itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Tản mạn về bầu cử Úc châu

Tản mạn về bầu cử Úc châu

Tân thủ tướng Kevin Rudd xuất thân

từ ngành ngoại giao

Tân thủ tướng của Úc, Kevin Rudd, loan báo ông sẽ ký nghị định thư về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính Kyoto và rút quân Úc ra khỏi Iraq.

Nhiều cử tri Úc tin rằng nước Úc cần phải có một lãnh đạo mới để đối điện với các thách thức mới và đảng Lao Động của ông Rudd đã giành được số ghế áp đảo trong cuộc bầu cử thứ Bảy 24/11 vừa qua.

Kể từ ngày trở thành dân biểu liên bang, ông Kevin Rudd mất 9 năm để trở thành thủ tướng của Úc châu.

Ông Howard sau khi vào quốc hội (năm 1974) phải chờ đến 22 năm sau mới thắng chức thủ tướng.

Vậy ngoài khả năng nói chuyện bằng tiếng Quan Thoại với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại APEC Sydney tháng Chín vừa qua, ông Rudd còn có kỹ năng gì khác nữa?

Tiểu sư của tân lãnh đạo

Ông Rudd mồ côi cha khi 11 tuổi. Bà mẹ một thân tần tảo nuôi bốn người con, tất cả đều được ăn học đến nơi, và qua đời cách đây 4 năm.

Tự giới thiệu là một người sinh ra và lớn lên ở vùng thôn quê ở Úc (tiểu bang Queensland) ông Rudd có một điểm khác cơ bản với các lãnh tụ trước đây của đảng Lao Động đó là ông không xuất thân từ nghiệp đoàn, hay làm lãnh tụ nghiệp đoàn rồi tham gia chính trường liên bang.

Ông Rudd chỉ có một văn bằng đại học duy nhất, là văn chương, sau đó thi vào bộ Ngoại Giao Úc và được cử đi ngoại quốc làm việc.

Ông có thời gian công tác tại Trung Quốc và là người nói thạo tiếng Quan Thoại. Chuyển ngành sau tám năm làm công chức, ông được đề đạt làm phụ tá hành chánh cho văn phòng thủ hiến tiểu bang.

Thời gian sau ông giữ chức đổng lý văn phòng cho (cựu) thủ hiến Queensland Wayne Goss.

Khi chuyển sang khu vực tư nhân ông, với vốn hiểu biết về Trung Quốc, ông trở thành chuyên gia tư vấn cho thị trường này ở công ty kiểm toán và tư vấn KPMG.

Đến năm 1998 ông ra tranh cử chức dân biểu liên bang đơn vị Griffith, và đại diện cử tri ở đơn vị này cho đến nay.

Báo chí cũng vào cuộc

Với kết quả bầu cử ngày 24/11 vừa qua, sau hơn 80 năm, nước Úc lại xảy ra chế độ ‘một đảng’ nắm quyền ‘từ trên xuống dưới’, đó là Lao Động giữ chính quyền liên bang, và Lao Động nắm quyền điều hành ở toàn bộ sáu tiểu bang.

Năm 1926 cũng đã xảy ra hình thức ‘độc đảng’ này nhưng khi đó đảng Tự Do nắm chính quyền ở hai cấp.

Ông Rudd hứa sẽ ký Hiệp ước Kyoto

Báo chí Úc châu thường giữ thế trung lập (và độc lập) với chính trị đảng phái, tuy nhiên có một chuyện hiếm thấy đó là trước bầu cử một ngày nhiều tờ báo công khai bày tỏ sự hậu thuẫn của họ dành cho một trong hai chính đảng, Tự Do, hoặc Lao Động.

Các tờ báo sau đây mong muốn Úc châu có tân chính phủ của đảng Lao Động: Daily Telegraph, Brisbane Courier Mail, The Australian, và Sydney Morning Herald. Ba tờ đầu thuộc công ty News Limited (của tài phiệt Rupert Murdoch). Tờ cuối của tập đoàn truyền thông Fairfax.

Ủng hộ đảng Tự Do nắm chính quyền thêm nhiệm kỳ nữa có tờ Herald Sun, là tờ ‘lá cải’ (tabloid) có số phát hành cao nhất Úc châu, lưu hành chủ yếu ở tiểu bang Victoria,. Tờ này thuộc News Limited. Có một tờ không nghiêng về bên nào, đó là The Age (thuộc công ty Fairfax).

Tiểu bang New South Wales (NSW) là nơi đảng Lao Động giành thêm được nhiều ghế nhất từ tay đảng Tự Do.

Trong 27 ghế ‘chộp’ thêm được trên toàn quốc, phần của NSW là 20 ghế.

