một thời này.

Và cũng giống như những gì Roosevelt từng trải nghiệm, Tổng thống Putin đang đứng trước một ngã ba đường...

Nhiệm kỳ thứ 3 - Nên hay không nên?

Roosevelt không chỉ đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ ba mà còn cả lần thứ tư, bởi một lý do đơn giản: nước Mỹ cần ông. Tổng thống Putin, cũng vậy, người Nga cho rằng ông nên ở lại sau khi nhiệm kỳ thứ hai sắp kết thúc.

Tuy nhiên, dường như đó là “một nhiệm vụ bất khả thi” bởi Hiến pháp Nga đã quy định: một Tổng thống chỉ được tại nhiệm tối đa 2 nhiệm kỳ.

Bình luận về bộ phim tài liệu được RTR phát sóng, Anatoly Utkin, thuộc Học viện nghiên cứu Mỹ và Canađa thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, cho biết: “Năm 1939, người Mỹ cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự như chúng ta (nước Nga) hiện nay - nhiệm kỳ thứ ba”.

Bộ phim chuyển sang cảnh phỏng vấn người dân Mỹ trên đường phố:

- Chúng tôi muốn ông ấy ở lại!

- Chúng tôi không muốn thay đổi!

- Ông ấy nên ở lại!

“Dĩ nhiên, nội dung đoạn phim trên ám chỉ nhiệm kỳ thứ ba, thứ tư, và tôi chắc rằng nó được dàn xếp bởi Kremlin” - Dmitry Oreshkin, nhà phân tích chính trị và là người đứng đầu Nhóm Mercator - một công ty tư vấn độc lập có trụ sở tại Moscow, nhận định.

“Giờ đây Roosevelt quá nổi tiếng ở nước Nga. Thành công này rất không tự nhiên bởi thực tế người Nga không mấy hiểu cụ thể về lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên nó vẫn thành công. Người ta gọi điều đó là huyền thoại, không chỉ về một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, mà còn ám chỉ “chủ nghĩa tư bản nhân đạo” có thể cải thiện vận mệnh một quốc gia” - Oreshkin quả quyết.

Roosevelt là Tổng thống Mỹ duy nhất tại vị quá 2 nhiệm kỳ, còn Putin thì sao?

Tuy nhiên, Tổng thống Putin luôn khẳng định sẽ không tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, mặc dù hé lộ rằng có thể trở thành Thủ tướng và mới đây đã đồng ý trở thành người đứng đầu Đảng Nước Nga thống nhất thân Kremlin trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12 tới.

“Từ giờ trở đi, tôi có thể nói rằng tôi muốn ở đó, nơi tôi sẽ phục vụ người dân nước Nga” - Tổng thống Putin đã nói như thế tuần trước, song vẫn từ chối tiết lộ cụ thể vai trò mà ông sẽ đảm nhiệm sau khi nhiệm kỳ Tổng thống kết thúc vào năm sau.

Huyền ảo chính trị

Hiện rất nhiều bài báo, phim tài liệu và hội thảo được tổ chức tại Nga về cuộc đời của Roosevelt với nhiều màu sắc huyền ảo, được cho là ám chỉ tới vai trò trong tương lai của Tổng thống Putin. Thậm chí, nhiều chính trị gia cũng không hề úp mở về điều này.

“Không cần thiết phải giả vờ rằng chúng ta không nghĩ tới Putin khi nói về Roosevelt” - Gleb Pavlovsky, cố vấn chính trị hàng đầu tại Kremlin, đã từng bình luận như vậy trong cuộc hội thảo diễn ra đầu năm nay nhằm kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Roosevelt, ngày mà hầu như đã rơi vào quên lãng tại Mỹ.

“Và rồi khi Putin - ý tôi là Roosevelt - suy nghĩ về khả năng tranh cử nhiệm kỳ ba, ông ta đã chống lại ý nguyện của chính mình”.

Tham dự cuộc hội thảo trên, được tổ chức tại Học viện Quan hệ quốc tế Moscow, cũng có sự có mặt của Vladislav Surkov, Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Putin và là chiến lược gia hàng đầu về chính trị đối nội của Kremlin.

“Tôi nghĩ rằng tư tưởng và cảm xúc đang thúc đẩy xã hội chúng ta ngày nay giống một cách kinh ngạc với những gì người dân Mỹ đã trải nghiệm dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt” - Surkov nói.

Ngay cả Tổng thống Putin cũng đã sử dụng phép loại suy của Roosevelt để trả lời báo giới sau khi tham dự chương trình hỏi đáp với người dân Nga trên truyền hình ngày 25/10.

Nhiều người Nga tin rằng Putin sẽ tiếp tục ở lại.

Khi được hỏi về viễn cảnh nước Nga, Tổng thống Putin đã viện dẫn Chính sách kinh tế xã hội mới (New Deal) của Roosevelt, khi cho rằng “ông ấy đã đưa ra kế hoạch phát triển đất nước từ trước đó nhiều thập kỷ”.

Tổng thống Putin nói: “Roosevelt đã trở thành Tổng thống duy nhất của nước Mỹ đắc cứ nhiệm kỳ thứ ba. Người dân Mỹ tin tưởng ông. Họ tin rằng đó là một bước ngoặt trong lịch sử mà ông sẽ không bỏ lỡ”.

Biểu tượng mới?

Trong những năm đầu tiên tại nhiệm, Tổng thống Putin thường được so sánh với Sa hoàng Peter Đại đế.

“Peter I rất tài giỏi nhưng khắc nghiệt” - Sergey Nikulin, Phó Giám đốc G808, một nhóm phân tích truyền thông tư nhân thường làm việc với Chính phủ, nhận định. “Và cho đến năm 2005, Putin là Peter”.

“Song, đến năm 2006, Peter bị loại bỏ, và đó là sự thay đổi đột ngột” - Nikulin nói. “Hình ảnh của Putin hiện nay là Roosevelt”. Nhiều nhà phân tích cho rằng bộ phim tài liệu về Roosevelt mà đài RTR phát sóng, chính là tiếng vọng tại nước Nga ngày nay.

“Những kẻ đầu cơ chính trị không chấp nhận một điều đơn giản: Doanh nhân và các chính trị gia, ai nấy chỉ nên tập trung vào công việc của mình”. Đây là đoạn thuyết minh khi bộ phim tài liệu đề cập tới những xung đột giữa Roosevelt với những ông chủ tập đoàn lớn.

Điều này cũng phản chiếu đúng với nội dung bức thông điệp của Tổng thống Putin đưa ra hồi tháng 7/2000, khi cảnh báo giới tài phiệt nước Nga rằng họ có thể tiếp tục công việc của mình chừng nào không can thiệp vào chính trị.

Chính Tổng thống Putin cũng đã khẳng định trong Thông điệp liên bang năm ngoái. “Dấu chân của ai đó đang và sẽ được dẫm lên”.

Đây là một câu được trích từ một buổi hỏi đáp giữa người dân và Tổng thống Roosevelt thực hiện trên đài phát thanh năm 1934.

N.H (lược dịch theo Washington Post)