itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Ông Musharraf có nguy cơ bị lật đổ?

Ông Musharraf có nguy cơ bị lật đổ?

Đến nay, các cuộc đảo chính ở Pakistan

đều nhằm vào các chính phủ dân sự.

Ảnh AP

Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã buộc phải bác bỏ những tin đồn lan truyền từ hôm qua rằng ông đang bị quản chế tại gia, chỉ hai ngày sau khi vị Tướng này ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Nếu tình hình vẫn như hiện tại, có rất ít lý do để tin rằng Tướng Musharraf, hiện đang giữ chức Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, lại đang phải đối mặt với nguy cơ bị lật đổ bởi vũ lực.

Có hai nhóm người dường như có khả năng hành động chống lại Tướng Musharraf và bắt giữ ông. Một là những quan chức cấp dưới trực tiếp của ông trong quân đội, trong đó có các trưởng cơ quan tình báo. Nhóm còn lại là nhóm sĩ quan chỉ huy các quân đoàn, tầng lớp lãnh đạo thứ hai của quân đội.

Vị thế của Tướng Musharraf phụ thuộc vào lòng trung thành cá nhân dành cho ông của những người phụng sự ông và cả lòng trung thành tập thể của lực lượng quân đội đối với chỉ huy.

Ở cả hai điểm này, lợi thế dường như đã được sắp xếp về phía Tướng Musharraf.

Tự tay chọn lựa

Những người giữ chức vụ quan trọng hiện nay đều là do Tướng Musharraf tự tay chọn lựa, có lẽ là dựa trên sự hiểu biết của ông về lòng trung thành và năng lực của họ.

Tướng Ashfaq Pervez Kiani gần đây được thăng chức và chỉ định làm Phó Tổng tư lệnh quân đội, được ông Musharraf chọn làm người kế nhiệm vị trí đứng đầu lực lượng quân đội.

Những người giữ vị trí quan trọng trong quân đội Pakistan
đều do Tướng Pervez Musharraf tự thay chọn lựa. Ảnh AFP

Tướng Kiani có trách nhiệm phải giám sát các cuộc điều tra xoay quanh hai âm mưu ám sát ông Musharraf hồi năm 2003, đưa một số nhân vật cấp thấp trong quân đội ra trước tòa án binh.

Tại một bữa tiệc chia tay buổi tối được tổ chức cho một số sĩ quan quân đội về hưu tháng trước, Tướng Musharraf dành phần lớn bài phát biểu của mình để nói về phẩm chất của Tướng Kiani, và nhấn mạnh rằng "cả hai chúng tôi đều nghĩ giống nhau".

Tổng Giám đốc ISI (Tình báo Liên ban), Trung tướng Nadim Taj, giữ chức vụ thư ký quân sự của Tướng Musharraf (MS), vị trí thường được trao cho một người thân cận.

Tướng Taj cũng là người đã có mặt trên chiếc máy bay "định mệnh" đưa Tướng Musharraf từ Sri Lanka về Karachi, và sau đó tới cấp lãnh đạo chóp bu ở Islamabad ngày 12/10/1999.

Chính phủ của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif khi ấy sa thải Tướng Musharraf và ra lệnh cho máy bay của ông phải chuyển hướng, dẫn tới cuộc đảo chính chấm dứt nền dân chủ 10 năm ở Pakistan.

Vị trí vô danh

Giám đốc Cục Tình báo quân sự, Thiếu tướng Nadim Ejaz, cũng là một nhân vật tín nhiệm và là người thân của phu nhân Sehba Musharraf.

Tướng Musharraf đã đưa ông từ một vị trí không tiếng tăm trong ISI lên chức Giám đốc MI (Tình báo quân đội) và trao cho ông nhiều nhiệm vụ quan trọng ở tỉnh Balochistan cũng như ở các khu vực bộ lạc phía tây bắc.

Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif bị ông Musharraf lật đổ
trong cuộc đảo chính năm 1999. Ảnh AP

Không hề có một sức ép hữu hình nào lên các quan chức này để họ hành động chống lại Tướng Musharraf. Ngược lại, họ đang phải chịu áp lực ủng hộ sự sắp đặt của ông để củng cố vị thế mới của mình.

Theo một số tin đồn, Tướng Kiani có thể có động cơ thực hiện một cuộc đảo chính vì ông sẽ là người thay thế Tướng Musharraf.

Chưa có tiền lệ

Tính đến thời điểm này trong lịch sử Pakistan, các cuộc đảo chính đều được tổ chức bởi các chỉ huy quân đội chống lại các lãnh đạo dân sự. Chưa từng có một cuộc đảo chính nào diễn ra trong nội bộ quân đội.

Trong quá khứ, các chỉ huy quân đội đã lật đổ các chính phủ dân sự dựa trên những mối đe dọa có hoặc không có thật đối với sự toàn vẹn quốc gia. Nhưng với một cuộc đảo chính nhằm trực tiếp vào một lãnh đạo đồng thời làm Tổng tư lệnh quân đội, mối đe dọa này phải chắc chắn là có thật.

Trong trường hợp hàng triệu người đổ ra đường chống lại Tướng Musharraf, cơ chế luật pháp và trật tự bị bẻ gãy, thì các nhân vật có quyền lực trong quân đội mới có thể tin rằng có đang có một mối đe dọa hiện hữu đối với sự toàn vẹn quốc gia.

Tướng Ashfaq Pervez Kiani. Ảnh Reuters

Khả năng này chỉ có thể xảy ra nếu Đảng Nhân dân Pakistan của bà Benazir Bhutto liên kết sức mạnh với giới luật sư và các nhóm đối lập khác đang cố gắng huy động sự ủng hộ dành cho các cuộc biểu tình chống Musharraf.

Nhưng bà Bhutto hiện nay lại đang bận bịu với các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực với Tướng Musharraf.
Trong khi đó, một trong số những điều có thể thấy rõ sau lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp hôm thứ bảy ở Pakistan là các cuộc biểu tình đường phố diễn ra ở quy mô tương đối nhỏ.
Do vậy giờ đây, Tướng Musharraf có lẽ chỉ phải lo lắng nhiều hơn về mối đe dọa bị ám sát, hoặc từ hàng nghìn tay súng ủng hộ Taliban đang phát động cuộc chiến chống quân đội Pakistan, hoặc từ các thành viên cấp thấp đang bất bình trong quân đội.

Thanh Hảo (Theo BBC)