itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Khủng hoảng chính trị kéo dài ở nước Bỉ

Khủng hoảng chính trị kéo dài ở nước Bỉ

Nhà Quốc hội của Bỉ.

Cuộc khủng hoảng chính trường của Vương quốc Bỉ đã vượt qua mức kỷ lục năm 1988 (148 ngày vô chính phủ), do các cuộc thương lượng về thành lập chính phủ liên minh kéo dài năm tháng qua ở nước này đang có nguy cơ đổ vỡ vì bất đồng giữa các đảng thuộc hai khu vực nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan.

Bỉ là một nước nhỏ nằm kẹp giữa Hà Lan, Pháp và Ðức. Theo hiến pháp, ngôn ngữ chính thức của Bỉ gồm ba thứ tiếng. Dân số Bỉ là 10,5 triệu người, trong đó có 6,5 triệu người nói tiếng Hà Lan thuộc cộng đồng Flemings và bốn triệu người nói tiếng Pháp thuộc cộng đồng Wallonia.

Kể từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Bỉ đã chuyển từ một quốc gia đơn nhất sang chế độ liên bang, nơi các vùng Flemings, Wallonia và Brussels (nói cả tiếng Pháp và Hà Lan) có được nhiều quyền tự trị hơn.

Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6 vừa qua, Ðảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDV) và Ðảng Tự do đã giành đa số trong QH có 150 ghế của Bỉ. Tuy nhiên, sau đó mỗi đảng này lại bị tách ra thành hai đảng khác nhau: một đảng thuộc những người nói tiếng Pháp và một của những người nói tiếng Hà Lan. Tiến trình đàm phán về thành lập chính phủ liên minh giữa bốn đảng này đã liên tiếp thất bại.

Một trong những nguyên nhân là bất đồng về vấn đề quyền tự trị ở vùng Flemings, vùng nói tiếng Hà Lan chiếm hơn 60% số dân ở miền bắc nước Bỉ. Hai đảng nói tiếng Pháp ở vùng Wallonia, thuộc miền nam nước Bỉ đã kiên quyết phản đối yêu cầu của hai đảng ở vùng Flemings, trong đó có CDV, đòi trao quyền tự trị nhiều hơn cho vùng này. Tiến trình đàm phán về thành lập chính phủ liên minh giữa bốn đảng này đã liên tiếp thất bại và Bỉ đã phá kỷ lục của chính nước này về thời gian không có chính phủ mới lên nắm quyền sau bầu cử là 150 ngày.

Sau một thời gian dài không tìm ra lối thoát, các đảng Flemings dọa tiến hành một cuộc bỏ phiếu tại QH về một trong những bất đồng chính của cuộc khủng hoảng: số phận các cử tri nói tiếng Pháp, những người sống ở ngoại ô Brussels, khu vực là lãnh thổ của người Flemings nhưng lại có một số lượng lớn dân nói tiếng Pháp đang cư trú.

Theo Hiến pháp hiện hành, các chính trị gia nói tiếng Pháp chỉ được phép tranh cử tại các khu vực ngoại ô của thủ đô, nhưng năm 2003 Tòa án hiến pháp nước này lại coi đó là bất hợp pháp. Các nghị sĩ Flemings dọa sẽ chấm dứt quyền trên trong cuộc bỏ phiếu tại QH. Ðáp lại, các đảng nói tiếng Pháp tuyên bố sẽ rút khỏi các cuộc hội đàm thành lập liên minh. Ngoài quyền bỏ phiếu, nhiều người Flemings đã than phiền rằng nền kinh tế hưng thịnh hơn của họ đã phải bao cấp cho cộng đồng Wallonia nghèo khó hơn với tỷ lệ thất nghiệp cao tới 14% (gấp đôi của người Flemings).

Cộng đồng nói tiếng Hà Lan đang đòi hỏi thêm quyền tự trị trong lĩnh vực y tế, tư pháp và giao thông vận tải, một trong những thành lũy cuối cùng thuộc quyền quản lý trung ương từ Brussels.

Từ đầu tháng 9, thủ lĩnh chính đảng của người gốc Hà Lan, ông Ðơ Uýt tuyên bố: "Cuộc khủng hoảng chính trị của chúng ta đã kéo dài hơn ba tháng, chính phủ của người Hà Lan vẫn không được chấp nhận, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ quyết định quốc hội, chính phủ của người Flemings chúng tôi để tuyên bố nền độc lập của mình".

