itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Về Hiệp ước đơn giản của EU

Về Hiệp ước đơn giản của EU

Trung tuần tháng 10 vừa qua, các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU đã thông qua thỏa thuận "Dự thảo Hiệp ước đơn giản" mang tính đột phá, có khả năng chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử 50 năm của EU.

Dự thảo Hiệp ước đơn giản này là ý tưởng của Tổng thống Pháp N.Sarkozy nhằm thay thế dự thảo Hiến pháp chung bị "chết yểu" do vấp phải sự phản đối của cử tri Pháp và Hà Lan cách đây hai năm.

Tại hội nghị cấp cao EU tháng 6 vừa qua tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã mất tới 36 giờ thảo luận căng thẳng để bàn hiệp ước mới. Cuối cùng, Hội nghị đã thống nhất được những điểm chính của bản hiệp ước.

Tuy nhiên, đến gần đây, văn bản hiệp ước này lại phát sinh thêm những tranh cãi mới, làm cho dư luận lo ngại về kết quả sẽ đạt được tại hội nghị lần này.

Ngay trước thềm hội nghị tại Lisbon, Ba Lan và Ý vẫn có thái độ do dự. Ba Lan tiếp tục yêu cầu đưa vào Hiệp ước đơn giản điều khoản cho phép một nhóm nước có quyền phong tỏa một quyết định nào đó của EU trong một thời hạn "thích hợp".

Thủ tướng Ý R.Prodi dọa sẽ phủ quyết dự thảo hiệp ước EU nếu văn kiện này đi kèm với việc phân bổ lại số ghế trong Nghị viện châu Âu, CH Czech đề nghị bổ sung quy định buộc Ủy ban châu Âu (EC) phải rút lại văn bản dự thảo luật nếu Hội đồng châu Âu yêu cầu...

Tinh thần nội dung của Hiệp ước đơn giản là ở nguyên tắc phân chia số ghế tại Nghị viện châu Âu (EP) của mỗi nước thành viên. Trong nhiệm kỳ 2009 - 2014, số nghị sĩ EP sẽ giảm từ 785 xuống 750, đồng thời mức "trần" được ấn định là 96 và mức "sàn" là sáu. Mỗi quốc gia, dù có số dân lớn đến đâu, cũng không thể có quá 96 đại biểu tại EP.

Ngược lại, số lượng đại biểu ít nhất cho một quốc gia thành viên (dù dân số ít) cũng không dưới sáu, để bảo đảm rằng các đảng phái chính trị lớn của quốc gia đó đều có tiếng nói tại EP. Hiệp ước mới cũng đơn giản hóa các thủ tục thông qua các quyết định chung của EU... Các nước thành viên EU sẽ được hưởng cơ chế phòng thủ tương trợ theo kiểu NATO trong trường hợp một nước bị tiến công.

Theo điều khoản do Hà Lan đề nghị bổ sung, nghị viện các nước thành viên EU có quyền kiến nghị trở lại đối với các đề xuất của EC xâm phạm thẩm quyền của nghị viện mỗi nước. Các nước cũng nhất trí bỏ những từ ngữ như Hiến pháp, quốc ca, quốc kỳ EU.

Mặc dù Hiệp ước mới và Hiến pháp châu Âu trước đây có nội dung tương đồng đến 90%, nhưng Hiệp ước cải tổ có những điểm cải cách quan trọng. Ðiểm đáng chú ý nhất chính là hiệp ước quy định sẽ bầu ra một "tổng thống" cho toàn khối EU. Theo quy định hiện nay, Chủ tịch Hội đồng EU là một nước thành viên với nhiệm kỳ luân phiên kéo dài sáu tháng.

Tuy nhiên, theo Hiệp ước cải tổ, Chủ tịch Hội đồng EU sẽ là một chính trị gia hàng đầu, được thủ tướng và tổng thống các nước thành viên bầu ra với nhiệm kỳ là 30 tháng. Tuy nhiên, quyền hạn của vị "tổng thống" này chưa được quy định trong Hiệp ước cải tổ. Chức vụ trên không đi kèm với các quyền lực về hành pháp. Thế nhưng, người ta cũng không loại bỏ khả năng EU sẽ có một vị "tổng thống" được bầu cử thật sự trong tương lai.

Việc thông qua dự thảo Hiệp ước được các nhà lãnh đạo EU đánh giá là đặc biệt quan trọng bởi các quy định của khối đã lỗi thời kể từ khi EU kết nạp thêm mười thành viên mới năm 2004 và tiếp đó là sự gia nhập của Bulgariavà Romaniavào tháng 1 vừa qua. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barodu đánh giá thỏa thuận trên là "một thỏa thuận lịch sử, giờ đây châu Âu có thể bảo vệ lợi ích của mình trong thời đại toàn cầu hóa".

Theo đề xuất, dự thảo Hiến pháp đơn giản chỉ cần được lãnh đạo cũng như Quốc hội các nước thành viên EU phê chuẩn là có hiệu lực chứ không cần đưa ra trưng cầu ý dân như đối với dự thảo Hiến pháp trước đây. Hiệp ước sẽ được 27 nước EU ký vào ngày 13-12 tới, và nếu được tất cả các nước phê chuẩn, Hiệp ước mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2009.

Dự thảo Hiệp ước đơn giản được thông qua đã giúp phá bỏ trở ngại lớn nhất cho sự phát triển tương lai của EU. Tuy nhiên, con đường đi tới một châu Âu thống nhất không phải đã hết những rào cản và nghi ngại.

Tờ Le Monde (Pháp) nhận xét: giai đoạn phê chuẩn có thể sẽ gặp rủi ro tại một số nước. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây, người dân tại những nước lớn trong EU vẫn muốn trưng cầu ý kiến về Hiệp ước Lisbon.

Một cuộc thăm dò hồi đầu tháng 10 của Viện nghiên cứu dư luận Harris, được thực hiện với 5.600 người châu Âu, cho thấy trung bình khoảng 70% số người được hỏi tại các nước "EU cũ" là Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh muốn chính phủ tổ chức trưng cầu ý dân về Hiệp ước Lisbon.

Hương Giang / Nhandan