Có thể, theo giải thích của một ký giả, NSW là nơi vật giá đắt đỏ nhất Úc châu, tiền nhà, tiền xăng, tiền thực phẩm cái gì cũng cao, cho nên cử tri tại tiểu bang trở nên ‘bất mãn’ với chính quyền Howard, và dồn phiếu cho đảng Lao Động của Kevin Rudd.

Mặc dù đến nay người ta chưa thấy ông Rudd làm điều gì cụ thể để cư dân tiểu bang có thêm tiền dư dả.

Trong khi đó Tây Úc là đất của đảng Tự Do, hầu hết các ghế dân biểu tại 12 địa hạt bầu cử của Perth, thủ phủ của Tây Úc, rơi vào người của đảng Tự Do. Có ý kiến cho rằng Tây Úc là tiểu bang đang phất lên từng ngày do kỹ nghệ khai mỏ đang gặp thời, ai cũng giàu lên, vùng khá giả thì đúng là đất của ‘Tự Do’ rồi!

Bất ngờ

Bất ngờ lớn nhất của cuộc bầu cử lần này là đương kim thủ tướng John Howard mất ghế dân biểu tại địa hạt Bennelong, ông nắm giữ suốt 33 năm.

Đảng Lao Động đưa cựu nữ ký giả của hệ thống truyền thông ABC, Maxine McKew, ra đấu với ‘con cáo già’ Howard.

McKew, 54 tuổi, ký giả nổi danh Úc châu, với nhiều chương trình thời sự và phỏng vấn chính trị gia trên truyền hình được người Úc yêu thích, là người nhiều kinh nghiệm về vận động hành lang và thủ thuật thu hút sự chú ý của cử tri.

Bà này có thân hình thon gọn, và khuôn mặt hấp dẫn của một phụ nữ từng trải.

Báo chí Úc ghi nhận, ngay cả ‘kinh nghiệm đầy mình’ như vậy, nhưng nếu cần chỉ dẫn thêm McKew có thể quay sang hỏi ngay chồng của mình là Bob Hogg. ‘Tay’ này cũng là một nhân vật đáng nể trong việc hướng dẫn các chính trị ‘gà nòi’ ra tranh cử, với thành tích giúp John Cain ( cựu thủ hiến tiểu bang Victoria), Bob Hawkes, Paul Keating ( hai cựu thủ tướng Úc châu) giành phần thắng về tay mình.

Thời tiết và thái độ cử tri

Các nghiên cứu gia đang làm rõ và trong khi chờ kết quả nghiên cứu, họ nhấn mạnh đến ba vùng thời tiết khác nhau trong ngày bầu cử ở nước Úc.

Trong khi dân Sydney phải mang dù đi bầu vì trời mưa, Brisbane trời xám như muốn nổi dông thì người Melbourne bước ra khỏi nhà với nắng nhẹ hôn trên má.

Cư dân của ba thành phố này nằm trong 13.5 triệu người Úc cần mẫn xếp hàng tại 7700 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, họ muốn góp phần nhỏ nhoi của mình để duy trì sự sinh động của nền dân chủ có mặt tại Úc châu hơn 200 năm qua.

‘Dân chủ là trò chơi đắt tiền’ như một lý thuyết gia phương Tây đã nói. Số tiền chi ra cho hoạt động bầu cử khoảng 95 triệu đô Úc (100 triệu Mỹ kim), lấy từ tiền thuế của dân.

Vợ chồng bỏ nhau vì bầu cử?

Chuyện nghe như khôi hài nhưng có thật 100%. Ứng viên Karen Chijoff của đảng Tự Do đơn vị Linsay ( phía Tây Sydney) nói với ký giả trong ngày bỏ phiếu đó là chồng bà đã dọn ra ngoài, không ở cùng bà nữa.

Nguồn gốc của câu chuyện là trước bầu cử hai ngày ông Greg Chijoff đã đi phân phát các tờ rơi (leaflet) giả, dựng đứng câu chuyện đảng Lao Động có quan hệ với các phần tử Hồi giáo qua khích, với ý đồ làm cho cử tri xa lánh Lao Động.

Báo chí chụp được hình ông Greg đang đi phân phát tờ rơi vào thùng thư gia đình trong khi bà Chijoff nhất mực nói rằng bà không biết gì về hành động của chồng mình. Trong ngày bầu cử người ta không thấy bà Chijoff đeo nhẫn cưới, và trước khi ‘bỏ nhà đi bụi đời’ chồng bà đã bị đảng Tự Do chỉ trích mạnh mẽ và nhận kỷ luật cao nhất, tức bị khai trừ khỏi đảng.

Theo BBC