Tờ Tin tức buổi chiều của Bỉ có lần đã đăng bài giới thiệu kinh nghiệm "chia tách hòa bình" của CH Czech và Slovakia, kêu gọi người Bỉ hãy học tập. Tuy nhiên, vùng Wallonia nói tiếng Pháp gồm bốn triệu người ở miền nam lại không muốn nước Bỉ tan rã. Thủ lĩnh Liên minh yêu nước của cộng đồng này nói: "Ðây là lần đầu sự phân liệt nước Bỉ diễn ra mạnh mẽ như thế, nhưng toàn quốc từ bắc chí nam, các chính đảng dù là phe tả hay hữu đều ủng hộ sự thống nhất đất nước".

Ngày 7-11, các đảng thuộc khu vực nói tiếng Pháp đã quyết định ngừng các cuộc thương lượng về thành lập liên minh cầm quyền để phản đối các đảng thuộc khu vực nói tiếng Hà Lan bỏ phiếu chia tách khu vực bầu cử chủ chốt quanh Thủ đô Brussels, nơi sinh sống của cả hai cộng đồng nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan, thành hai khu vực riêng biệt. Ðộng thái này của các đảng thuộc khu vực nói tiếng Hà Lan đồng nghĩa với việc khoảng 120.000 người nói tiếng Pháp sống ở vùng ngoại ô không thể bỏ phiếu cho các đảng thuộc khu vực nói tiếng Pháp ở Brussels.

Theo giới phân tích chính trị, động thái này của các đảng nói tiếng Hà Lan không khác gì lời tuyên chiến chống các đảng nói tiếng Pháp và có thể chấm dứt mọi cơ hội của phe Dân chủ Cơ đốc nói tiếng Hà Lan và các đối tác nói tiếng Pháp nhằm thành lập một chính phủ trung hữu ở Bỉ.

Kết quả một cuộc trưng cầu ý kiến mới đây cho thấy có tới 75% số người dân khu vực nói tiếng Hà Lan đồng ý chia tách, ở khu vực nói tiếng Pháp, tỷ lệ tán thành chỉ có 20%. Ngày càng có nhiều ý kiến đề xuất chia tách Bỉ thành hai quốc gia. Các tổ chức cực đoan tổ chức biểu tình khắp nơi đòi chia tách đất nước.

QH Bỉ đã hoàn toàn bị tê liệt. Nước Bỉ hiện tiếp tục nằm dưới sự điều hành tạm thời của chính phủ sắp mãn nhiệm đứng đầu là Thủ tướng Guy Verhofstadt. Tuy nhiên, chính phủ sắp mãn nhiệm này không có quyền đưa ra các quyết sách. Trong khi đó, ông Yves Leterme, thủ lĩnh CDV - đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 6, được Vua Bỉ Albert II chỉ định đứng đầu các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh vẫn chưa tìm được sự thỏa hiệp giữa hai cộng đồng nói tiếng Hà Lan và nói tiếng Pháp.

Người dân Bỉ tỏ ra lo ngại trước tình trạng đất nước có thể bị chia tách. Không ít người dân nước này đã treo quốc kỳ trên cửa sổ và ban công các tòa nhà ở Thủ đô Brussels.

Ngày 11-11, những người ủng hộ nước Bỉ thống nhất đã vẽ lên tường của tòa nhà QH Flemings những khẩu hiệu và hình vẽ phản đối quyết định của các đảng thuộc khu vực nói tiếng Hà Lan.

Trong điều kiện cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng trầm trọng ở Bỉ cùng với việc gia tăng tâm lý ly khai trong những người thuộc cộng đồng Flemings, các phương tiện thông tin đại chúng và các nhà phân tích đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ chia tách về mặt lãnh thổ của đất nước nằm ở trung tâm châu Âu này.

Nhật báo De Standaard gần đây đã dành nhiều trang phân tích chi tiết về những hậu quả thực tế của việc ly khai. Với nền kinh tế phát triển của mình, người Flemings dễ dàng gia nhập EU, nhưng việc chia đôi những biểu tượng quốc gia như Thư viện hoàng gia hay Thủ đô Brussels sẽ rất khó khăn.

HL / Nhandan